Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Thủ Dâm: Tội Nặng Hay Nhẹ?


Hỏi:
Thưa cha, con cần được biết 1 số điều. Con muốn hỏi thủ dâm là tội trọng hay tội nhẹ? Con thực sự hết lòng tin vào chúa, con đã tham gia ca đoàn, đã làm rất nhiều việc sáng danh chúa. Đôi khi con có đọc thánh thư vào những thánh lễ Chúa nhật... .Thế nhưng, giá như con không dính vào sự dâm ô thì hay biết bao, nó đã cướp đi của con rất nhiều,... hay nói cách khác là con đã không thể đứng vững trước nó… thưa cha, con phải làm sao để thoát ra nó bây giờ? Con đã cầu nguyện rất nhiều, và đã cảm thấy ơn chúa xuống trên con... thế nhưng con chỉ có thể giảm cường độ chứ không thể bỏ hẳn cha ạ! Con mong nhận được lời khuyên của cha. Con muốn nói với cha rằng: con rất muốn dấn thân cho chúa...
Ph.
Đáp:
Việc quan hệ tình dục trước khi kết hôn và việc thủ dâm cả hai đều là những hành vi xúc phạm tới giới răn thứ sáu trong Thập giới. Để xác định tội nào trong hai tội đó là tội nặng hơn chúng ta cần phải phân tích và cứu xét nhiều yếu tố liên hệ cả khách quan và chủ quan nữa. Khách quan mà nói, việc quan hệ tình dục trước hôn nhân - tức là ngoài hôn nhân - tức là tội gian dâm. Tội này trái nghịch cách nghiêm trọng với nhân phẩm và tính dục của con người. Ngoài ra, nó còn liên quan tới một người khác nữa và cũng có thể là một gương xấu nghiêm trọng khi làm băng hoại giới trẻ (xem GLCG 2353). Còn thủ dâm là việc chủ ý kích thích cơ quan sinh dục để đạt được khoái cảm tình dục. Dù thủ dâm là một hành vi tự bản chất là vô trật tự cách nghiêm trọng nhưng nó chỉ giới hạn nơi một con người, thường không liên quan đến một nhân vật khác. Xét về phương diện tương quan ta có thể coi tôi gian dâm nặng hơn tội thủ dâm.
Tuy nhiên để có một phán đoán đúng đắn về trách nhiệm luân lý của đương sự của tội thủ dâm còn phải xét tới tình trạng thiếu trưởng thành tình cảm, áp lực của các thói quen đã có, tâm trạng lo âu cũng như các yếu tố khác về tâm lý và xã hội. Các nhân tố này có thể làm cho sự qui tội luân lý được giảm khinh, thậm chí đến mức tối thiểu (xem GLCG 2352).
Chúng ta không thể có câu trả lời đơn giản và phổ quát cho vấn nạn: "sau khi thủ dâm có được rước lễ không?" Nguyên tắc chung: "Ai ý thức mình phạm tội nặng và chưa xưng tội trước, thì không được làm lễ và không được rước lễ, trừ khi có lý do quan trọng và không có dịp tiện đi xưng tội. Trong trường hợp này, họ phải tâm niệm về bổn phận thống hối trọn vẹn, bao gồm lòng dốc quyết đi xưng tội sớm ngần nào có thể" (GL 916). Thống hối trọn vẹn được Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: "Khi sự ăn năn tội xuất phát từ lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự, thì được gọi là ăn năn tội 'cách trọn'. Cách ăn năn tội này xoá bỏ các tội nhẹ; và cũng đem lại ơn tha thứ các tội trọng, nếu hối nhân quyết tâm đi xưng tội càng sớm càng tốt" (GLCG 1452). Hy vọng điều góp ý này sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề.
Giáo Lý cũng hướng dẫn chúng ta trong việc giữ gìn nhân đức trinh khiết (bao gồm việc chừa tội thủ dâm) phải thực hành sự tự chủ là một công việc bền bỉ lâu dài, và trong một số giai đoạn cần phải nỗ lực nhiều hơn như trong tuổi thiếu niên và thanh niên. Khiết tịnh là một nhân đức luân lý, nhưng đồng thời cũng là hồng ân của Thiên Chúa, là ân sủng, là hoa trái của Thần Khí (xem GLCG 2341-2345). Việc cầu nguyện cũng rất cần thiết để có thể chiếm thủ nhân đức này. Ngoài ra, kinh nghiệm của các Thánh cũng khuyên chúng ta nên chạy đến với Đức Trinh Nữ Maria để xin Người cứu giúp và hỗ trợ chúng ta cách riêng trong việc giữ gìn nhân đức quí giá này.


Có Phạm Điều Răn Thứ 6??




Giải Đáp và Hướng Dẫn:
Lm. Phi Quang

Hỏi 109

 
Kính thưa cha, cho con hỏi vấn đề này, khi các bạn trẻ đến với nhau, giữa nam và nữ, thì khó tránh khỏi những rung động của trái tim, nên có lẽ sẽ xảy ra những chuyện như ôm nhau, hôn nhau. Vậy những điều đó có phạm vào điều răn thứ 6 không vậy cha. Hai người không có quan hệ với nhau, chỉ có những tình cảm như vậy với nhau, vì điều đó có phạm tội không vậy cha, và đó là tội trọng, hay tội nhẹ, xin cha giải thích dùm con, con xin cám ơn cha.
nguoibanmoi
Đáp:
Nguoibanmoi thân mến,
Tình yêu là một mầu nhiệm, không ai có thể giải thích được hết những lý lẽ, những hiện tượng xẩy ra giữa những người yêu thương nhau. Là những người tín hữu chúng ta biết rằng “Tất cả mọi người đã được Thánh tẩy đều được kêu gọi giữ đức khiết tịnh. Người Kitô hữu ‘đã mặc lấy Chúa Kitô’ (Gl 3:27), khuôn mẫu của mọi sự khiết tịnh.  Tất cả mọi tín hữu đều được kêu gọi sống cuộc đời khiết tịnh theo bậc sống của mình.  Khi lãnh nhận phép Rửa tội, người Kitô đã cam kết hướng dẫn các cảm xúc của mình trong sự khiết tịnh” (GLCG 2348). Khi hai người nam nữ gần nhau, có cảm tình với nhau tự nhiên thích biểu lộ tình cảm của mình qua những lời nói, cử chỉ, nụ hôn, sự đụng chạm... Là người tín hữu có trách nhiệm, chúng ta phải ý thức trách nhiệm và giới hạn quyền lợi của mình. Tội phạm tới giới răn Thứ Sáu là cố ý cố tình ước muốn hay tìm hưởng một thú vui sắc dục hỗn loạn.  Thú vui sắc dục bị coi là hỗn loạn khi người ta tìm cách hưởng nó ngoài mục đích hôn nhân (sinh sản con cái và kết hợp).
Ba yếu tố xác định tính cách luân lý của một hành vi nhân linh:
1.      Chính hành vi cụ thể mà đương sự chọn;
2.      Chủ ý của của đương sự khi thực thi điều đó;
3.      Hoàn cảnh chung quanh hành vi được thực hiện.
Chính việc hôn, ôm không phải tự nó là hành vi tội lỗi, nhưng có thể trở thành tội khi có chủ ý xấu.  Có những hình thức ôm hôn dễ dàng dẫn đến những ước muốn tội lỗi mỗi người tự biết và phải tự chịu trách nhiệm kiềm chế.  Ngoài ra tính cách luân lý của những hành vi này còn tùy hoàn cảnh, bậc sống của đương sự nữa (giới tu trì, người đã có gia đình, những người độc thân...).
Do đó, nếu những cử chỉ biểu lộ tình cảm mà có chủ ý tìm đến thú vui sắc dục ngoài hôn nhân thì là điều xúc phạm tới Giới răn Thứ Sáu. Nói chung thì những tội phạm tới giới răn Chúa một cách ý thức đầy đủ là tội trọng.  Nhưng những yếu tố liên quan (không biết đủ hay muốn đủ) và những hoàn cảnh chung quang sự việc có thể làm giảm khinh tính cách qui trách.

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Bí Tích Hòa Giải


Bài 18 :

BÍ TÍCH HÒA GIẢI


LỜI CHÚA  :
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 
Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha”
(Ga 20,23).

BÀI HỌC :         
Bí tích Hoà Giải là dấu chỉ Chúa Giêsu đã lập để tha các tội ta đã phạm cùng giao hòa ta với Thiên Chúa và mọi người. Bí tích này có nhiều tên gọi: bí tích Hoán Cải, Sám Hối, Xưng Tội, Tha Tội, Giải Tội ...
  
I .  BÍ TÍCH HOÀ GIẢI BAN CHO TA  NHỮNG ƠN GÌ ?
Khi được Thánh Tẩy, chúng ta đã trở nên tạo vật mới nhưng bản chất con người vốn yếu đuối thường hay sa ngã nên cần được phục hồi qua bí tích Giải Tội (x.1Cr 6,11; 1Ga 1,8).
- Xưng Tội là để được tha tội nhằm giao hòa với Thiên Chúa và mọi người. Cao điểm của bí tích này chính là để giao hòa, gặp gỡ Thiên Chúa và con người; được sạch tội là để tạo điều kiện cho sự gặp gỡ thân mật ấy.
- Bí tích Giải Tội còn ban ơn trợ giúp hối nhân vượt thắng tội lỗi. Do đó, dù khi chỉ phạm tội nhẹ, chúng ta cũng cần đến bí tích này để lãnh nhận ơn trợ giúp của Chúa.
   
II - MUỐN XƯNG TỘI  PHẢI LÀM NHỮNG VIỆC GÌ?
1) Xét mình :
Trước khi kiểm điểm đời sống, có thể đọc kinh Xét mình (trang 13) để xin Chúa soi sáng.
Có nhiều cách xét mình:
a)  Dựa vào Lời Chúa để xét xem chúng ta còn thiếu sót những gì có thể rút ra từ Lời Chúa, nhất là những bản văn liên quan đến thống hối, luân lý ?
b)  Dựa vào 3 tương quan với Thiên Chúa, với anh chị em và với chính mình, xem còn thiếu sót những bổn phận gì ?

*  Đối với Thiên Chúa:
Tôi thường lỗi bổn phận với Thiên Chúa vì những lỗi sau đây liên quan đến đức tin ,đức cậy và đức mến:
- Hoài nghi những điều Thiên Chúa và Hội Thánh dạy ... lần.
- Hổ thẹn không dám tỏ ra mình là Kitô hữu...
- Tin dị đoan, bói toán ... 
- Quá cậy sức mình ... 
- Thất vọng, thiếu trông cậy nơi Chúa ...
- Còn tội trọng chưa xưng mà vẫn rước lễ ...
- Bỏ lễ ngày Chúa Nhật ...
- Bỏ cầu nguyện sáng tối ...
- Bỏ xưng tội một năm ...  
- Không rước lễ trong mùa Phục Sinh

*  đối với tha nhân :
Tôi thường hay lỗi phạm đến tha nhân trong các bổn phận bác ái, công bình và trong sạch:
- Không yêu mến, tôn kính, vâng phục cha mẹ hay người trên …
- Không chăm sóc, dạy dỗ và làm gương cho con cái …
- Thiếu bổn phận bác ái, giúp đỡ người cùng khốn …
- Giết người hoặc gây thương tích …
- Tự sát hay có ý tự tử …
- Giận hờn, oán thù, nói xấu, hại người khác..
- Vu oan cho người khác … 
- Làm gương xấu …
- Trộm cắp … Gian lận … Lấy lời quá mức …
- Nhận hối lộ … Lấy của công … Làm hư hại tài sản chung …
- Không trả nợ, Không hoàn trả của lượm được
- Trả tiền công không xứng đáng …
- Trốn thuế ...
- Tham lam … Mơ ước chiếm của người khác
- Nói dối … Lường gạt … Làm chứng gian …
- Tiết lộ điều phải giữ kín …
- Làm mất danh dự của người khác …
- Phá thai hoặc cộng tác vào việc phá thai …
- Ngoại tình …
- Có những hành động dâm ô với người khác .

*  đối với bản thân:
- Không chăm lo sức khoẻ ...
- Ăn chơi trụy lạc …
- Có những ý nghĩ và ước muốn không trong sạch, hoặc thủ dâm ......
- Không luyện tập và phát triển các đức tính tốt
c)  Dựa vào Kinh 10 Giới Răn Thiên Chúa và 6 điều răn Hội Thánh (trang 11) để rà xét lại đời sống.

2)  Ăn năn tội :
Sám hối là “đau đớn trong lòng và chê ghét tội đã phạm, dốc lòng chừa từ nay không phạm nữa” (DS 1676).
Có thể đọc kinh Thú nhận, hay kinh Ăn năn tội (trang 13).

3)  Xưng tội :
 Thú tội là nhận mình có tội, có trách nhiệm về tội đã phạm và sẵn sàng hoà giải. “Khi cố ý xưng hết tội nhớ được, người tín hữu trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa để được Người tha thứ. Ai cố tình giấu tội, người ấy không sẵn sàng đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa qua trung gian linh mục. Vì nếu bệnh nhân xấu hổ không cho thầy thuốc coi vết thương thì làm sao chữa được” (Trentô, DS 1680).
“Dù không bó buộc, Hội Thánh vẫn khuyên các tín hữu nên xưng các lỗi thường ngày (các tội nhẹ). Việc năng xưng các tội nhẹ giúp chúng ta rèn luyện lương tâm, giúp chiến đấu chống lại các khuynh hướng xấu, sẵn sàng để Đức Kitô chữa lành và tiến tới trong đời sống theo Thánh Thần” (GLHTCG 1458).
Khi vào tòa giải tội có thể nói như sau:
Làm Dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
“Thưa cha, con xưng tội cách đây ... (mấy tuần hay mấy tháng, mấy năm), mọi việc con đã làm, bây giờ con muốn xưng thú tội lỗi của mình.
-Thưa cha, trong đời sống tương quan với Chúa, con có ... lần.
-Trong đời sống bổn phận với mọi người, con đã … lần. …
-Trong bổn phận đối với bản thân, con có …
* Thưa cha, con đã xưng xong. (và con muốn xưng cả những tội quên sót, xin cha dùng quyền của Hội Thánh mà tha tội cho con.)”

4) Nghe lời xá giải :
Sau khi nghe lời thú tội, linh mục sẽ hướng dẫn và khuyên giải, ra việc đền tội và đọc lời tha tội :
“Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an, vậy cha tha tội cho con nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Hối nhân thưa: AMEN.
Linh Mục: Chúc (con) ra về bằng an!
Hối nhân thưa: Cám ơn cha. Hoặc: Tạ ơn Chúa.

5) Đền tội :
Sau khi ra khỏi toà giải tội, hối nhân đọc những Kinh hoặc làm những việc mà cha giải tội đã chỉ bảo, làm lúc đó hay để lúc khác. Việc đền tội chỉ có tính sám hối và tạ ơn, và quan trọng là quyết tâm chừa cải hoặc làm một điều gì đó cho thật tốt. Riêng về những tội phạm đến sự công bằng, dù đã được tha song còn đòi buộc chúng ta phải đền bù thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần. Cuối cùng nên đọc Kinh Lạy Cha trong tâm tình giao hoà với Thiên Chúa.
Tóm lại, dấu chỉ hữu hình của bí tích Hoà Giải là việc sám hối và lời tha tội. Việc sám hối biểu lộ qua các trình tự : xét mình, ăn năn tội, xưng tội và đền tội.

III .  ẤN TOÀ GIẢI TỘI
Tác vụ Giải Tội rất cao trọng đòi hỏi cha giải tội phải tôn trọng và tế nhị đối với người xưng tội. Hội Thánh cũng buộc mọi linh mục, khi giải tội, phải giữ kín tuyệt đối những tội mà hối nhân đã xưng thú. Bí mật tòa giải tội không chấp nhận một luật trừ nào, cho nên ai vi phạm sẽ mắc vạ nặng nề.

IV .  THỐNG HỐI CỘNG ĐỒNG
“Bí tích Giải Tội có thể được cử hành cộng đoàn: tất cả cùng chuẩn bị xưng tội và cùng nhau cảm tạ vì được ơn tha thứ. Lúc đó việc xưng tội và giải tội cá nhân được tiến hành trong một cử hành Lời Chúa, với việc đọc Sách Thánh và diễn giảng, cộng đoàn được hướng dẫn xét mình; xin ơn tha thứ, đọc kinh Lạy Cha và cùng tạ ơn. Hình thức này diễn tả rõ nét hơn tính Hội Thánh của việc thống hối” (GLHTCG 1482).
Trong trường hợp thật cần thiết, nguy tử hay thật khẩn thiết về điều kiện thời gian và hoàn cảnh, có thể cử hành bí tích Giải Tội tập thể - nghĩa là không cần thú tội riêng với linh mục, chỉ cần có lòng sám hối rồi linh mục đọc lời tha tội chung cho mọi người - nhưng đòi buộc phải xưng lại những tội trọng khi có dịp xưng tội riêng sau đó.

V - ÂN XÁ
Ân xá là ơn Hội Thánh ban nhờ công nghiệp Chúa Giêsu, Đức Maria và các Thánh để tha các hình phạt tạm do tội gây nên, khi tội đã được tha.

1*  Hình phạt do tội là gì ?
- Tội nặng làm cho ta không được thông hiệp với Chúa nên không được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Đây là hình phạt đời đời trong hỏa ngục. Khi lãnh nhận bí tích Giải Tội thì tội trọng được tha, hình phạt đời đời cũng được tha nhưng vẫn còn phải chịu một phần hình phạt tạm.
- Tội nhẹ cần được thanh luyện ở đời này hay đời sau trong luyện ngục trước khi được hưởng hạnh phúc bên Chúa. Đây cũng là hình phạt tạm.
- Bí tích Thánh Tẩy hay Giải Tội tha mọi tội trọng lẫn tội nhẹ, tha hình phạt đời đời nhưng hình phạt tạm vẫn còn.
Do đó, ân xá không nhằm tha tội (tôị trọng) nhưng chỉ tha hết mọi hình phạt tạm sau khi tội chúng ta đã được tha, vì Ân Xá thường đi kèm với việc Xưng Tội ngay trước hoặc sau đó.

2*  Có mấy loại ân xá ?
- Tiểu xá là ơn tha một phần hình phạt tạm.
- Đại xá (toàn xá) là ơn tha hết mọi hình phạt tạm.
Mọi tín hữu đều có thể hưởng ân xá, hoặc cho mình hoặc chuyển cầu cho những người đã qua đời.

3*  Vì sao Thiên Chúa lại ban ân xá qua Hội Thánh ?
Nhờ quyền cầm buộc và tháo cởi do Đức Kitô ban, Hội Thánh chuyển cầu cho các Kitô hữu và mở cho họ kho tàng công phúc của Đức Kitô và các Thánh để Chúa Cha nhân từ tha cho họ những hình phạt tạm phải chịu vì tội lỗi.

4*  Điều kiện lãnh nhận ân xá là gì ?
- Phải Xưng Tội và Rước Lễ cùng quyết tâm hoán cải, dứt bén khỏi mọi tội lỗi, dù là tội nhẹ.
- Phải cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng (bằng cách đọc Kinh Lạy Cha).
- Phải làm những việc mà Hội Thánh dạy để được hưởng ân xá (mỗi ân xá có quy định một việc làm riêng).
Nếu không hội đủ những điều kiện trên thì chỉ được hưởng ơn tiểu xá.
Sám hối là tâm tình luôn phải có của giới luật mến Chúa yêu người.

CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, giống như người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, con luôn thấy mình có những thiếu sót bất toàn, xin Chúa đừng nhìn đến tội lỗi của con, nhưng xin rộng lòng thương xót để con được nên tinh trắng (Lc 18,9-14).
Học kinh : Kinh Xét mình, trang 13

TÓM LƯỢC :
1* Bí tích Hoà Giải là gì ?
- Bí tích Hoà Giải là dấu chỉ Chúa Giêsu đã lập để tha các tội ta đã phạm, cùng giao hoà ta với Thiên Chúa và mọi người.
2* Bí tích Hoà Giải ban cho ta những ơn gì ?
- Bí tích Hoà Giải ban cho ta những ơn này: một là tha tội để giao hoà ta với Thiên Chúa và Hội Thánh; hai là ban ơn trợ giúp để ta vượt thắng tội lỗi.
3* Muốn lãnh nhận bí tích Hoà Giải thì phải làm những gì ?
-Muốn lãnh nhận bí tích Hoà Giải phải làm bốn việc này: một là xét mình, hai là ăn năn tội, ba là xưng tội, và bốn là đền tội.
4* Phải xét mình như thế nào ?
- Phải xét mình dựa vào Kinh Mười điều răn của Chúa và Sáu điều răn  của Hội Thánh; hoặc dựa vào ba bổn phận: với Chúa, với tha nhân, và với chính mình.
5* Ân xá là gì ?
- Ân xá là ơn Hội Thánh ban nhờ công nghiệp Chúa Giêsu, Đức Maria và các thánh để tha các hình phạm tạm do tội gây ra và còn kéo dài sau khi tội đã được tha.
6* Muốn lãnh nhận Aân Xá thì phải có những điều kiện gì?
-       Muốn lãnh nhận được Ân Xá phải chu toàn ba điều kiện này: một là phải Xưng Tội – Rước Lễ cùng quyết tâm dứt bén khỏi mọi tội lỗi; hai là phải cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng; và ba là phải làm những việc mà Hội Thánh quy định để lãnh nhận ÂÂn Xá.

QUYẾT TÂM :
Mỗi tối trước khi ngủ tôi đọc kinh cầu nguyện, xét mình và xin Chúa thứ tha mọi tội lỗi trong tư tưởng, lời nói và hành động.

Tìm Hiểu Đại Cương Về Ân Xá

THÁNG CÁC LINH HỒN


TÌM HIỂU ÐẠI CƯƠNG VỀ ÂN XÁ


Người Công Giáo ngày nay không để ý mấy đến Ân Xá. Nhiều người, nhất là người trẻ còn tránh né đề cập đến Ân Xá vì những hiểu lầm do những tuyên truyền và chống đối của các giáo phái Tin Lành gây ra. Trong phạm vi bài này chúng tôi xin tóm lược những giáo huấn của Hội Thánh về Ân Xá để giúp chúng ta tận dụng kho tàng ơn phúc quý trọng và châu báu này.

1. Những hiểu lầm về Ân Xá.

Qua sự tuyên truyền của người Tin Lành và sự thiếu hiểu biết của người Công Giáo, nhiều người nghĩ lầm rằng:

· Ân Xá có thể tha tội trọng mà không cần xưng tội.

· Ân Xá tha cả những tội chúng ta sẽ phạm trong tương lai.

· Khi đã lãnh Ân Xá thì không cần chừa tội cũng lên Thiên Ðàng.

· Ân Xá tha cả tội của những người đã chết trong tội trọng mà không ăn năn.

· Ân Xá bảo đảm phần rỗi.

· Ân Xá chỉ được lãnh trong những dịp đặc biệt, nghiã là vài lần trong một năm.

· Ân Xá còn có giá trị hơn Phép Thánh Thể.

· Có thể mua Ân Xá…

Tất cả những điều trên đều là hiểu lầm và sai lầm. Vậy Ân Xá là gì?

2. Ân Xá là gì?

"Ân xá là sự tha thứ các hình phạt tạm do tội gây ra, mà các tội đó đã được tha. Các Kitô hữu đã chuẩn bị thích đáng được hưởng dưới những điều kiện được quy định qua hành động của Hội Thánh, như là thừa tác viên của ơn cứu độ, dùng quyền ban phát và áp dụng kho tàng ơn thánh của Ðức Kitô và các thánh". (GLCG 1471)

Như thế Ân Xá:

· chỉ tha hình phạt tạm do tội đã xưng nhưng chưa đền mà không tha tội.

· chỉ được lãnh nhận bởi những người đã chuẩn bị thích đáng theo điều kiện sẽ bàn tới ở sau.

· do quyền Chúa Giêsu ban cho Hội Thánh để phân phát kho tàng ơn thánh của Chúa Giêsu, Ðức Mẹ và các Thánh để lại cho Hội Thánh quản thủ.

3. Quyền ban Ân Xá

Quyền ban Ân Xá là quyền được Chúa ban cho Hội Thánh (Mt 18:19; Ga 20:19, 22-23), và đặc biệt là ban cho Ðức Thánh Cha (Mt 16:19) là người kế vị Thánh Phêrô. (Xem GLCG 1478).

4. Mục Ðích của Ân Xá

Ðức Hồng Y William W. Beum khi công bố “Chỉ Nam Ân Xá” đã nói:

Khi hiểu tường tận và lãnh nhận cách hoàn toàn, thì Ân Xá là yếu tố quan trọng trong việc hoán cải liên tục, là một tiến trình thánh hóa đặc trưng cho đời sống thiêng liêng trên thế gian.

Như vậy Ân Xá được ban ra với hai mục đích:

· Tha hình phạt tạm do tội gây ra.

· Giúp tín hữu nhận Ân Xá hoán cải và nên thánh.

5. Các loại Ân Xá
a) Ơn Toàn Xá: Tha hết mọi hình phạt do tội gây ra. Trong năm có nhiều dịp lễ trọng Hội Thánh ban ơn Toàn Xá cho chúng ta, như phần lớn chúng ta đã biết. Nhưng có bốn việc đặc biệt chúng ta có thể làm để được lãnh ơn Toàn Xá mỗi ngày là:

· Viếng Mình Thánh Chúa ít ra là nửa giờ đồng hồ một lần.

· Ðọc Kinh Mân Côi (50) chung một nhóm.

· Ðọc và suy niệm Thánh Kinh ít ra là nửa giờ đồng hồ một lần.

· Viếng Ðàng Thánh Giá trong nhà thờ hay một nơi Ðàng Thánh Giá được dựng đúng phép.

b) Ơn Tiểu Xá: Tha một phần hình phạt do tội gây ra. Có ba loại Ơn Tiểu Xá.

· Cho các tín hữu khi gặp khó khăn hay khi làm nhiệm vụ nâng lòng trí lên cùng Thiên Chúa với tinh thần khiêm nhường cùng phó thác, và thầm thĩ cầu nguyện. Mục đích là khuyến khích các tín hữu cầu nguyện không ngừng.

· Cho các tín hữu hy sinh phục vụ tha nhân vì lòng mến Chúa. Mục đích là khuyến khích các tín hữu đi theo và tuân giữ giới răn Chúa qua các việc bác ái, từ thiện.

· Cho các tín hữu, với lòng thống hối, ăn chay, kiêng thịt hay hãm mình không hưởng những gì mình thich. Mục đích là để giúp tín hữu biết tiết độ và tự chủ, đồng thời dành để chút ít mà giúp người nghèo.

6. Ai được hưởng Ân Xá?

Ân Xá được chỉ cho chính mình, cho các người đã lìa trần, nhưng không được chỉ cho những người còn sống.

7. Ðiều kiện để hưởng Ơn Toàn Xá


Ðã được rửa tội và trong tình trạng ân sủng.


Rước Mình Thánh Chúa mỗi lần lãnh ơn này.


Xưng Tội trong, trước hay sau khi lãnh ơn này ít ngày. Một lần xưng tội đủ cho nhiều lần lãnh Ơn Toàn Xá.


Phải quyết tâm không dính lứu đến tất cả các tội lỗi, kể cả tội nhẹ.


Cầu nguyện theo ý Ðức Thánh Cha, thường là một Kinh Lạy Cha và một Kinh Kính Mừng.


Có ý ước ao nhận Ơn Toàn Xá.


Làm các việc đòi buộc để lãnh Ơn Toàn Xá như nói ở điều số 4.


Chỉ được hưởng một ngày một Ơn Toàn Xá thôi.

8. Ðiều kiện để lãnh Ơn Tiểu Xá


Ðã rửa tội và trong tình trạng ân sủng.


Phải ăn năn tội trong lòng.


Phải có ý định lãnh nhận Ơn Tiểu Xá.


Phải làm một trong ba việc như nói ở điều số 5.

Ân Xá vừa là phương tiện khuyến khích chúng ta nên thánh vừa là phương thế hữu hiệu nhất để giúp đỡ các linh hồn nơi Luyện Ngục. Xin Chúa giúp chúng con hiểu và biết tận dụng phương thế này. Amen.

Phạm Xuân Khôi, Biên tập



Chuẩn Bị Tâm Hồn Lãnh Nhận Ơn Toàn Xá

Default 



Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã quyết định các tín hữu có thể được hưởng ơn toàn xá trong ngày Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa vào Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Phục Sinh (Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh). Quyết định trên đây được công bố trong sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao đăng trên báo Quan Sát Viên Rôma của Tòa Thánh.


Hình phạt do tội 


Tội nặng làm cho ta không được thông hiệp với Chúa nên không được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Đây là hình phạt đời đời trong hỏa ngục. Khi lãnh nhận bí tích Giải Tội thì tội trọng được tha, hình phạt đời đời cũng được tha nhưng vẫn còn phải chịu một phần hình phạt tạm.
- Tội nhẹ cần được thanh luyện ở đời này hay đời sau trong luyện ngục trước khi được hưởng hạnh phúc bên Chúa. Đây cũng là hình phạt tạm.
- Bí tích Thánh Tẩy hay Giải Tội tha mọi tội trọng lẫn tội nhẹ, tha hình phạt đời đời nhưng hình phạt tạm vẫn còn.
Do đó, ân xá không nhằm tha tội (tôị trọng) nhưng chỉ tha hết mọi hình phạt tạm sau khi tội chúng ta đã được tha, vì Ân Xá thường đi kèm với việc Xưng Tội ngay trước hoặc sau đó.

Có mấy loại ân xá ?
- Tiểu xá là ơn tha một phần hình phạt tạm.
- Đại xá (toàn xá) là ơn tha hết mọi hình phạt tạm



Điều kiện lãnh nhận ân xá là gì ?
1) Phải Xưng Tội và Rước Lễ cùng quyết tâm hoán cải, dứt bén khỏi mọi tội lỗi, dù là tội nhẹ.
2) Phải cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng:



Ý Ch Cu Nguyn ca Đc Thánh Cha Tháng 3 - 2011

Ý Chỉ Chung: Cầu cho các nước Mỹ Châu La-tinh trung thành bước theo Phúc Âm và tiến bộ trong công lý và hòa bình
Ý Truyn Giáo: Xin Thánh Thần Chúa ban ánh sáng và sức mạnh cho các Kitô hữu bị bách hại và kỳ thị vì Phúc Âm


Ý Ch Cu Nguyn ca Đc Thánh Cha Tháng 4 - 2011
Ý Chỉ Chung: Xin cho Hội Thánh biết công bố Tin Mừng cách đáng tin để giới trẻ tìm được lý do tươi mới cho cuộc sống và hy vọng.
Ý Truyền Giáo: Cầu cho các nhà Truyền giáo có thể đem Chúa Kitô cho những người chưa biết Chúa qua việc loan báo Phúc Âm và chứng nhân cuộc sống.


3) Phải làm những việc mà Hội Thánh dạy để được hưởng ân xá

Hội thánh có sáu điều răn:
Thứ nhất: xem lễ ngày Chủ nhật, cùng các ngày lễ buộc.
Thứ hai: chớ làm việc xác ngày Chủ nhật cùng các ngày lễ buộc. 
Thứ ba: xưng tội trong một năm ít là một lần.
Thứ bốn: chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong mùa Phục-sinh.
Thứ năm: giữ chay những ngày Hội-thánh buộc.
Thứ sáu: kiêng thịt ngày thứ sáu, cùng những ngày khác Hội-thánh dạy.

Nếu không hội đủ những điều kiện trên thì chỉ được hưởng ơn tiểu xá.


Thái độ khi cầu nguyện

Phải kiên trì.

”Thiên Chúa đã biết tất cả mọi sự ngay trước khi chúng ta cầu xin, tại sao Đức Giêsu còn nhắc bảo chúng ta: ”Hãy xin, hãy tìm, hãy gõ” ?

Ba động từ như ba lệnh truyền lặp đi lặp lại. Đành rằng Chúa thông biết mọi sự, cần gì phải xin, phải tìm, phải gõ? Thánh Augustinô giải thích “Hãy xin, Ngài sẽ cho. Những điều Ngài cho, Ngài chưa cho ngay để càng làm tăng thêm ước muốn của chúng ta và làm tăng giá trị cho của Ngài ban cho”.

Phải kiên trì khi cầu xin là để tăng thêm ước muốn của chúng ta, và cũng là để tăng thêm giá trị ơn Ngài sẽ ban. Nếu chúng ta chưa nhận được điều mình xin, thì không phải là Chúa không sẵn sàng ban ơn, nhưng có thể điều cầu xin ấy không mang lại ích lợi cho linh hồn chúng ta, hoặc Ngài muốn dành cho chúng ta một ơn lớn lao hơn. Cho dù sự đáp trả của Chúa không như lòng chúng ta mong ước hay không đúng lúc chúng ta mong đợi, thì đó cũng là bởi sự khôn ngoan và lòng yêu thương của một người Cha đầy lòng nhân ái (Carôlô).

Một hôm thánh Phanxicô Salêsiô nói: “Nếu một em bé thấy con chó dữ đàng xa, hung hăng nhào tới em thì em bé sẽ làm gì? Chạy trốn ư? Không thể được vì em chưa đủ sức. Vậy em phải làm sao? Chỉ còn một cách là em la lên thật to cầu cứu cha mẹ. Và cha mẹ em sẽ chạy đến để bênh vực em và cứu sống em”. Em bé đó chính là hình ảnh mỗi người chúng ta với sức riêng yếu đuối không thể tự mình bước tới được một bước trên con đường cứu rỗi. Và con chó đó chính là ba địch thù lợi hại của con người: ma quỉ, thế gian và xác thịt. Phải làm gì đây? Phải kêu cứu, phải cầu nguyện với Chúa, nếu không, đời ta sẽ gặp nguy khốn.

Phải cầu nguyện, nhưng phải cầu nguyện thế nào để đạt hiệu quả tối ưu? Ta hãy nghe thánh Phanxicô Salêsiô trả lời tiếp: “Con ruồi đậu trên đoá hoa này liền vội vã bay sang đoá hoa khác, luôn hay thay đổi, còn con ong mật thì lặng lẽ hoạt động, dừng lâu, hút cạn nhụy hoa rồi đem về tổ làm thành mật ngon ngọt. Không nên có thứ Kitô hữu-ruồi, mà phải là Kitô hữu-ong mật, nghĩa là phải kiên trì cầu nguyện”.

www.dongcong.net

Đền Tội và Ân Xá (phần 2)

 
1. Ơn Đại Xá (Ơn Toàn Xá) là gì?
- Ơn Đại Xá và Ơn Toàn Xá chỉ là một ơn duy nhất
- Ơn Đại Xá hay Ơn Toàn Xá là ơn hoàn toàn tha tất cả mọi hình phạt do tội lỗi cần phải đền, dù các tội lỗi ấy đã được Bí Tích Hòa Giải thứ tha.
- Ai thực sự hưởng trọn Ơn Toàn Xá này thì khi chết, nếu chưa kịp phạm thêm một tội nào khác, sẽ được lên Thiên Đàng ngay, giống hệt như trường hợp chết ngay sau khi được rửa tội, hay trường hợp được phúc tử đạo vậy.

2. Điều kiện để được lãnh Ơn Đại Xá?
Phải làm tất cả những điều sau:
- Xưng tội
- Rước lễ
- Cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng: đọc 1 kinh Lạy Cha, 1 kinh Tin Kính
Thế nhưng, để lĩnh Ơn Toàn Xá vào mỗi dịp đặc biệt, ngoài 3 điều kiện căn bản bất khả thiếu trên đây, chúng ta còn phải thi hành đúng qui định của Tòa Thánh cho mỗi dịp nữa, những qui định thường liên quan đến 4 yếu tố là thời điểm, thụ nhân, địa điểm và việc làm.
Mọi tín hữu có thể lãnh đại xá, tiểu xá cho mình hoặc nhường lại cho người đã qua đời (Giáo Luật 994).
Ngày 1.1.1967, Ðức Giáo Hoàng Phaolô đệ Lục đã định lại các ân xá. Mọi ngày chỉ được lãnh một đại xá, trừ khi gần chết được lãnh thêm một đại xá nguy tử (số 24).
Tiểu xá có thể lãnh một ngày nhiều lần (số 24,3).

www.gpnt.net

Khoa Học Và Đức Tin

Vị giáo sư triết học, là người vô thần, không tin có Thượng-Đế, đứng trước lớp học của ông và nói: "Để tôi nói cho các bạn biết là tôn giáo vốn có những điều không ổn đối với khoa học". Đoạn ông chỉ một người trong đám sinh viên mới của ông và bảo anh ta đứng dậy:

- Này con, con là một người theo đạo Cơ đốc phải không?

- Thưa thầy, phải.
- Vậy thì con tin vào Đức Chúa Trời?
- Vâng, tuyệt đối như vậy.
- Vậy thì Đức Chúa Trời có tốt không?
- Chắn chắn rồi. Ngài tốt.
- Vậy thì Đức Chúa Trời toàn năng? Ngài làm được mọi sự không?
- Vâng.
- Thế con là người thiện hay ác ?
- Kinh Thánh nói con là người ác.
Vị giáo sư hơi nhăn mặt: "A ha! Kinh Thánh!"
Ông trầm ngâm một chút.

Đây, ta hỏi con. Ví dụ như có một người bệnh ở đây và con có thể chữa được cho ông ta. Con có khả năng làm việc đó. Vậy con có muốn giúp ông ta không? Con có muốn thử giúp không?
- Thưa thầy, con sẵn lòng.
- Như vậy con là thiện.
- Con không dám nói như vậy.
- Nhưng tại sao không nói được? Vì con sẵn lòng cứu một người bệnh hoạn tật nguyền. Đa số chúng ta đều sẵn lòng. Nhưng Đức Chúa Trời thì không.
Người sinh viên không trả lời. Do đó vị giáo sư tiếp tục.
"Đức Chúa Trời không giúp, có đúng không? Người em của ta là một người có đạo chết vì bệnh ung thư, măc dù cậu ấy cầu nguyện Chúa Jesus chữa lành cho. Làm sao mà nói rằng Chúa Jesus tốt cho được? Con trả lời điều đó cho ta được không?
Cậu sinh viên vẫn đứng im lặng.
- Con không trả lời được phải không? Vị giáo sư nói. Ông chậm rãi lấy ly nước trên bàn hớp một ngụm để cho cậu sinh viên thời gian thư giãn.
Ông lại nói: "Thôi bắt đầu lại cậu ơi. Này, Đức Chúa Trời có tốt không?"

- Eh... Vâng, tốt, cậu sinh viên nói.
- Thế Satan có tốt không?
Cậu sinh viên không ngần ngại ở chỗ này: "Không!"

- Thế thì Satan từ đâu ra?
Cậu sinh viên yếu ớt: "Từ Chúa mà ra".
- Đúng thế... Chúa tạo dựng ra Satan phải không? Hãy nói cho ta biết. Thế giới này có điều ác không?"
- Thưa thầy, có.
- Điều ác ở khắp nơi, phải không? Và chính Chúa đã tạo dựng ra Mọi Sự, có đúng vậy không?
- Thưa đúng.
- Vậy thì ai tạo ra điều ác? Vị giáo sư tiếp tục, "Nếu Đức Chúa Trời tạo dựng ra mọi sự, vậy thì Chúa đã tạo ra điều ác, bởi vì điều ác hiện hữu, và theo nguyên tắc khoa học đã định nghĩa, thì Đưc Chúa Trời là ác.
Thêm lần nữa, cậu sinh viên không có câu trả lời.
- Thế những bệnh tật, sự vô luân, thù hận, và những điều xấu xa, tất cả điều đó có thật không? Vị giáo sư nói.
- Vâng, đúng thế. Cậu sinh viên cúi rùn trên hai chân của mình.
- Thế ai đã tạo ra chúng?
Cậu sinh viên lại không trả lời, nên vị giáo sư lập lại câu hỏi.
- Ai đã tạo ra chúng?
Lại vẫn không có câu trả lời. Thình lình, vị giáo sư bỏ đi đến trước lớp học, đi qua đi lại. Cả lớp như chết lặng trong ngột ngạt.
- Nói cho ta biết, ông tiếp tục trên một sinh viên khác. Con có tin vào Chúa Jesus Christ không?
Cậu sinh viên này lạc giọng. "Vâng, thưa giáo sư, con tin".

Ông ta dừng lại. "Khoa học nói rằng bạn có năm giác quan. Chúng ta dùng chúng để nhận diện và quan sát thế giới chung quanh chúng ta. Vậy có bao giờ các cậu thấy Chúa Jesus Christ chưa?

- Thưa không, con chưa bao giờ găp Ngài.
- Vậy hãy nói cho chúng ta biết, con có nghe Chúa Jesus của con bao giờ không?
- Thưa không, con chưa bao giờ nghe.
- Thế, con có bao giờ cảm giác Chúa Jesus không, nếm được Jesus hay là ngửi được Chúa Jesus của con không? Thế con có bao giờ cảm ứng được về Chúa Jesus Christ hay là Đức Chúa Trời trong cùng ý nghĩa đó không?
- Không, thưa thầy, con e rằng con chưa cảm nhận như vậy bao giờ.
- Vậy mà cậu vẫn tin vào Ngài sao?
- Vâng.
- Theo nguyên tắc của kinh nghiệm, thử nghiệm và chứng minh, khoa học xác nhận rằng Đức Chúa Trời không hiện hữu. Vậy thì cậu biện minh thế nào về điều đó?
- Không có điều gì, thưa thầy. Con chỉ có Đức Tin.
- Vâng, đức tin. Vị giáo sư lập lại. Và chính đó là điều mà khoa học thấy là nan giải đối với đức tin về Đức Chúa Trời. Không có bằng chứng gì cả, mà chỉ có đức tin.
Cậu sinh viên đứng im lặng một lúc, trước khi đặt câu hỏi lần đầu tiên với vị giáo sư:
- Thưa thầy, có một điều gì gọi là "nhiệt", là sức nóng chăng?
- Vâng.
- Và có điều gì gọi là "hàn", là sức lạnh không?
- Có chứ, có sức lạnh chú!
- Thưa thầy, không có.
Vị giáo sư quay nhìn cậu sinh viên, và cảm thấy hết sức tò mò muốn tìm hiều. Căn phòng bỗng dưng im lặng. Cậu sinh viên bắt đầu giải thích.
- Chúng ta có nhiều thứ nhiệt, đa nhiệt lượng, siêu nhiệt lượng, đại nhiệt lượng, tiểu nhiệt lượng,vô tận nhiệt lượng, vô nhiệt lượng, nhưng chúng ta không có thứ gì gọi là "hàn lượng". Chúng ta có thể đưa hàn độ xuống 458 độ F dưới zero. Mỗi cơ thể hay vật thể chỉ nghiên cứu được khi truyền năng lượng, và nhiệt là thứ đã làm cho cơ thể hay vật thể có thể truyền năng lượng. Độ-không tuyệt đối (-458F) là sự hoàn toàn vắng mặt của cái gọi là Nhiệt. Như giáo sư thấy đó, Hàn, sức lạnh chỉ là chữ chúng ta dùng để nói lên sự thiếu vắng của Nhiệt mà thôi. Chúng ta không thể đo Hàn độ. Nhiệt độ có thể được đo bằng các đơn vị của hàn-thử biểu. Hàn thì không phải là đối nghịch với Nhiệt, thưa giáo sư, mà nó chỉ là sự vắng mặt của Nhiệt mà thôi.

Sự im lặng phủ khắp căn phòng. Đâu đó, một tiếng rơi nhẹ của cây bút trở thành vang dội như tiếng búa.
- Còn sự tối tăm thì sao, thưa giáo sư? Có cái gì được gọi là sự tối tăm không?
- Vâng, có. Vị giáo sư trả lời không do dự. Đêm tối thì chúng ta phải gọi là gì nếu không phải là sự tối tăm?
- Thưa thầy, thầy lại sai nữa rồi. Sự tối tăm không phải là điều hay sự gì cả, mà nó chính là sự vắng mặt của điều gì đó. Chúng ta có ánh sáng thấp, ánh sánh bình thường, ánh sáng rực rỡ, ánh sáng chớp nhoáng, nhưng nếu liên tục mà chúng ta không có ánh sáng, thì chúng ta gọi đó là bóng tối, có phải không? Đó là cái nghĩa mà chúng ta dùng để định nghĩa cho cái từ đó. Trong thực tế, bóng tối không có hiện hữu. Nếu nó mà hiện hữu thì chúng ta đã làm cho bóng tối càng tối hơn, có phải vậy không?
Vị giáo sư bắt đầu mỉm cười với cậu sinh viên đang đứng trước mặt ông. Chắc khóa học này sẽ vô cùng hứng thú, ông tự nhủ:
- Thế thì cậu này muốn chứng minh điểm gì đây?
- Vâng, thưa giáo sư. Tôi muốn chứng minh rằng nền tảng triết học của giáo sư từ khởi đầu đã có điểm khiếm khuyết. Do đó sự kết luận của giáo sư khi đặt trên nền tảng đó cũng không được vững chắc.
Không dấu được nỗi ngạc nhiên, vị giáo sư hỏi lại: "Không vững chắc?" Cậu mày có thể giải thích được không?
- Thầy lý luận dựa trên luật đối-tính. Thầy cho rằng có Sự Sống rồi thì là có Sự Chết. Một Đức Chúa Trời tốt và một Đức Chúa Trời xấu. Thầy xem quan niệm về Thượng Đế hay Đức Chúa Trời như là một điều hữu hạn có thể đo lường được. Thưa thầy, khoa học còn chưa giải nghĩa nổi một tư-tưởng! Khoa học dùng điện lực và từ trường, nhưng có bao giờ thấy nó đâu, chứ đừng nói đến chuyện hiểu thấu được chúng một cách hoàn toàn. Nhìn xem Sự Chết như là đối nghịch với Sự Sống là chúng ta không hiểu biết đến sự kiện là tự trong bản chất Sự Chết không hề hiện hữu. Sự Chết không phải là điều gì đối nghịch với Sự Sống, mà chính là sự vắng mặt của Sự Sống. Bây giờ, thưa giáo sư, có phải thầy dạy sinh viên của thầy là: họ thoát thân từ dòng khỉ mà ra có phải không?
- Cậu này nói đúng, nếu dựa vào tiến trình của thuyết tiến hóa. Vâng.
- Có bao giờ thầy thấy cái tiến hóa đó diễn ra trước mặt thầy chưa?
Vị giáo sư lắc đầu, vẫn tiếp tục mỉm cười. Và nhận ra rằng cuộc tranh luận thật mạnh mẽ, khóa dạy này sẽ mang lại cho ông nhiều thích thú.

Người sinh viên nói tiếp:
- Bởi vì không một ai đã từng quan sát tiến trình của sự tiến hóa thực sự diễn ra hay không, và cũng lại càng không chứng minh được cái tiến trình này là một điều gì đang cố gắng hình thành. Như vậy không phải là giáo sư chỉ đang dạy ý kiến của mình thôi sao? Và bây giờ, thầy không phải là một nhà khoa học, mà chỉ là người giảng giáo điều mà thôi!
Cả lớp bỗng bùng vỡ lên với những âm thanh nhốn nháo. Cậu sinh viên vẫn giữ im lặng cho đến khi cả lớp bình lặng lại.
- Bây giờ con muốn tiếp tục về quan điểm của thầy lúc nãy với người bạn kia. Để con cho thầy một thí dụ về điều con muốn nói.
Rồi cậu đảo mắt đi khắp căn phòng:
- Có bạn nào trong lớp, có bao giờ thấy được bộ óc của giáo sư chưa? Cả lớp vỡ ra với những tiếng cười.
- Có ai ở đây "nghe" được bộ óc của giáo sư đây chăng? Cậu lại tiếp. Hay là cảm giác được bộ óc của thầy chăng? ... Không ai có vẻ đã làm được chuyện đó. Vậy thì theo luật của kinh nghiệm, của thử nghiệm, của khoa học chứng minh, khoa học xác nhận rằng thầy không có bộ óc, xét theo nhiều phương diện, thưa thầy! Do vậy, nếu khoa học xác nhận rằng thầy không có bộ óc, làm sao chúng con có thể tin cậy được những điều thầy giảng thuyết nữa, thưa thầy?
Căn phòng bỗng im lặng. Vị giáo sư nhìn chăm vào cậu sinh viên, không đoán được ông đang nghĩ gì. Cuối cùng, sau những giây phút gần như miên viễn, vị giáo sư già trả lời: "Tôi đoán là các cậu phải thu nhận những lời đó bằng niềm tin mà thôi".

Cậu sinh viên nói: "Vậy bây giờ thầy chấp nhận rằng có cái gọi là đức-tin, và thực ra, đức-tin hiện hữu cùng với sự sống." Cậu tiếp: "Bây giờ, có cái gì gọi là điều ác chăng?"

Không mấy tự tin, vị giáo sư trả lời: "Dĩ nhiên là có. Chúng ta thấy nó mỗi ngày. Nó hiện diện trong những chuyện điển hình về sự vô nhân đạo giữa người và người. Những tội ác chồng chất, và bạo động xảy ra khắp nơi trên thế giới. Những thể hiện đó gọi là gì nếu không phải là điều ác?"
Đến đây, người sinh viên trả lời:
Thưa thầy, điều ác không có hiện hữu, hay ít nhất là nó không hiện hữu trong tự thân. Điều ác chỉ giản dị là Sự Vắng Bóng của Đức Chúa Trời. Là sự vắng mặt của Thượng Đế. Cũng giống như bóng tối, sự lạnh-lẽo, chỉ là cái từ mà người ta đặt ra để diễn tả sự vắng mặt của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã không tạo ra điều ác. Điều ác chỉ là hậu-quả xảy ra, khi con người không có tình yêu của Chúa trong trái tim họ. Nó giống như sự lạnh-lẽo chỉ đến khi không có sự hiện diện của sức nóng, và bóng tối chỉ đến khi nào không có ánh sáng.


Vị giáo sư ngồi xuống. Câu chuyện chấm dứt.
Cậu sinh viên đó chính là Albert Einstein.


Nguồn tin: internet

Xưng Tội Mùa Chay


Xưng tội mùa Chay (Make Confession in Lent)

Hỏi:
Xin cha cho biết: Mùa Chay có buộc xưng tội không? nếu không phá thai, giết người, ngoại tình, cướp của..thì đâu có cần xưng tội phải không?

 Đáp:
- Nhiều người rất ngại khi nói đến xưng tội, họ nghĩ mình như ông bạn trên: không giết người, cướp của, đốt nhà, không làm hại ai, nên không xưng.
Người khác lại nghĩ rằng "lâu lâu xưng cũng được".

Có người ngại đi đứng xếp hàng, nên bỏ qua.

Người khác nữa nghĩ rằng : xưng rồi lại phạm, xưng làm gì!

Kể ra cũng nhiều lý do thật. Quay đi quay lại 4, 5 năm chưa xưng tội, nên không còn nhớ phải xưng thế nào.

Nhưng thưa quí vị, nếu thân thể quí vị một tuần không tắm rửa, có lẽ quí vị thấy ngứa ngáy và người bên cạnh cũng "ngứa mũi" đấy! Và nếu một tháng quí vị không tắm rửa, có lẽ người ta tưởng cóc chết đâu đây hay cọp ở rừng về…

Linh hồn quí vị để lâu không thanh tẩy, quí vị tỉnh bơ không biết, nhưng trước mặt Chúa và các Thiên thần xinh đẹp, chắc là "ghê" lắm!!!

-  Chúa Giêsu biết rằng con người là lầm lỗi, không lẽ phạt sa hỏa ngục hết, nhưng lòng thương xót Chúa lập nên Bí tích Giải tội (còn gọi là Xá giải, Hòa giải, Thống hối) để tha tội cho ta, và sau khi máu thánh Chúa tẩy sạch tội lỗi qua lời tha của linh mục thay mặt Chúa,  cứu ta khỏi sa hỏa ngục (nếu có tội trọng),  linh hồn nên trắng sạch rực rỡ như ánh mặt trời (Chúa phán với sơ Benigna),Vậy nếu bạn hiểu ra ơn ích quí trọng, bạn sẽ xin xưng tội nhiều lần trong một tháng, một năm, chứ đừng nói 1 lần

Về vấn đề này Hội thánh dạy thế nào?

Giáo luật Điều 959:  Trong Bí Tích Thống Hối, những tín hữu nào thú tội với một thừa tác viên hợp pháp, hối hận về những tội ấy và dốc lòng sửa mình, thì được Thiên Chúa tha thứ những tội đã phạm sau khi chịu Bí Tích Rửa Tội, qua sự xá giải do tác viên ấy ban, và đồng thời họ được giao hòa với Giáo Hội mà họ đã làm tổn thương khi phạm tội.

Điều 960:  Việc thú tội cá nhân và toàn vẹn cùng với việc xá giải cấu tạo nên phương pháp duy nhất và thông thường, trừ khi bất khả kham về thể lý hay luân lý mới chuẩn khỏi cách thú tội như vậy; trường hợp ấy, người ta có thể lãnh ơn hòa giải bằng những cách khác. (chẳng hạn ăn năn tội vì đã phạm đến tình thương của Chúa…)
Điều 981:  Tùy theo tính chất và số lượng của tội, và cũng tùy theo hoàn cảnh của hối nhân, cha giải tội phải ra việc đền tội hữu ích và cân xứng.  Hối nhân có bổn phận đích thân thi hành việc đền tội.

Điều 987:  Để lãnh nhận linh dược cứu rỗi của Bí Tích Thống Hối, tín hữu phải thành tâm từ bỏ những tội đã phạm và quyết chí sửa mình, trở về với Thiên Chúa.

Điều 988:
1)      Tín hữu buộc xưng thú, sau khi xét mình kỹ lưỡng, hết mọi tội nặng, theo từng loại và số, mà mình ý thức đã sa phạm sau khi chịu phép Rửa Tội mà chưa được trực tiếp tha.

2)      Tín hữu được khuyến khích nên xưng hết cả những tội nhẹ nữa.
Điều 989:  Mọi tín hữu, sau khi đã đến tuổi khôn, buộc phải xưng kỹ càng các tội trọng ít là mỗi năm một lần.
Qua mấy số giáo luật trên, bạn đã thấy rõ: nếu có tội trọng thì mỗi năm phải xưng 1 lần.
Nhưng Giáo hội cũng khuyên những ai nhờ ơn Chúa giúp, giữ mình khỏi tội trọng thì xưng tội nhẹ để được nên thanh sạch, được bình an, để tiến tới hơn trên đường hoàn thiện xứng con Cha trên trời.
Điều cần nhất là điều 987 trên: ăn năn thành tâm từ bỏ tội và quyết sửa mình.
Mỗi lần xét mình, ăn năn dốc lòng chừa, xưng tội thành thực những tội lỗi hay phạm hơn, là mỗi lần sẽ thấy tiến bộ hơn. Chúc bạn may mắn.
Bạn có thể đọc thêm bài: