Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Người Con Hoang Đàng

Cách đây ít lâu, trong khi viết bài bình luận về câu nói của Karl Mark: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, tôi đã đọc lại tiểu sử của Mark và có cảm giác rằng, ông cũng rất giống Darwin khi có cùng tư tưởng oán hận Thiên Chúa!

Phải chăng vì oán hận Ngài mà mà ông đã rời bỏ đời sống tôn giáo và cuối cùng là chống đối và muốn tiêu diệt tôn giáo (cụ thể là Thiên Chúa giáo) như là một hình thức báo thù?! Phải chăng, vì ông đã không thể chấp nhận được tư tưởng về một Thiên Chúa Toàn Năng và đầy lòng thương xót sao lại để ông rơi vào hoàn cảnh bi đát và lắm đau khổ như vậy? (3 đứa con bị chết yểu, và phải sống trong cảnh nghèo túng và liên tục bị trục xuất khỏi nơi cư trú …)

Nhìn lại mình, tôi phát hiện chính mình cũng đã từng có tư tưởng đó, không chỉ một lần mà thậm chí nhiều lần nữa là khác, nhất là những khi gặp thất bại, đau khổ trong cuộc sống!

Tôi cũng đã từng chứng kiến một số Kitô hữu bỏ đạo, đem tượng ảnh Chúa, Mẹ ra ‘tra tấn”, chửi bới, và đập bỏ vì lý do: “Tại sao Chúa, Mẹ lại để tôi phải chịu đau khổ như vậy?!” ….

Một thái độ tế nhị và nhẹ nhàng hơn ở nhiều người khác là bỏ lễ, bỏ kinh và tạm gọi là “nghỉ chơi với Chúa!”

Oái oăm thay, hầu hết trong số đó là những người đã từng cho rằng mình đã rất yêu mến và tin tưởng vào Chúa! Chính vì vậy, khi những lời cầu xin của họ không được đáp trả, thì tình yêu biến thánh thù hận và oán trách! Có vẻ như câu nói “yêu nhau lắm, cắn nhau đau” diễn tả rất đúng?!

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, khi nghe một số bạn bè trên fb chia sẻ về những khó khăn đau khổ trong cuộc sống và xin tôi hiệp ý cầu nguyện, tôi bỗng cảm thấy… lo lo! 

Vâng, tôi thật sự lo. Tôi lo rằng, liệu nếu những đau khổ, bất hạnh của họ không được giải quyết theo hướng tích cực, theo ý họ muốn, liệu rằng họ có còn giữ vững được đức tin hay sẽ lại có thái độ thay đổi 180o và trở nên oán trách, hận thù Thiên Chúa?! Tôi sợ họ cũng như tôi đã từng coi Chúa như một “ông thần đèn” trong truyện cổ Hy Lạp để yêu sách, đòi hỏi phải đáp ứng những yêu cầu của kẻ sở hữu cây đèn thần!

Đang khi lo lắng như vậy, thì ba hôm nay, tôi có cảm giác như bị thúc giục phải viết về đề tài này và tôi đã định đặt tựa đề bài viết là “ý muốn báo thù Thiên Chúa!”. 

Thế nhưng, đang khi tôi suy nghĩ và chuẩn bị viết, thì tối nay (09/02/2012 lúc 18h00), thật kỳ lạ! trên đài Chân lý Á Châu đã đọc bài chia sẻ của cố giáo sư Phanxicô Trần Duy Nhiên với nhan đề: “Tôi, đứa con hoang đàng” nhân dịp tưởng niệm 3 năm ngày qua đời của ông – 08/02/2009-08/02/2012

Nội dung bài chia sẽ có những phần rất giống những điều tôi cảm nghĩ và đang thao thức muốn viêt để chia sẻ với bạn bè trên facebook. Phải chăng giáo sư Phanxicô Trần Duy Nhiên muốn giúp tôi cộng tác với ông chia sẻ với các bạn những điều ông đã cảm nghiệm để cùng giúp nhau củng cố đức tin, gia tăng lòng yêu mến Chúa, và cũng là để muốn chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho ông nhân dịp 3 năm ngày giỗ của ông?

Nghĩ thế, nên sau giờ kinh thần vụ tối, tôi về phòng lúc 20h00 và bắt tay lên mạng download bản tin ngày 9/2/2012 bằng file định dạng mp3 từ website của Đài Chân Lý Á Châu, nghe lại và đánh máy ra đây để cùng chia sẻ với các bạn

Ước mong các bạn có thể có những cảm nghiệm sâu sắc về tình yêu Thiên Chúa, cảm nhận sự đồng hành của Người Con Chí Ái của Ngài với chúng ta qua mọi biến cố đau thương, bất hạnh trong cuộc sống.

Xin các bạn cũng dâng một việc làm hy sinh và lời cầu nguyện cho linh hồn ông sớm được an nghỉ trong vòng tay yêu thương của Chúa trên Thiên Quốc

Dưới đây là nguyên văn bài chia sẻ của ông được phát trên bản tin lúc 18 h00 chiều nay.

“Thưa các bạn, hôm qua mùng 8 tháng 2 là ngày tưởng niệm vừa tròn 3 năm anh Phanxicô Trần Duy Nhiên qua đời. Để kỷ niệm biến cố này, mục “Một Góc Nhìn” hôm nay, mời quý vị và các bạn chia sẻ cái nhìn của chính anh Phanxicô Trần Duy Nhiên về con người của mình, trong bài viết của chính anh: Tôi, người con hoang đàng. 

Anh đã tâm sự về chính cuộc đời mình như sau:

Tôi bước vào đời với một giấy khai sinh bằng tiếng Pháp, trong đó có ghi: con của cha mẹ vô danh”. Lần đầu tiên tôi biết được họ tên mình đúng như được ghi trong khai sinh là khi tôi đọc danh sách học sinh thi vào trung học. Trước đó, người ta gọi tên tôi là A-ki. Đến bây giờ tôi cũng không biết vì sao người ta gọi tôi với cái tên đó. Phải chăng vì vào thời ấy, người ta có thói quen đặt tên chó là Ki, hay vì không biết tôi xuất xứ từ đâu nên gọi là A-ki. 

Tôi lớn lên trong vòng tay của các nữ tử Bác Ái và các cha thừa sai dòng thánh Vinh Sơn Phaolô. Các cha mẹ nuôi của chúng tôi yêu thương những trẻ mồ côi với một tình thương vô vị lợi, đến độ tôi thấy mình hụt hẫng. Bởi lẽ, suốt tuổi thơ, chúng tôi không nhận được một tình thương bình thường nào như bao nhiêu bạn bè cùng lớp, cùng trường. 

Thế nên, khi tôi 17 tuổi, tôi đã bắt đầu nổi loạn, và làm tất cả mọi sự đi ngược lại với tất cả mong ước của các vị ấy. Hết trung học, tôi đi vào cuộc đời trong tình trạng “tứ cố vô thân”. Tôi thi vào đại học sư phạm pháp văn, vì đó là nơi tôi trốn lính, được hưởng học bổng mà lại khỏi phải học hành gì cả, vì tôi vốn là một học sinh thường đứng nhất lớp về môn pháp văn khi còn ở một trường công lập Pháp ở Đà Lạt. 

Tóm lại, từ năm 18 tuổi, tôi không thấy được những ân huệ mình đã nhận được, mà chỉ oán trách cuộc đời, vì mình luôn ở vị thế thua thiệt so với những người xung quanh. Tình yêu thương của Thiên Chúa mà các cha mẹ nuôi tôi đã dạy, bỗng trở nên một lưỡi đòng đâm vào tự ái của tôi và là một cái cớ để tôi chống lại Người. Tôi không thể chấp nhận một người Cha Toàn Năng và Yêu Thương Vô Cùng lại đối xử một cách bất công như thế, và tôi OÁN HẬN Người!

Tôi ngang nhiên lăn vào cuộc sống tội lỗi, một phần vì buồn chán, và một phần như một THÁCH THỨC Thiên Chúa. Có lẽ các bạn không cần tôi phải kể lại những tội tôi đã phạm. Các bạn chỉ cần biết rằng, trong 10 giới răn, tôi không chừa một giới răn nào, may ra là điều răn thứ 5 – chớ giết người! Mà tôi cũng không chắc nữa, có thể tôi cũng vô tình giết chết một mạng sống mà tôi từng đặt vào lòng một cô gái nào đó từng liên hệ với tôi. Càng lao vào tội lỗi, tôi càng thấy mình kiệt quệ, vừa thể xác, vừa tinh thần, rồi đối diện với một lỗ trống ghê rợn! 

Để lấp đầy nỗi ám ảnh khủng khiếp này, tôi cần có một người bên cạnh. Tôi lập gia đình như một hành động chạy trốn, đang khi học năm cuối cùng đại học. Trong 7 cô gái tôi cùng liên hệ một lúc, tôi chọn cho mình người mà tôi mới quen được 2 tháng. Cô ấy là Thanh Niên Gia đình Phật Tử, từng đi biểu tình chống ông Diệm đàn áp Phật Giáo. Tôi kết hôn mà không thắc mắc gì đến bí tích hôn nhân. Tôi đã tự tách mình ra bên lề Giáo Hội từ lâu rồi. 

Cuộc hôn nhân ấy đưa tôi vào một đêm đen khác, thay vì tìm được một lối thoát, tôi thấy mình vào một ngục tù ngộp thở hơn! Vì lớn lên bên cạnh những người quá vô vị lợi, nên tôi trở thành một người chỉ biết đòi hỏi mà không bao giờ biết đến hy sinh. 

Vợ tôi có mang, tôi trả cô về với gia đình cô ấy lo mọi sự. Tôi không hề áy náy, và cũng chẳng thấy trách nhiệm gì! Rồi tôi ra trường và chọn về Cần Thơ trong khi vợ tôi vẫn còn ở Đà Lạt. Thỉnh thoảng cô xuống với tôi vài tháng, tôi chẳng biết thế nào là hạnh phúc, chỉ thấy toàn là phiền hà. Nhưng tôi quá mệt mỏi, nên tôi cũng chẳng nghĩ gì đến chuyện ly dị. 

Vợ tôi chắc chắn là bất hạnh! Nhưng hồi ấy, tôi không bao giờ thoáng nghĩ trong đầu là tôi đang gây đau khổ cho một người câm lặng yêu thương mình. Là một giáo sư, tôi không thể nào sống xô bồ như thời còn sinh viên. Tôi mới chọn một nơi vui chơi mà vẫn giữ được tư cách. Tôi tuyên bố mình là người Công Giáo, và đến sinh hoạt trong nhóm sinh viên Công Giáo. 

Vị tuyên uý sinh viên Công Giáo Cần Thơ lúc bấy giờ là cha A. D. H. Vào thời ấy, cha là một linh mục trẻ vừa lấy xong tiến sĩ thần học và cử nhân Kinh Thánh ở nước ngoài về. Thế nên cha vừa cởi mở, vừa sâu sắc. Cha đến Cần Thơ, với ý định thành lập tại đây một trung tâm cho những trí thức Công Giáo tương lai như cha Fi-nô đã thực hiện tại câu lạc bộ Phục Hưng số 44 Tú Xương, Sài Gòn vào thập niên 50

Đi với Bụt thì mặc áo cà sa, đi với sinh viên Công Giáo thì đọc Sách Thánh. Ngoài những giờ vui chơi lành mạnh, tôi cũng dự những buổi chia sẻ Phúc Âm, tôi cũng đi dự lễ, cũng rước lễ vì không muốn các bạn thắc mắc, nhưng không bao giờ xưng tội. Chúa đối với tôi là một trò đùa! Tôi đóng kịch là người ngoan đạo, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn oán ghét Thiên Chúa, vì Người đã để cho tôi cù bơ cù bất trong cuộc đời, và đặt nỗi tuyệt vọng trong một cái vỏ đàng hoàng của tôi. 

Dù tôi có lăng loàn thế nào giữa đám đông, nỗi cô đơn cũng làm cho tôi ngộp thở từng giây phút. Không ít lần tôi có một phương thức tự tử êm ái. Cho đến mùa Phục Sinh năm ấy, tôi nghe đọc Sự Thương Khó Chúa Giêsu, khi nghe vị chủ tế đọc lên: “Lạy Chúa, sao Chúa bỏ con!”, tôi bỗng rùng mình. Trong khoảnh khắc, tôi thấy toàn bộ sự chua chát của Ngài: đêm cô đơn tại Giết-si-ma-ni, tù đày, tra tấn, nhạo báng, phỉ nhổ… con đường lên núi Sọ với thập giá, tiếng búa, mũi đinh,… và tôi cảm thấy Ngài là một người bạn chí thiết, vì Ngài cũng cô đơn và chịu bất công như tôi và hơn cả tôi nữa!

Hôm đó là lần đâu tiên tôi về nhà, tự mở Phúc Âm ra đọc lại sau mấy năm đọc máy móc với sinh viên. Không phải tôi đến với Lời Chúa đâu, tôi muốn đọc lại tiểu sử của một người bạn mà tôi thấy giống mình. Nhưng khi đọc Luca những giây phút cuối cùng, tôi không còn hiểu gì nữa. Luca viết: “Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay Cha”. Tôi không thể hiểu một người bị bỏ rơi đến chết như thế mà vẫn con tin tưởng phó thác vào Cha mình. 

Tôi đến trao đổi với cha tuyên uý, cha lắng nghe thật lâu mà không nói tiếng nào. Cuối cùng, cha đề nghị cùng đọc một đoạn khác của Luca - đoạn Người Con Hoang Đàng. Tôi hiểu ý cha và bảo rằng, tôi không muốn xưng tội, vì không biết phải xưng thế nào. Tội tôi nhiều quá! 

Cha bảo: “anh cứ nói với Chúa những gì anh nói với tôi nãy giờ. Rồi cha quỳ xuống trước mặt tôi và làm dấu thánh giá!

Bầu trời như sụp đổ, không còn một linh mục khuyên nhủ đứa con hoang đàng, mà chỉ còn Thiên Chúa qua đại diện của Ngài đang quỳ cầu xin dưới chân tôi. Tôi choáng váng! Trước mặt tôi là hình ảnh một Thiên Chúa quỳ xuống để cầu khẩn tôi, để xin lỗi tôi. Xin lỗi vì đã đem tình yêu vô biên của Người mà xúc phạm đến trái tim ti tiện của tôi! 

Không thể nào đứng vững được, tôi sà xuống bên cha mà lắp bắp: “Lạy Cha, xin Cha tha tội cho con”. Tôi chỉ nói được có thế rồi ngẹn họng, nước mắt cứ trực trào! Lâu thật lâu, tôi nghe: “Cha tha tội cho con” và tôi oà lên khóc!

Kể từ ngày có trí khôn, không bao giờ tôi khóc. Tôi ghét cái sướt mướt đàn bà, hèn! Thế mà hôm đó tôi đã oà lên khóc như một đứa con nít! Và quả thật, kể từ ngày đó, tôi đã trở thành một đứa con nít trong tay Cha Trên Trời – Đấng đã yêu thương tôi đến độ cho tôi cái đặc ân đã bị bỏ rơi giống như Con Chí Ái của Ngài. Tôi đã chấp nhận lại cuộc đời và cuộc đời đã chấp nhận tôi

Vâng, tôi là đứa con hoang đàng trở về sau 10 năm chống đối, bởi vì tình yêu của Ngài mạnh hơn sự căm thù của tôi

Tôi kể lại cuộc đời mình theo đề nghị của một linh mục luôn thao thức gởi những chứng tích của tình yêu Thiên Chúa đến cho từng người. Tôi viết lại đây theo đức vâng lời, vì tôi nghĩ, đã đến lúc cuộc đời của tôi không còn thuộc về mình nữa

Sở dĩ tôi kể lại những đêm đen của đời mình, không phải vì cuộc đời tôi có gì đáng nghe hơn một ai khác, nhưng chỉ để nói lên một điều mà hẳn nhiều người sẽ cho tôi là lộng ngôn nếu tôi không kể cái biến cố khiến tôi trở lại. Và đây là điều duy nhất tôi muốn nói với những ai đang ở trong cô đơn, tuyệt vọng tội lỗi như tôi trước đây

Bạn từng nghe rằng, Thiên Chúa là một Người Cha Nhân Lành đang chờ đợi bạn trở về xin lỗi Người để Người có thể mặc lấy cho bạn chiếc áo thượng hạng, mở tiệc ăn mừng vì tìm lại một đứa con hoang đàng. Sai rồi! Đấy chỉ là câu truyện trong dụ ngôn, nhưng trong thực tế cuộc đời, Chúa không hề đợi bạn trở về, Người đã theo sát bạn, quỳ dưới chân bạn mà khẩn cầu, mà xin bạn tha thứ cho Người, bởi vì Người đã xúc phạm bạn khi yêu thương bạn bất chấp mọi vết nhơ mà bạn đã tạo ra trong tâm hồn mình. Bạn hãy nhìn xuống đi, rồi cũng như tôi, bạn sẽ nhìn thấy Thiên Chúa quỳ dưới chân bạn từ lâu để khẩn cầu. Xin bạn hãy thương xót Người, bạn nỡ lòng nào…!

Quý vị và các bạn thân mến, trên đây là cái nhìn của anh Phêrô Trần Duy Nhiên về chính mình – tôi, người con hoang đàng. Anh đã qua đời ngày mồng 8 tháng 2 năm 2009, và hôm qua mồng 8 tháng 2 năm 2012 là ngày tưởng niệm tròn 3 năm anh trở về trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa”

Viết và đánh máy xong lúc 1h15 sáng 10/02/2012


Han Pham


http://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=153071098143752&id=100003225887958

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Phải tha thứ luôn luôn



Sống ở trên đời, ai cũng mong ước mình gặp được nhiều sung túc, hạnh phúc và nhất là gặp được nhiều may mắn thành công. Ai cũng muốn là mình gặp được mối tình thông cảm cho đến đỉnh cao của tiền tài, danh vọng. Ai cũng sợ thất bại, sợ gian khổ cùng cực cất đầu không lên được với những người xung quanh. Dù rằng ai cũng tự an ủi mình bằng câu: “Thất bại là mẹ thành công”. Ðau khổ nhiều, con người mới thấy giá trị đích thực của hạnh phúc. Có gian nan vất vả nhiều, con người mới cảm thấy giá trị của đau khổ, mới đánh giá chính xác về sự thành công từ những nhẫn nhục, chịu đựng, âm thầm làm việc sau bao nhiêu ngày tháng. Nếu như con người từ nhỏ đến lớn sống hoàn hảo như một vị thánh, người ấy chưa chắc đã cảm thấy mình hạnh phúc nếu không phải là người đặc biệt Thiên Chúa gìn giữ. Vì thế theo thông thường chúng ta không ai thoát khỏi những lầm lỗi, không khía cạnh này thì vướng mắc khía cạnh khác, không nặng thì nhẹ, không phải khuyết điểm lầm lỗi nặng hay nhẹ, cố tình hay vô tình nhưng quan trọng là chúng ta có nhận ra được khuyết điểm sai lỗi của chính mình hay không? Và khi nhận ra được khuyết điểm sai lỗi ấy, chúng ta có sửa đổi, rút kinh nghiệm cho lần sau hay không?
Trong bài Tin Mừng của thánh sử Mátthêu (Mt 18,12-14), Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng:“Nếu ai trong các ngươi có một trăm con chiên mà bị lạc mất một con thì người đó không bỏ chín mươi chín con trên núi để đi tìm con chiên lạc ấy sao?”. Ðó là điều an ủi cho chúng ta, vì khi lầm lỗi, con người thường ít khi tha thứ hoặc có tha thứ cho nhau thì vẫn có thành kiến không tốt về người đó, nghĩa là chúng ta có ý nghĩ không tốt, bớt sự niềm nở tự nhiên trước đó.
Từ thái độ đó thường làm cho người có lỗi mang một tâm trạng tự ti mặc cảm, vì dù sao đi nữa thì trong tâm trạng đó con người cũng không có cái nhìn hồn nhiên, vui vẻ lạc quan yêu đời như trước khi họ chưa lầm lỗi. Khi đã sống trong tình trạng nghi kỵ lẫn nhau, nhìn nhau không thân thiện, chúng ta sẽ mắc vào một câu nói của một triết gia nọ: “Tha nhân là hỏa ngục của tôi”. Ai cũng nhìn nhau bằng cặp mắt hận thù, ganh tị, hững hờ, chê bai lẫn nhau. Bao nhiêu cặp mắt hận thù, ganh tị, hững hờ, chê bai lẫn nhau. Bao nhiêu cặp mắt hình như cứ soi mói vào chúng ta, xét xem để rồi bắt lỗi chúng ta thì chẳng hỏa ngục là gì? Có bị như thế chúng ta mới cảm nghiệm được tình yêu bao la dung thứ của Thiên Chúa đối với chúng ta hôm nay:“Người chăn chiên sẽ bỏ chín mươi chín con trên núi để đi tìm con chiên lạc, khi tìm được rồi người chăn chiên sẽ vui mừng vì con chiên đó hơn chín mươi chín con chiên không bị lạc”.
Thiên Chúa đã dạy chúng ta không những phải tha thứ cho nhau bảy lần mà là bảy mươi lần bảy, nghĩa là phải tha thứ luôn luôn. Và trong một đoạn Tin Mừng khác Chúa Giêsu nói: “Nếu trong một ngày người anh em con phạm đến con bảy lần và bảy lần người ấy đến nói với con rằng tôi hối hận thì con cũng phải tha cho nó”. Khi thấy điều đó khó thực hiện được nên người môn đệ của Chúa đã thưa: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Ðó là Lời Chúa nhắn nhủ dạy bảo chúng ta, còn đối với Thiên Chúa Ngài càng phải khoan dung tha thứ hơn, yêu thương chúng ta nhiều hơn nữa bằng một tình thương tha thứ vô cùng.
Trong dụ ngôn “Người Con Hoang Ðàng Trở Về” sau những tháng ngày ăn chơi trác táng thì bấy giờ nó suy nghĩ và thành tâm ăn năn thống hối trở về để xin cha tha thứ. Nhưng khi nhìn thấy con từ đàng xa, chưa kịp nghe con nói lên lời xin lỗi thì người cha đã bảo gia nhân đem áo mặc cho cậu, lấy nhẫn đeo vào tay cậu. Qua những cử chỉ yêu thương mặn nồng như thế đã nói lên tình thương của cha vẫn luôn luôn yêu thương con cái và người cha vẫn coi cậu như người con trong nhà. Vì thế, ông nói với gia nhân hãy làm thịt con bê béo để mừng con đã chết nay được sống lại. Tình thương của người cha bao la đã bỏ qua tất cả mọi lỗi lầm của đứa con hoang đàng trở về.
Trong đoạn Tin Mừng nói về một người mắc nợ ông vua như sau: Có một người mắc nợ ông vua kia đến mười ngàn nén bạc nhưng anh không có gì để trả nợ. Chủ ra lệnh bán anh và vợ con cùng tất cả gia sản anh để trả nợ. Anh liền sấp mình xuống dưới chân chủ mà van lơn: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn rồi tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương trả tự do và tha nợ cho anh ta. Khi ra về anh ta gặp một người bạn mắc nợ anh ta một trăm nén bạc, anh ta tóm lấy bóp cổ người ấy mà nói: Hãy trả nợ cho ta, khi ấy người bạn sấp mình dưới chân và nói: Cho tôi khất một kỳ hạn. Nhưng anh ta không nghe, bắt người bạn đó tống giam vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Người xung quanh thấy cảnh tượng thương tâm đó thuật lại với người chủ và người chủ đã bắt trao anh cho lý hình hành hạ cho đến khi trả hết nợ một ngàn nén bạc của anh.
Chúng ta đôi khi cũng thế, lòng Chúa khoan dung yêu thương, tha thứ cho chúng ta không biết bao nhiêu, vậy mà đối với anh em ta lại xét nét, chê bai, xử tệ, không tha thứ cho nhau dù chỉ là những lầm lỗi không đáng kể gì trước mặt Chúa là người Cha đầy tình thương dung thứ.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con cảm nhận được lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa để chúng con đáp lại tình thương nhỏ bé của chúng con đối với Ngài. Xin Chúa cho chúng con biết tha thứ cho nhau không những bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha thứ cho nhau luôn luôn trong suốt cuộc sống. Amen.
(Đài Chân Lý Á Châu)

Điều gì xảy ra cho các em bé chết trong bụng mẹ hay bị phá thai?



Các Linh Hồn nói cho tôi biết rằng Linh Hồn các em ấy không lên Thiên Đàng. Nhưng vì các em vô tội nên các em cũng không xuống Luyện Ngục. Các em đến một nơi ở giữa.
Người ta có thể gọi là Lâm Bô (Limbo), nhưng đôi khi chúng ta gọi là “Thiên Đàng của trẻ thơ”.Từ ngữ Limbo rút ra từ LIMBUS có nghĩa là những khoảng không giữa các chữ in trong trang giấy và phía mép giấy. Linh Hồn của các em bé không hề biết rằng có nơi chốn tốt hơn. Họ không biết rằng họ ở trên Thiên Đàng. Vậy chúng ta có trách nhiệm giúp họ lên Thiên Đàng. Điều này cũng dễ dàng khi mà họ không có cơ hội để phạm tội. Chúng ta có thể làm điều ấy với việc “rửa tội cho các thai nhi” và với Thánh Lễ cầu hồn. Các trẻ em chết trong bụng mẹ và các thai nhi bị phá thai cần có tên và được chấp nhận vào gia đình. Nếu chúng ta làm các điều này thì các em được vào Sổ Trường Sinh.
Tôi biết một nữ y tá làm việc ở nhà thương tại thành phố Vienna, Ba Lan. Cô luôn rửa tội cho các em bé bị chết trong bụng mẹ và các em bị phá thai trong nhà thương ấy. Cô chăm chỉ rửa tội cho các trẻ ấy cứ hai lần một ngày, vào buổi sáng cho các em chết vào tối hôm trước, và vào buổi tối cho các em chết trong ngày hôm ấy. Khi hấp hối, cô kêu lên:
“Ồ, có nhiều trẻ con quá, có nhiều trẻ con quá!”.
Vị linh mục đứng bên cạnh giường của cô nói: “Đúng rồi, cô đã rửa tội cho nhiều trẻ em, và nay họ đến để giúp cô đó!”.
Và các trẻ em đến để giúp đỡ cô trên đường về Nhà Cha.
Hỏi: Vậy các em bé ở Lâm Bô có hiện về và ở gần các thân nhân của họ không?
- Có, họ ở gần. Đặc biệt là anh chị em của bé thường cảm nhận là có một em bé ở gần, ngay cả khi chúng không hề biết là có em bé bị chết trong bụng mẹ hay có em bé bị phá thai.
Hỏi: Tôi nghe nói là các trẻ có sự nhạy cảm thường hay thấy các anh chị em bị chết trong bụng mẹ hay bị phá thai. Nhưng khi nhìn thấy như vậy, họ thấy các Linh Hồn ấy lớn lên cùng thời gian với các anh chị em còn sống của họ. Điều này có mâu thuẫn với điều mà bà nói rằng các Linh Hồn luôn hiện ra với bà ở lứa tuổi mà họ chết không?
- Không. Tôi không nghĩ như vậy vì Chúa biết chúng ta nhiều nhất, và Ngài luôn chỉ cho chúng ta có thể hiểu biết Linh Hồn nhất. Vậy khi các Linh Hồn trẻ thơ hiện ra với dáng vẻ già dặn hơn, như bạn nói, thì chỉ có nghĩa là Chúa muốn làm cho mọi sự càng rõ ràng càng tốt để tỏ lộ cho người mà các Linh Hồn trẻ em đang thăm viếng. Các trẻ em cầu nguyện dễ dàng hơn và tự do hơn người lớn và sẵn sàng được cha mẹ tin hơn. Vậy cảm nghiệm này sẽ mang lại kết quả mau chóng, nếu các cha mẹ biết lo cho các vấn đề ấy, thay cho các con. Chúa Giêsu nói như sau:
 “Hãy để các trẻ thơ đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng”.
Điều này bao gồm các trẻ chết trong bụng mẹ và các trẻ bị phá thai.
Maria Simma

Sức mạnh của lòng tin



“Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11,24)
Một trong những lý do đầu tiên giải thích cho thất bại trong đời sống cầu nguyện của chúng ta chính là chúng ta cầu xin quá nhiều nhưng lại không bao giờ trông đợi lời đáp trả. Chúng ta không ngừng cầu xin, nhưng lại không hề thật sự trông chờ câu trả lời, cho đến khi cơ bắp tâm hồn chúng ta mềm nhũn vì chúng ta đã không tập luyện sức mạnh nhận lãnh.

Tôi thà cầu nguyện với Thiên Chúa bằng lòng tin thật sự và nhận được lời đáp trả, hơn là gửi vô số những lời cầu xin và không bao giờ nhận lại được gì. Sẽ tốt hơn rất nhiều khi xin Chúa vài điều và nhận được câu trả lời hơn là bị tổn hại đến niềm tin bởi việc làm suy yếu sức mạnh của sự lãnh nhận.
Thật đáng thương cho những người cầu nguyện liên lỉ, kiên nhẫn chờ đợi, rồi than khóc, vì những lời cầu nguyện của họ dường như không được nghe thấy và không được đáp trả, và cuối cùng, đau khổ và thất vọng, họ bỏ cuộc, nghĩ rằng Thiên Chúa không quan tâm, trong khi chính họ không nhận ra và tuân theo quy tắc của đức tin mà Chúa nói rất rõ trong Lời của Ngài.
Vấn đề là ở chỗ chúng ta hành động như thể Thiên Chúa là một Đấng chuyên quyền nhẫn tâm, Đấng mà chúng ta cố vượt qua sự kiên quyết và không sẵn lòng của Ngài bằng những lời cầu nguyện than van liên lỉ, nhưng sự thật Thiên Chúa đang cố gắng vượt qua sự thiếu lòng tin của chúng ta và mong muốn ban cho chúng ta những gì lòng chúng ta khao khát.
Phần việc của chúng ta chính là nhận lấy. Phần việc của Ngài chính là trao ban. Đúng vậy, chúng ta cầu xin, nhưng lại không nhận lấy. “Khi cầu nguyện, hãy tin là mình đã được rồi”. Ngài đã ban và Ngài chờ đợi ban nhận lấy, và bạn hoàn toàn có thể nhận lấy, vì Ngài đã ban cho bạn khả năng làm điều đó.
“Tôi có thể tin, tôi sẽ tin và tôi tin”. Tôi có thể tin bởi vì Chúa ban cho tôi khả năng đó. Ngài không bao giờ đòi hỏi con cái của Ngài điều gì mà chúng không có khả năng. Vì thế, tôi có thể tin nếu tôi tin. Vì thế tôi sẽ tin bởi vì Thiên Chúa mong đợi tôi rèn luyện ý chí tin tưởng của tôi vào Lời Ngài. Và tôi tin, bởi vì giờ đây chính là thời gian của Thiên Chúa, bởi vì tôi cầu nguyện và tôi tin rằng tôi nhận được ngay sau khi lời cầu nguyện của tôi kết thúc, như Kinh Thánh đã nói: “Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11,24).
Vì thế, có những lúc tôi phải ngừng cầu nguyện và bắt đầu tin tưởng. Khi tôi cầu xin, tôi phải tin tưởng ngay chứ không phải tin tưởng trong tương lai. Lòng tin vào tương lai chính là hy vọng chứ không phải là tin tưởng, và như ai đó đã nói rất khôn ngoan: “Niềm tin không phải là hy vọng”. Hy vọng đặt một sự việc vào trong tương lai, trông đợi một thời gian xa, nếu Chúa thấy phù hợp, Ngài sẽ cho câu trả lời; còn lòng tin đặt sự việc vào trong quá khứ và xem như nó đã hoàn thành. Sự việc được hoàn thành đơn giản bởi vì Thiên Chúa đã phán như thế.
Niềm hy vọng hướng đến ngày mai, trong khi lòng tin để lại vấn đề ở ngày hôm qua, xem như sự việc đã xong và sẽ luôn nhìn lại nơi ấy và nói: “Sự việc đã xong, tôi đã hoàn thành giao dịch với Chúa. Tôi tin Ngài sẽ thực hiện lời Ngài và xem như nó đã xong, bởi vì Ngài đã nói thế”. “Lý do khiến chúng ta mạnh dạn trước mặt Thiên Chúa, đó là: Người nhậm lời chúng ta khi chúng ta cầu xin điều gì hợp ý Người. Nếu chúng ta biết rằng Người nhậm mọi lời chúng ta xin, thì chúng ta cũng biết rằng chúng ta có được những gì chúng ta đã xin Người” (1 Ga 5,14-15).
Những gì chúng ta nghĩ không quan trọng, nhưng quan trọng chính là những gì Thiên Chúa nói. Những gì chúng ta cảm thấy không quan trọng, nhưng quan trọng chính là niềm tin chúng ta xác tín điều gì. Dù không nhìn thấy cũng không quan trọng, vì chúng ta bước đi bằng lòng tin.
Có thể bạn có lòng tin, nhưng lòng tin ấy có thích đáng không?
Một vị linh mục cố giải thích thật rõ nguyên tắc của lòng tin, ông chìa ra một chiếc đồng hồ đắt tiền trước một nhóm những bé trai ngồi hàng ghế đầu trong nhà thờ.
“Tony, con có muốn có chiếc đồng hồ này không?” – vị linh mục đưa chiếc đồng hồ ngay trước mặt cậu bé. “Ồ, cha đừng trêu con” – cậu bé trả lời. Vị linh mục lặp lại câu hỏi với cậu bé tiếp theo. Và câu trả lời nhanh nhảu: “Cha đừng gạt con. Hôm này đâu phải ngày Cá Tháng Tư”.
Câu hỏi lại được lặp lại, hết lần này đến lần khác dọc theo dãy ghế và tiếp tục với những câu trả lời hài hước tương tự. Cuối cùng, vị linh mục đưa chiếc đồng hồ đến một bé trai khoảng 5 tuổi ngồi phía ngoài, với đôi mặt sáng rỡ nhìn chằm chằm vào vị linh mục. Đôi chân của cậu bé không chạm tới đất, nhưng cậu bé vẫn ngồi thăng bằng sát mép ghế và sẵn sàng nhảy lên, vị linh mục không có cơ hội nói hết câu: “Cậu trai, con có muốn…”. Bấy nhiêu đó đã đủ, bàn tay mũm mĩm nhanh chóng chộp lấy chiếc đồng hồ. “Chộp lấy” là từ duy nhất có thể diễn tả đúng hành động hăm hở và mạnh bạo của cậu bé với niềm tin tưởng, vào rồi cậu bé bỏ món quà vào túi, nhích người ngồi lại sát vào ghế vòng tay nghiêm trang với vẻ mặt toại nguyện. Đó là món quà cậu mong ước đã lâu.
Sau buổi lễ, nhóm các bé trai vây quanh vị linh mục phân trần: “Làm sao con biết chắc là cha nói thật?” và “đó là chiếc đồng hồ chúng ta luôn muốn có”.
“Tại sao cha không nói với chúng con là cha nói thật?” “Nếu cha nói thật, tại sao cha không đặt vào tay con, hoặc hỏi lại lần nữa, như vậy con biết chắc”.
Mỗi cậu bé đều muốn vị linh mục đặt vào tay chúng, hơn là tự chúng chìa tay ra nhận lấy, trong khi đứa bé nhỏ nhất kia có được lòng tin thích đáng và đã tự nhận lấy món quà được mời tặng. Cậu bé ấy đã đặt đức tin vào trong hành động.
Rất nhiều người không có lòng tin thích đáng. Cách nào đó, họ tin rằng mình được cứu độ và họ tin những lời hứa của Chúa chỉ là bâng quơ không cụ thể cho từng người. Nhưng họ không biết rằng những lời hứa của Thiên Chúa “phù hợp” với từng người một. Họ không biết phải “nhận từ Chúa như thế nào”. Dù luôn cầu xin, nhưng họ không bao giờ nhận được gì, đơn giản bởi vì họ không hiểu được nguyên tắc lòng tin. Nó được giải thích thật dễ hiểu trong Kinh Thánh: “Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý”. Nếu không có được niềm tin như thế, chúng ta không thể nào tận dụng hết đặc quyền vinh dự được làm con Thiên Chúa hoặc hoàn toàn sử dụng quyền thừa kế của mình.
Nghi Ân dịch

Thà chết còn hơn là sống mà làm mất lòng Chúa



“Hỡi các xương khô hãy nghe lời Thiên Chúa! Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, hãy sống động và đến làm chứng cho sự thật”
Năm 1070 ở Cracovie nước Balan, thánh Xíchtanilao, Giám Mục có mua của một nông dân, tên là Phêrô một mảnh đất cho nhà thờ chính toà. Ngài trả tiền đàng hoàng, nhưng không lập khế ước.

Sau ba năm, các người thừa kế Phêrô làm đơn tố cáo Đức Giám Mục đã cướp đoạt đất của họ.
Những người tiên cáo hành động như vậy vì biết rõ Boleslas, vị hung quân quá cay cú thánh nhân đã khiển trách nặng lời ác đức nhà vua.
Nhà vua hoan hỉ làm án buộc Đức Cha phải trả tiền lần nữa.
Ngài được Chúa soi sáng, tuyên bố nếu không được người sống xét xử công minh, ngài sẽ viện người chết làm chứng cho ngài.
Vậy ngài tâu vua đợi cho 3 ngay để Phêrô là người bán đất sẽ xác nhận.
Bạo vương chuẩn y ngay, vì biết Phêrô đã chết từ lâu và chế nhạo Giám Mục ngớ ngẩn.
Thánh Xíchtanilao trở về nhà, và yêu cầu các linh mục cầu nguyện và ăn chay suốt ba ngày để xin Chúa tự tay thụ lý.
Ngày thứ ba, sau khi dâng thánh lễ trọng thể, bận luôn phẩm phục Giám Mục, ngài đến nghĩa địa cùng với các linh mục và dân chúng.
Đến mộ Phêrô, ngài ra lệnh quật mồ và mở quan tài. Người ta chỉ thấy một nắm xương tàn. Bấy giờ thánh Giám Mục quỳ xuống và xin Chúa làm một phép lạ trước dân chúng cho sáng danh Ngài và cho sự thật hiển thắng. Rồi, lấy gậy đụng đến hài cốt và truyền:
“Hỡi các xương khô hãy nghe lời Thiên Chúa! Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, hãy sống động và đến làm chứng cho sự thật”.
  Các hài cốt cựa quậy, tro bụi biến thành thịt; người chết đứng dậy, ra khỏi quan tài và tiến đến Đức Giám Mục.
Ngài dẫn chàng đến nhà thờ trước hết để cám ơn Chúa với dân chúng, rồi đưa đến toà án.
Phiên toà do hung vương chủ toạ với sự hiện diện của đình thần. Người ta báo tin Đức Giám Mục, các giáo sĩ, dân chúng và Phêrô sống lại đến hầu toà.
Vua không tin; nhưng rồi cũng phải tin trước sự thật hiển nhiên khi Đức Cha vào phòng đối diện với vua và tâu:
“Tâu hoàng thượng, tôi dẫn người đã bán đất cho tôi. Xin hoàng thượng hỏi đương sự có bán đất và đã nhận tiền của tôi không? Thiên Chúa sai đương sự đến để làm xấu hổ các người cháu gian dối”.
 Phêrô cao giọng minh chứng đã bán đất ấy cho Đức Giám Mục và ngài đã trả tiền.
Tiếp đó, Phêrô ngỏ lời với 3 người cháu hiện diện là không có quyền gì trên mảnh đất đó và doạ chúng sẽ bị chết dữ tợn nay mai nếu không chấm dứt tham vọng lấy của người khác.
Cả cử toạ đều kinh ngạc, sợ hãi, đứng sững như trời trồng.
Sau đó, Đức Giám Mục hỏi người được sống lại có muốn sống thêm ít năm nữa không. Nhưng đương sự đáp:
“Muốn chết ngay, hơn là sống một cuộc đời khốn khổ và rất nguy hiểm là làm mất lòng Chúa”.
   Chàng xin thánh Giám Mục và dân chúng cầu bầu cho chàng đang còn phải giam cầm trong Luyện Ngục.
Mọi người theo chàng trở lại nghĩa trang. Chàng đến quan tài và nằm xuống. Xương cốt chàng lại tách rời ra, thịt tan rã thành tro bụi, và thiên hạ chỉ còn thấy một bụi đất không hình dạng.
Trích sách tháng các Linh Hồn

Trái Tim Chúa Giêsu ước ao cứu Linh Hồn luyện ngục




Trái Tim Chúa Giêsu thương xót các linh hồn Luyện Ngục lắm, vì các linh hồn ấy là linh hồn thánh có nghĩa cùng Chúa. Khi còn ở thế gian, họ đã mến Chúa, mà bây giờ trong Luyện Ngục họ còn kính mến Chúa hơn cả những người đạo đức sốt sắng nhất còn sống ở thế gian.
Trái Tim Chúa tha thiết thương xót các linh hồn ấy, vì biết rõ họ phải đau khổ thế nào trong chốn giam cầm ấy.
Trái tim Chúa Giêsu thương xót và muốn cứu các linh hồn ra khỏi Luyện ngục để đem về hưởng hạnh phúc Thiên Đàng.
Nhưng vì đức công bằng, Chúa không thể tha bổng cho các linh hồn ấy được. Bó buộc họ phải đền trả, gột rửa cho hết mọi bợn nhơ tì ố trước khi được về cùng Chúa. Vì thế Chúa tha thiết kêu gọi ta lo việc cứu giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục.
Xưa Chúa đã phán bảo Thánh nữ Gêtrudê rằng:
“Mỗi lần con cứu được một Linh Hồn ra khỏi Luyện Ngục, thì Cha vui mừng như con đã cứu chính Cha ra khỏi nơi ấy”.
Vì đức công bằng, Chúa chẳng tha không cho các linh hồn bị giam phạt nơi Luyện Ngục, nhưng lòng thương xót và trí khôn ngoan vô cùng của Chúa đã tìm ra được nhiều cách để cứu các linh hồn ấy mà không hại đến đức công bằng của Chúa.
Trước hết, Trái Tim Chúa đã ban ơn cho các linh hồn ấy được sẵn lòng theo Thánh Ý Đức Chúa Trời mà vui lòng chịu khó.
Thánh nữ Catarina khi viết về Luyện Ngục có nói : Các linh hồn trong Luyện Ngục không buồn bực giận dữ hoặc miễn cưỡng chịu khổ như những kẻ ở trong hỏa ngục. Trái lại họ vâng theo Thánh Ý Chúa trọn và vui lòng chịu khó. Họ đành ở Luyện Ngục lâu năm chịu khổ để đền bù cho đủ, chứ không chịu về Thiên Đàng khi mình còn vương dấu vết chưa sạch cho trọn”.
Rồi Trái Tim Chúa lại dạy các thày cả khi dâng lễ Misa phải cầu xin Đức Chúa Cha tha tội cho các linh hồn vì công nghiệp Mình và Máu Thánh Người.
Người cũng tha phép cho người ta được dâng cho Đức Chúa Cha các công nghiệp Người, các công nghiệp Rất thánh Đức Mẹ, cùng các thánh nam nữ trên trời, và các việc phúc đức cùng những sự khó kẻ lành chịu ở dưới thế để đền tội cho các linh hồn.
Vậy Chúa Giêsu cũng muốn cho kẻ có lòng kính mến Trái Tim Chúa theo gương Người mà thương xót, chăm lo đến việc cứu giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục.
Những linh hồn ấy là linh hồn ông bà cha mẹ ta, là linh hồn anh em ruột thịt với ta, là linh hồn kẻ nghĩa thiết với ta, và cả những linh hồn mồ côi không ai cầu nguyện cho.
Ta hãy ra sức cứu giúp các linh hồn ấy, hoặc bằng lời cầu nguyện, dâng lễ, xưng tội, rước lễ, lãnh ân xá, hoặc bằng cách hãm mình, ăn chay, làm phúc cứu giúp kẻ khó khăn và dâng các việc đó để cứu các linh hồn. Các linh hồn ấy khi đã được ta cứu ra khỏi Luyện Ngục  mà về Thiên Đàng thì không thể quên cầu nguyện cho ta trước tòa Chúa.
Lạy Chúa Giêsu là Cha rất nhân lành của các linh hồn Luyện Ngục. Các linh hồn ấy đều là con cái Chúa,  có nghĩa cùng Chúa và kính mến Chúa. Xin Chúa ngự trong Thánh Thể soi lòng cho người ta làm nhiều việc lành cứu giúp các linh hồn ấy để họ chóng được về Thiên Đàng hợp cùng các thánh thiên thần và các thánh nam nữ hát mừng ngợi khen, tạ ơn Chúa đời đời chẳng cùng. Amen.
Thánh tích:
Thánh nữ Magarita có lòng thương và hay cứu giúp các linh hồn trong Luyện Ngục cách riêng, người gọi các linh hồn ấy là “những người bạn đau khổ”. Nhiều lần các linh hồn được Chúa cho hiện về với bà, có linh hồn kể cho bà những hình khổ phải chịu và xin cứu giúp, có linh hồn cho biết đã được giảm bớt, có linh hồn về cảm ơn bà và bay về Thiên Đàng.
Khi trước Thánh nữ Magarita hay nhường công nghiệp việc lành cho các linh hồn, khi thì 3 hay 6 tháng… về sau Chúa dạy bà phải nhường công phúc cả đời cho các linh hồn.
Thánh nữ Magarita có chép truyện sau:
Một năm, bề trên cho tôi được chầu Mình Thánh Chúa đêm thứ Năm tuần thánh. Đang khi chầu, tôi thấy nhiều linh hồn hiện về xin cứu giúp, cũng lúc ấy Chúa Giêsu đến dạy tôi nhường công phúc cho các linh hồn cả năm, tôi vâng lời ngay. Nhiều lần khác Chúa dạy tôi đền tội thay cho các linh hồn, những lần ấy tôi phải chịu cơ cực quá sức y như các linh hồn ấy đang phải chịu đền trong Luyện Ngục vậy.
Theo Xuanha