Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Tại sao Chúa lại chọn con?


jesus_nazareth1

Mỗi người có một cảm nhận riêng về ơn gọi của mình, ơn gọi này chúng ta nhận được từ Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của mọi sự, cho mọi người. Ở đây tôi chỉ bàn đến ơn gọi dấn thân theo Chúa cách đặc biệt trong đời tu (đời sống dâng hiến) mà thôi. Dẫu biết rõ con người bạn chẳng có tài gì đặc biệt, chẳng có khiếu gì trong lãnh vực hùng biện, cũng như các lãnh vực khác liên quan đến sứ vụ sau này thế mà Chúa đã mời gọi bạn theo Ngài. Ngài cũng không cưỡng ép cũng như Ngài chẳng bắt buộc bạn phải dấn thân nhưng Ngài đang chờ đợi nơi bạn sự đáp trả. Bạn có thể nói "không". Vì có quá nhiều lí do để biện hộ cho câu trả lời đó: Có thể là thời gian chưa chín muồi, hoặc có thể là chưa thích hợp, và thậm chí có thể là Chúa đã chọn nhầm người để thi hành sứ vụ đặc biệt này. Và có lẽ bạn đang hỏi Chúa: tại sao Chúa lại chọn con?
Tại sao không? Chẳng lẽ bạn không có một tài năng nào được Chúa bạn tặng hay sao? Hay là bạn có quá nhiều tài năng nên nếu như theo Chúa thì tài năng của mình bị giới hạn? Hoặc là chẳng lẽ bạn biết được bạn có thể dâng hiến những gì sao? Bạn có bao giờ nghĩ rằng, nếu Chúa đã khước từ bạn thì liệu có thể Ngài còn mời gọi bạn dấn thân theo Ngài không? Thiên Chúa có lí do của Ngài khi mời gọi bạn. Có thể chương trình của Chúa với bạn đến nay chưa thực sự rõ ràng nhưng tôi chắc chắn với bạn một điều là chính Ngài đã khơi lên trong lòng bạn con đường này, và bạn cũng đã bước đi trên con đường đó. Các tông đồ xưa theo Chúa vì lí do gì? Chắc hẳn bạn cũng biết?! Các ngài cũng rất tầm thường, rất con người trong những giai đoạn đầu theo Chúa. Nhưng dầu sao đi nữa thì các ngài chỉ biết rằng là, mình được "gọi" và với tâm tình đơn sơ, lòng nhiệt thành các ngài đã đáp lại lời mời gọi ấy. Các ngài đã đi trọn
con đường của mình theo thánh ý Chúa, tuy là con đường đó có rất nhiều chông gai, nhiều trở ngại nhiều lúc tưởng chừng như các ngài đã bị những khó khăn đánh gục nhưng với ơn Chúa các ngài đã vượt qua tất cả để về đích. Cũng vậy bạn đã cố gắng thế nào? Bạn đã sử dụng ơn Chúa ban ra sao? Bạn có dùng nó để phục vụ cho tha nhân hay là bạn đã dùng nó với ý riêng mình? Có lẽ bạn đã dùng ơn Chúa chưa theo như ý Chúa muốn khi Ngài ban những ơn đó cho bạn. Có lẽ Chúa đang cần nơi bạn một sự phó thác hoàn toàn trong sự tin tưởng tuyệt đối vào Ngài. Lòng tín thác đó nó như một cơn gió thoảng làm cho lòng bạn nhẹ nhàng hơn. Và cơn gió đó bạn biết nó có, nhưng bạn không thể nhìn thấy nó, mà bạn chỉ có thể cảm nhận, và bạn sẽ cảm nhận được nếu như bạn ngưng cuộc sống ồn ào của bạn lại một vài giây, và bạn cố gắng tập trung chú ý một chút, thì bạn sẽ biết được ý Chúa muốn bạn lúc này phải làm gì.
Giả như bạn khước từ lời mời gọi của Chúa thì sao? Theo tôi thì cũng chẳng vấn đề gì. Có thể biết đâu trước đó là chỉ là một cuộc trắc nghiệm. Biết đâu Ngài chỉ muốn bạn sống thử đời sống dấn thân xem bạn có thể chấp nhận được thử thách của Người không? Và cũng có thể Chúa biết điều đó là cần thiết cho cuộc sống của bạn hay nói cách khác thì đó là điều tốt cho cuộc sống sau này của bạn. Giả như Ngài muốn thử xem bạn có hiểu và sử dụng các ơn Chúa Thánh Thần cách hiệu quả không nhất là ơn sức mạnh thì một quyết định như thế phần nào nó cũng nói lên được nơi bạn là đã phải có can đảm, xác tín, ơn thánh và đặc biệt là cầu nguyện rồi. Nếu đã là như vậy thì không có gì để nói, và bạn cũng không có gì phải sợ là mình sẽ phải hối tiếc.
Có lẽ sự dấn thân này không có gì để đảm bảo cho cuộc sống của bạn?! Vậy, có phải bạn đang cần có sự đảm bảo nào đó cho sự dấn thân của mình? Nếu trong một thế giới hoàn hảo thì việc bạn đòi hỏi một đảm bảo nào đó cho một sự dấn thân nào đó của bạn thì đó là điều chính đáng, không có gì để nói. Nhưng đây thực tế thì không phải thế, nó chỉ là một thế giới đầy dẫy những bất trắc. Nên việc đòi có một đảm bảo cho sự dấn thân của mình thì thật là không may vì nó không phải là một thế giới toàn hảo. Và có lẽ là vì vậy mà Chúa muốn bạn dấn thân cho những gì là tốt đẹp nhất theo như sự cảm nhận của bạn khi đã có sự cầu nguyện để tham khảo ý của Ngài một cách kỹ lưỡng rồi. Nếu như bạn thực sự đã làm như vậy một cách nghiêm túc thì bạn không có gì phải lo lắng. Tuy vậy nghĩ kỹ lại thì bạn có thực sự muốn nói "không" với Đấng đã gọi bạn và vì bạn mà Đấng ấy đã hiến đi mạng sống của mình không? Người vẫn đợi chờ và hy vọng bạn sẽ nghe theo lời mời gọi của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn bạn. Người vẫn hy vọng tình yêu của Ngài dành cho bạn sẽ thúc bách bạn để bạn biết chia sẻ tình yêu đó cho mọi người chung quanh và nhất là Ngài hy vọng bạn không phải hối tiếc về sự trả lời của bạn.
Nhưng dù thế nào đi nữa thì lời mời gọi ấy cũng vẫn xoáy vào tâm hồn bạn. Có thể là bạn có nhiều lí do để biện minh cho lựa chọn của mình nhưng bạn quá biết là mình đang làm gì và sử dụng ơn Chúa ban cho mình thế nào. Nhưng có lẽ bạn không biết được bạn đã cố gắng hay không. Điều này thì bạn không thể biết được, tôi dám chắc điều đó. Tất cả đều dựa trên niềm tin của ta vào Chúa. Ngài sẽ giúp bạn, sẽ ban cho bạn đủ sức mạnh để bạn đương đầu với nghịch cảnh. Hãy tin rằng Ngài sẽ ban cho bạn những ơn thánh cần thiết vào những thời điểm cần thiết vì Ngài đã nói "ơn Ta đủ cho con" và Ngài không bao giờ thử thách quá sức chịu đựng của bạn.
Bruno Vinh
Nguồn Dựng Lều 34
http://tonggiaophanhanoi.org/on-thien-trieu/tai-lieu-on-goi/1263-tai-sao-chua-lai-chon-con

Làm sao biết Chúa muốn tôi làm gi?


Phân định trong Thánh Kinh 
Theo Cựu Ước, sự phân định này liên quan đến yếu tố của bóng tối. Đây là sự lựa chọn con đường mà người ta không biết đi đâu : thí dụ điển hình nhất là của Abraham: " Thiên Chúa đã nói với ông : " Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi" ( St12,1) "Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu" (Dt 11, 8). Đây là một lời mời gọi mãnh liệt trong Đức tin và Đức cậy. Chúng ta sẽ thấy niềm hy vọng mỗi ngày trong sự lựa chọn này .
Tân Ước nói về sự phân định thiêng liêng : chúng ta phải học cách nhận ra thần khí nào thúc đẩy chúng ta. Nếu đó là Thần Khí của Thiên Chúa dẫn chúng ta, hoặc nếu chúng ta chỉ bị lôi cuốn bởi những khát vọng hoàn toàn phàm tục trong tâm trí chúng ta, hoặc bởi thần khí của sự dối trá : " Anh em rất thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không" (1 Ga 4, 1).
I. Trước hết, để phân định, chúng ta phải nhìn vào Đức Giêsu
Nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta lãnh nhận được hồng ân Đức tin. Vì vậy chúng ta phải sống trong tinh thần con thảo của Chúa Cha, tin tưởng vào Chúa Giêsu là "Đường, là Sự Thật và là Sự Sống" ( Ga14, 5). Trong khi đọc và suy niệm Thánh Kinh, chúng ta học cách sống của Chúa Giêsu để khám phá ra Chúa Giêsu là Ai, đâu là những việc Người làm và cần phải phân biệt đâu là kẻ thù của Người. Hãy xem những gì trong cốt truyện miêu tả việc ma quỷ chống đối Chúa Giêsu và Chúa Giêsu đã chiến thắng ma quỷ thế nào khi Người bị cám dỗ trong hoang địa (Mt 4,1-11). :
Hãy tiến lại gần Chúa Giêsu và cố gắng để "nhìn thấy" những gì Người có thể giúp bạn. Đừng sợ bước qua ngưỡng cửa của chính mình, để trực tiếp hàn huyên với Chúa, diện đối diện như thể khi bạn đang nói chuyện với một người bạn (Xh 33, 11). Đừng sợ bước vào "cuộc sống mới" mà Người ban tặng cho bạn. Hãy vào học trường của Thầy Chí Thánh để dệt nên cuộc đời bạn một "Ơn gọi". Hãy nhớ đến Tình Yêu mà Thiên Chúa đã mời gọi bạn. Quả thật, Chúa Giêsu là một người Bạn luôn đòi hỏi, Người chỉ ra một mục tiêu cao và yêu cầu bạn ra khỏi chính mình để gặp gỡ Người. "Ai mất mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng, thì sẽ sống" (Mc 8, 35). Bạn đừng chậm trễ hướng tới hạnh phúc và ánh sáng! Vì chỉ có nơi Chúa Giêsu chúng ta mới có thể nhận được những câu trả lời không hề gian dối và không hề làm ta thất vọng. (Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói với các bạn trẻ ở Bulgaria, 26/05/02).
Hãy suy niệm những gì bạn đọc, điều đó sẽ dẫn bạn đến một sự lựa chọn thích hợp trong khi đối diện với chính mình. Bạn sẽ thấy một cuốn sách mới được mở ra : đó là cuốn sách của "sự sống". Bạn sẽ vượt qua những suy nghĩ thực tế. Trong sự khiêm tốn và với một niềm tin vững mạnh, bạn sẽ khám phá ra những biến chuyển làm rung động con tim bạn và bạn có thể phân định từ những rung cảm đó. Cần có sự thật để hướng tới ánh sáng : "Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?.
II. Đời sống người Kitô hữu cần phải phân định liên lỉ
Phân định là không ngừng nhạy cảm trong tỉnh thức. Sự phân định này làm cho người Kitô hữu có thể gánh vác trách nhiệm của mình trong một niềm tin sáng suốt.
Đôi khi con người phải đương đầu với những trạng huống mà các giá trị đạo đức ít được bảo đảm và với những quyết định hết sức khó khăn. Tuy nhiên, cần phải luôn luôn nghiêm túc tìm kiếm những gì là đúng, tốt lành và biết phân biệt đâu là ý muốn của Thiên Chúa thể hiện trong giới Luật của Người. Với mục đích này, con người cố gắng giải thích các dữ liệu về kinh nghiệm và những dấu chỉ của thời đại thông qua các nhân đức như cẩn trọng, những lời khuyên của người hữu trách, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và các ơn lành Người ban.
1. Bạn cần được sự giúp đỡ của những người có kinh nghiệm
Với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, chính những người giúp bạn đã có kinh nghiệm gặp Chúa Kitô. Có thể, những người này đã đạt tới một sự trưởng thành thiêng liêng trong cuộc sống riêng của mình, để họ dấn thân phục vụ những người được Thiên Chúa trao phó cho họ chăm sóc. Bởi vì, như lời Thánh Phaolô nói : cứ xem hoa trái đem lại thì chúng ta sẽ nhận biết được tinh thần tốt hay xấu.
"Tôi nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em không còn thỏa mãn những đam mê của tính xác thịt nữa....Hoa quả của Chúa Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (Gl 5, 16 -23).Tình hunynh đệ là động lực thúc đẩy bạn chạy đến giúp đỡ người khác. Phân định thiêng liêng là kết quả của sự ngoan hiền, vâng phục Chúa Thánh Thần. Chính Người ban cho các tâm hồn tìm Chúa có cái nhìn thấu suốt phải làm gì.
2. Sống phù hợp với những yêu cầu của Giáo Hội. Điều cần thiết để phân định ơn gọi
Phân định thiêng liêng không thể tách rời sự hiệp thông với Giáo Hội như Chúa Giêsu phán rằng Ngài sẽ ở với Giáo Hội cho đến tận thế và Ngài đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho Giáo Hội. Đây là một số quy tắc áp dụng trong tất cả các trường hợp:
- Không bao giờ được phép làm điều dữ để đạt tới điều lành.
- "Luật vàng" là "Bất cứ điều gì bạn muốn người khác làm cho mình thì bạn hãy làm những điều ấy cho họ" (Mt 7, 12, Lc 6, 31; Tb 4, 15).
Bác ái phải luôn luôn tôn trọng tha nhân và lương tâm tha nhân : "Như vậy phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Kitô" (1 Cr 8, 12). "Tốt nhất là đừng ăn thịt, uống rượu, và tránh những gì có thể gây cớ cho anh em mình vấp ngã " (Rm 14, 21). Vì vậy, thông thường chúng ta phải phân định trong nội tại con người chúng ta, giữa sức mạnh của Ân Sủng và sức mạnh của tội lỗi.
Chính Chúa Thánh Thần giúp chúng ta phân định giữa thử thách, một sự cần thiết cho sự phát triển con người nội tâm (Lc 8,13-15 ; Cv 14, 22 ; 2 Tm 3,12) để có một "nhân đức luôn được kiểm chứng" (Rm 5,3-5) và sự cám dỗ dẫn đến sự tội hay sự chết (Gc 1,14-15). Chúng ta cũng phải phân biệt giữa " bị cám dỗ" và "đồng tình" với cám dỗ.
Sau cùng, sự phân định là việc lột trần những lời dối trá của ma quỷ : rõ ràng, mục đích của ma quỷ là "tốt, hấp dẫn để xem và ước ao thèm muốn" (Gn 3, 6). Nhưng trong thực tế, hoa quả của cám dỗ là sự chết. Thiên Chúa không áp đặt điều tốt nơi con người, Người muốn chúng ta hoàn toàn tự do ...cho dù sự cám dỗ là một cái gì đó tốt. Như lời Thánh Origène nói : "Ngoại trừ Thiên Chúa, nhân loại đều không biết mình đã nhận được những gì tốt lành từ Thiên Chúa, cả chúng ta nữa. Nhưng sự cám dỗ xuất hiện để dạy chúng ta biết mình rõ hơn. Nhờ đó, chúng ta khám phá ra những gì là bất toàn nơi con người mỏng dòn của mình, và buộc chúng ta phải dâng lời tạ ơn Chúa vì những ơn lành hơn là vì sự cám dỗ đã trỗi dậy trong con người chúng ta".
Hãy để tâm hồn bạn hành động theo sự lựa chọn sẵn có. Cần phải cầu nguyện xin Ơn Mạnh Sức vì Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của mỗi người và Người không ép buộc bất cứ ai. Bạn hãy siêng năng tham dự các Bí tích, đó là sự trợ giúp huyền nhiệm của Thiên Chúa trong cuộc đời mỗi chúng ta.
Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu xin Thiên Chúa đừng để chúng ta đi vào con đường tội lỗi. Chúng ta đang tham gia vào trận chiến "giữa xác thịt và Thần Khí." Lời khẩn cầu này nài xin Thần Khí của sự sáng suốt và sức mạnh. "Mỗi người phải có trách nhiệm về sự lựa chọn cuộc đời mình .... Đừng bao giờ quên rằng khi bột không lên men, đó không phải là lỗi của bột nhưng là lỗi của men" (Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói với các bạn trẻ ở Bulgaria, 27/05/02).
Chúng ta cần phải cầu nguyện để xin Ơn Khôn Ngoan như Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: "Hãy xin thì sẽ được" (Ga 16, 24). Nhờ lời cầu nguyện mà chúng ta có thể biết được "đâu là ý muốn của Thiên Chúa?" (Rm 12, 2; Ep 5,17) và đạt tới " sự kiên trì để hoàn thành ý nguyện đó" (Dt 10, 36). Chúa Giêsu dạy rằng để vào Nước Trời, không phải bằng lời nói xuông, nhưng là làm theo ý muốn của Cha Người ở trên trời" (Mt 7, 21).
III. Phân biệt : Ơn gọi - Các ơn gọi
Thiên Chúa luôn mong muốn hạnh phúc cho mỗi người, để lôi cuốn họ theo Người và chỉ có Ngài là Đấng duy nhất có thể thực hiện được điều đó.
Thể diện cao cả nhất của phẩm giá con người trong ơn gọi làm người là để hiệp thông với Thiên Chúa. Người mời gọi con người đi vào trong mối tâm giao với Thiên Chúa, bắt đầu từ sự tồn tại của con người. Bởi vì, nếu con người tồn tại, đó là vì Tình Yêu mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người. Cũng vì Tình Yêu mà Người luôn gìn giữ con người trong sự tồn tại, và con người chỉ có thể sống trọn vẹn chân lý, nếu như con người tự do thừa nhận Tình Yêu và từ bỏ chính mình mà làm theo ý muốn của Đấng Tạo Hóa (GS 19 • 1).
1. Người Kitô hữu được mời gọi trước hết để theo Chúa Kitô, và để bắt chước Người
Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể là những Bí tích khai tâm Kitô giáo. Đó là nền tảng cho ơn gọi nói chung của tất cả các môn đệ theo Chúa Kitô : Ơn gọi nên thánh và sứ vụ rao giảng Tin Mừng khắp thế giới. Các Bí tích mang lại cho chúng ta những Ân Sủng cần thiết cho cuộc sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong cuộc lữ hành hướng về quê hương Thiên Quốc : "Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có dập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì hoàn hảo" (Rm 12,1-2).
Vì vậy, với lòng can đảm và khiêm tốn, bạn hãy chấp nhận lời mời gọi mà Thiên Chúa trao cho bạn.Trong quyền năng và lòng nhân từ, Thiên Chúa luôn lời gọi bạn nên thánh. Thật là điên rồ trước vinh dự mà bạn được mời gọi, nhưng đó cũng thật là vô trách nhiệm nếu như bạn từ chối lời mời gọi đó ... "Anh em là muối đất, anh em là ánh sáng cho thế gian" (Mt 5,13- 14). Chúa Giêsu không yêu cầu bạn đơn giản là chỉ để nói hoặc làm điều gì đó cho Người, nhưng Chúa mời gọi bạn trở nên muối và ánh sáng cho đời ! Không phải chỉ trong một ngày mà thôi, nhưng là trong suốt cuộc đời bạn. Đó là một cam kết mà Chúa Giêsu mời gọi bạn mỗi buổi sáng và trong mọi hoàn cảnh. ... Hãy đem hết khả năng của bạn để mỗi ngày bạn sẽ làm cho đất nước và xứ sở nơi bạn ẩn náu một thửa đất của lòng hiếu khách, thịnh vượng và bình an. (Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các bạn trẻ ở Bulgaria, 27/05/02)
2. Bảng lượng định
Để được trợ giúp chúng ta có thể làm một bảng lượng định bằng cách đặt ra những câu hỏi sau :
- Đối với tôi, hôn nhân là gì?
- Ơn gọi tu trì là gì?
- Điều gì lôi cuốn tôi qua cách này hay cách khác?
Chọn lựa một con đường luôn làm chúng ta phải loại bỏ nhiều thứ khác, do đó, chúng ta phải tập từ bỏ dần dần.
Thiên Chúa là Tình Yêu. Người luôn sống trong mầu nhiệm hiệp thông và tình yêu. Khi dựng nên con người theo hình ảnh của Người, Thiên Chúa đã khắc ghi trong con người một ơn gọi, khả năng, trách nhiệm tương ứng, tình yêu và sự hiệp thông.
Vì vậy, gia đình Kitô giáo là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa các ngôi vị, đó là dấu hiệu và là hình ảnh hiệp thông của Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Các hoạt động như sự sinh sản và giáo dục của gia đình luôn phản ánh công trình sáng tạo của Thiên Chúa Cha. Gia đình được mời gọi thông phần vào lời cầu nguyện và hy sinh của Chúa Kitô. Lời cầu nguyện và việc đọc Lời Chúa hằng ngày sẽ củng cố gia đình trong đức ái. Chính vì vậy, gia đình Kitô giáo thực sự là một nơi rao giảng Tin Mừng và là nơi truyền giáo.
Bạn hãy nhìn vào những người đi theo Chúa, họ đã chứng tỏ sự làm chủ bản thân. Chính Ân Sủng và Tình Yêu của Thiên Chúa là liều thuốc chữa lành họ khỏi những căn bệnh của sự tham lam chiếm hữu, của thú vui và quyền lực. Đừng quên các đặc sủng mà Thiên Chúa ban cho "những tâm hồn khát khao tìm kiếm Chúa" một cách kỳ diệu và qua các trung gian nhân loại. Các đặc sủng này mở ra con đường chắc chắn cho những ai tìm kiếm Chúa với một con tim chân thành.
Hãy xem các thánh là những người đã mang lại nhiều hương thơm qua các lối sống khác nhau. Biết bao điều tốt đẹp mà những người dâng mình cho Chúa đã làm cho thế giới, hôm qua cũng như hôm nay! Phải chăng thế giới chúng ta không cần những chứng nhân sống động và các tiên tri hùng hồn đầy lòng từ tâm về Tình Yêu Thiên Chúa? Phải chăng thế giới không còn cần những người nam và người nữ, bằng cuộc sống và việc làm của họ để gieo mầm hòa bình và tình huynh đệ ?
Trong và qua Giáo Hội, một số thành viên được Thiên Chúa mời gọi phục vụ cách đặc biệt trong các cộng đoàn. Những người này đã được tuyển chọn và thánh hiến nhờ bí tích Truyền Chức Thánh mà Chúa Thánh Thần làm cho họ hành động trong Chúa Kitô- là Đầu để phục vụ tất cả các phần tử của Giáo Hội. Linh mục giống như "hình ảnh" của Chúa Kitô Linh Mục Thượng Phẩm. Bởi vì, Bí Tích Thánh Thể là Bí tích biểu hiện tràn đầy các bí tích của Giáo Hội. Chính nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể mà chúng ta có trước tiên là các giám mục và trong sự hiệp thông với Ngài là các Linh mục và Phó tế.
Kết luận
Mục đích chung của chúng ta là muốn biết đâu là Thánh Ý Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cần phải khẩn cầu Người trong kinh nguyện và để xác tín sự lựa chọn, chúng ta cần phải bàn hỏi với Cha linh hướng xem thần khí nào dẫn dắt chúng ta. Đừng sợ ! Trên 365 lần, Kinh Thánh không ngừng nói như vậy và Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần lên tiếng "Đừng sợ", " hãy tiến ra xa ".
"Tôi tin rằng tuổi trẻ không chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp giữa tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành mà còn là một khoảng thời gian cuộc sống mà Thiên Chúa ban cho bất cứ bạn trẻ nào như một món quà và một nhiệm vụ. Đó là thời gian cần phải tìm kiếm, như người thanh niên trong Tin Mừng (Mt 16,20), trả lời những câu hỏi cơ bản và khám phá ra không chỉ ý nghĩa của sự tồn tại, mà còn có một dự án cụ thể để xây dựng nữa.... Đó cũng là thời gian mà các bạn trẻ xây dựng cho mình một nền móng, một cơ hội không thể đánh mất được, bởi vì cơ hội qua đi sẽ không trở lại"! (Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi các bạn trẻ ở Bulgaria, 27/05/02)
Mọi người đều phải chịu trách nhiệm lớn lên trong Chúa ! Thất bại trong việc lựa chọn này không phải là một trở ngại để tiến lên nhưng là một giai đoạn, một kinh nghiệm làm cho chúng ta hướng về tương lai. Mặc dù đi sai đường rất dễ buồn. Tuy nhiên, chúng ta nên tạ ơn Chúa. Vì chính Chúa là Người Thầy và do đó, hãy để Người hướng dẫn và thường xuyên thưa với Chúa Giêsu để "ý Cha được thực hiện" hoặc "không phải ý con nhưng là ý Chúa" và cầu xin Đức Trinh Nữ Maria biết thưa Xin Vâng như Mẹ để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta.
Các bạn là những người trẻ hãy làm Vinh danh Thiên Chúa vì biết bao ơn tuyệt hảo Người đã ban cho các bạn trong cuộc sống. Thiên Chúa có chương trình Tình Yêu của Người cho mỗi chúng ta. Bạn cần phải kiên nhẫn, Người sẽ làm cho bạn khám phá ra điều kỳ diệu đó theo thời gian, nếu như bạn biết quảng đại làm chứng cho Tình Yêu của Người mà thời đại của chúng ta đang rất cần những chứng nhân như bạn! Hãy nhìn Đấng treo trên Thập Giá và bạn sẽ hiểu thế nào là TÌNH YÊU.
Maria Thiệu Chuyên
Biên dịch theo " Comment savoir ce que Dieu veut de moi?" trong catholique.org.
http://tonggiaophanhanoi.org/on-thien-trieu/tai-lieu-on-goi/3797-lam-sao-biet-chua-muon-toi-lam-gi

Huấn luyện nhân bản nơi tu sỹ thừa sai


CHÚA NHẬT
10 THÁNG 03 2013 09:56 
LM. ANTÔN NGUYỄN VĂN THẮNG 

Email
InNếu một cánh cửa cần có bản lề để vừa đỡ cửa, vừa có chức năng đóng - mở. Thì đời sống nhân bản của người tu sĩ thừa sai cũng cần phải có một cái giá đỡ; cần phải có một nguyên tắc nhất định để hình thành và làm nên nhân cách người tu sĩ thừa sai, nguyên tắc đó, ta gọi là Nhân Bản Kitô Giáo. Vì vậy, việc huấn luyện nhân bản là điều cốt thiết có tính khẩn thiết trong các cộng đoàn tu trì. Nhất là các cộng đoàn có sứ mạng truyền giáo cách chuyên biệt. Nói cách khác, đời sống nhân bản như là một điều kiện cần cho sứ vụ thừa sai của người tu sĩ1 .


1. Huấn luyện nhân bản Kitô Giáo

Người thừa sai là người được Giáo Hội sai đi để mang Chúa đến cho người khác. Nhưng trước khi mang Chúa đến cho người khác, nhà thừa sai phải là người mang trong mình hình ảnh của một vị Thiên Chúa nhân hậu, từ bi, bao dung, độ lượng. Một vị Thiên Chúa thật dễ thương, dễ mến,...Như thế, ta mới có thể giới thiệu về Chúa cho người khác. Người ta sẽ không thể chấp nhận một vị Thiên Chúa nhân hậu, khiêm nhường, yêu thương...đang được nhà thừa sai giới thiệu, trong khi thấy con người và tâm tính của chính nhà thừa sai lại thật cọc cằn, nóng nảy và thiếu lịch sự, tế nhị...người ta cũng không chấp nhận một vị Thiên Chúa luôn đi tìm và đem lại hạnh phúc cho con người trong khi hình ảnh của nhà thừa sai lại đi ngược lại hoàn toàn, luôn gây chia rẽ ngay trong chính cộng đoàn, luôn gây gương xấu cho mọi người, luôn tìm đến với người giàu mà bỏ quên sứ mạng của mình là phải đến với người nghèo.Trong tông huấn Pastores Dabo Vobis, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có nói tới vấn đề đào tạo nhân bản cho người môn đệ của Đức Giêsu. Nếu không được đào tạo nhân bản cách kỹ lưỡng, người tu sĩ sẽ bị thiếu hụt trầm trọng nền tảng cần thiết để thi hành sứ vụ:"Không có đào tạo nhân bản thỏa đáng, thì việc đào tạo linh mục trong toàn bộ sẽ bị thiếu hụt mất nền tảng cần thiết"2.
Đứng trước thực trạng ngày nay, xã hội nhanh chóng phát triển, con người dễ dàng vươn xa và tiếp cận được với đủ mọi hạng người. Điều này có tầm ảnh hưởng rất quan trọng đến đời sống đức tin của người Kitô hữu nói chung và đời sống người tu sĩ nói riêng. Vì vậy, việc đào tạo nhân bản cho người tu sĩ trẻ ngày nay quả là điều cần thiết. Các Dòng tu, Tu đoàn, Tu hội phải liệu sao cho người tu sĩ mà mình gửi đến các giáo điểm, các nơi truyền giáo không bị hụt hẫng về mặt nhân bản. Có thế, người tu sĩ mới sẵn sàng và hiên ngang bước vào mặt trận mới, nơi đó đang cần nhà thừa sai mang niềm hy vọng đến cho họ.
Việc đào tạo này cần có tính thường xuyên và liên tục. Đồng thời, việc đào tạo này phải được coi là cấp bách mọi thời và mọi nơi. Mặt khác, đào tạo nhân bản là một trong yếu tố nền tảng để hình thành nhân cách của nhà thừa sai.
Như vậy, huấn luyện nhân bản là một chiều kích không thể thiếu trong tiến trình đào tạo người tu sĩ.


2. Tại sao người tu sĩ cần trưởng thành nhân bản?


Dưới cái nhìn của người dân, các tu sĩ phải là người trưởng thành nhân bản và trưởng thành Kitô giáo. Người tu sĩ có mối tương giao thường xuyên với người khác, vì thế họ cần phải học cách cư xử và giao tế cho đúng phép. Hơn nữa, dưới cái nhìn chính danh, người tu sĩ là người được kêu gọi để trở nên "hình ảnh sống động" của Đức Giêsu, Đấng đã đến trần gian trong thân phận con người, hoàn hảo về phương diện nhân bản, đặc biệt qua thái độ của Người đối với tha nhân3 . Vì thế, người tu sĩ cần được rèn luyện để ngày càng trở nên giống Thầy của mình hơn, hầu khả năng nhận thức được chiều sâu trong tâm trí con người, nhạy bén trước những khó khăn và những vấn đề của con người, dễ dàng gặp gỡ và đối thoại, gây được niềm tin và sự cộng tác, đưa ra những phán đoán ngay thẳng và khách quan.
Trong huấn từ ban cho Dòng Cátminh, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập học viện quốc tế của Dòng tại Rôma, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã khẳng định tầm quan trọng của việc trưởng thành nhân bản, ngài nói:
Trong khi chờ đợi người tu sĩ trẻ trở nên thành viên có nhân đức sáng ngời, thì họ phải luyện tập trở thành con người hoàn hảo trong những công tác thường nhật: vì làm sao con người có thể trèo lên đỉnh núi nếu dưới đồng bằng họ đi chưa vững bước! Vậy ước mong rằng người tu sĩ rèn luyện và biểu dương qua cuộc sống, một nghị lực thích ứng với tha nhân và tương quan xã hội, một thái độ cởi mở, một bộ diện nhu mì, một tâm hồn trung thực, và cũng ước mong rằng người tu sĩ ấy luôn luôn giữ lời hứa, làm chủ ngôn hành của mình, biết kính trọng mọi người, giữ đức công bình, giữ đức nhẫn nhục...4Công đồng Vaticanô II trong sắc lệnh đào tạo linh mục cũng khẳng định:
Các chủng sinh phải tập cho quen biết điều thích hợp với cá tính mình, họ phải được huấn luyện cho có tinh thần quả cảm, và nói chung phải biết quý chuộng những đức tính mà người đời thường quý chuộng và Sẽ thất bại khi gán ép sự thánh thiện Kitô giáo cho một người chưa đạt tới sự trưởng thành nhân bản5 .Những điều nói về chủng sinh, cũng phải hiểu về các tu sĩ nữa, nhất là các tu sĩ lãnh nhận sứ mạng truyền giáo.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis, đã khẳng định: "sự cần thiết phải có một nền giáo dục về lòng yêu mến chân lý, sự chân thành, thái độ tôn trọng mọi người, ý thức về công bình, trung tín với lời mình nói, sự cảm thông đích thực, tính nhất quán và nhất là quân bình trong phán đoán và thái độ cư xử"6 .Khi nói đến giáo dục nhân bản, chúng ta thường nghĩ đến việc vị giáo sư truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm cho sinh viên. Điều này chỉ đúng một phần, mà có lẽ là phần nhỏ. Trong lĩnh vực đào tạo nhân bản, chính mỗi người phải tự đào luyện mình, với sự giúp đỡ của anh chị em hiện diện xung quanh.
Như vậy, sự trưởng thành nhân bản là rất cần thiết đối với người tu sĩ. Đó là nền tảng để xây dựng sự trưởng thành Kitô giáo và trưởng thành đời tu. Vậy, để trưởng thành nhân bản, người tu sĩ cần được huấn luyện thế nào? "Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền,... thì xin anh em hãy để ý" (Pl 4,8).


3. Trưởng thành trong đời sống thánh hiến của người tu sĩ thừa sai


Người tu sĩ thừa sai phải là người trưởng thành về đời sống thánh hiến. Bởi vì, bản tính của sự trưởng thành đó là sống đời tu một cách sáng suốt đầy đủ và với một thiện chí hoàn toàn.
Người thánh hiến hôm nay được mời gọi đạt tới sự trưởng thành cần thiết, để có sự quân bình chín chắn trong cách suy nghĩ, cách chọn lựa và quyết định, cách phán đoán và hành động, sao cho toát lên vẻ đẹp chứng tá tươi vui và thuyết phục của đời sống thánh hiến. Một trong những biểu hiện làm toát lên sự trưởng thành của người tu sĩ là làm chứng cho sự thật.
Tấm gương của lương tâm sau những bụi mờ của "bệnh gian dối", "bệnh thành tích", sau những năm tháng luồn lách để có thể sống cái thời "lương tâm không bằng lương tháng". Những chuẩn mực đạo đức, bậc thang giá trị, đạo làm người, đạo làm con Chúa xem ra mờ nhạt và chìm lắng dần trước cái chói chang ồn ào của thời kinh tế thị trường. Trong bối cảnh đó, người thánh hiến được mời gọi để đưa ra cái gì là "thật", là "đích thực",là "tinh ròng", "nguyên tuyền", "chính cống", qua những nhân đức tự nhiên như thành thật, công bằng, tôn trọng của chung và của cải người khác, kính trọng nhân phẩm, danh dự, giữ lời hứa, nhân từ, tin tưởng ...7 .
Nói theo ngôn ngữ của tác giả Nguyễn Thái Hợp là phải chống lại năm đứa con hư: "con người tiểu kỉ"8 ngày xưa cùng với hai đứa con hư của thời bao cấp là "thói đạo đức giả" và "vô trách nhiệm", hai đứa con hư của cơ chế thị trường hoang dã là "nóng ruột kiếm tiền" và "cắm đầu hưởng thụ"; đồng thời, phát triển nhũng đứa con ngoan rút tỉa và hấp thụ tinh hoa từ đạo đức truyền thống và tiếp thu, gạn lọc những giá trị của văn minh tiến bộ9 . Hay nói cách khác theo tác giả Nguyễn Ngọc Sơn là
 "xây dựng con người mới, ý thức và tự nguyện sống theo lương tâm ngay chính, vượt qua những quyến rũ của vật chất, đam mê để sống đạo đức [...], có thể vượt qua những tệ nạn như: dối trá, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, phá thai... đang tràn lan trong xã hội hiện thời"10 .Trong đời sống thánh hiến, cần phải có một sự trưởng thành và phát triển toàn diện như: thể lý, tâm lý, tình cảm, trí thức và tình yêu nữa: tình yêu con cái, tình yêu huynh đệ, tình bạn, tình yêu đam mê xác thịt, tình yêu cha mẹ11 .
Sự trưởng thành trong đời tu là sự trưởng thành nhân vị toàn diện, được thể hiện qua các tiêu chuẩn: khả năng yêu thương và đón nhận yêu thương, khả năng can đảm đối diện và đối thoại, khả năng làm việc và cộng tác có trách nhiệm, khả năng tự lập, khả năng lấy Thiên Chúa làm trung tâm.


4. Người thừa sai là người trưởng thành tình cảm12


Tình cảm là một năng lực mãnh liệt có thể giúp chúng ta hăng say làm việc có ích hoặc có thể đẩy chúng ta vào con đường tha hóa. Chúng ta không thể hủy diệt tình cảm của mình. Vì vậy, cần phải rèn luyện tình cảm để khơi dậy sức mạnh nhân bản lớn lao, tức là điều khiển và hướng dẫn tình cảm vươn lên những đối tượng tốt đẹp hơn. Để chế ngự tình cảm và hướng nó đến những đối tượng cao đẹp, thì chúng ta cần tạo cho mình một ý chí mạnh mẽ. Để thành nhân, chúng ta phải biết tiết chế đam mê và hướng dẫn các khuynh hướng bản năng.
Rèn luyện khả năng yêu thương: trong thông điệp Redemptoris Missio, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: "Con người không thể sống mà không có tình yêu". Vì thế, người trưởng thành nhân bản phải là người biết yêu bản thân mình, có trách nhiệm làm cho mình phát triển trọn vẹn cả về thể lý, tâm lý, thiêng liêng. Đó không phải là tình yêu vị kỷ, nhưng chính khi biết yêu bản thân mình, chúng ta biết trao hiến cho người khác, yêu thương và đón nhận họ như mình vậy.
Vì thế, người trưởng thành nhân bản là người biết khám phá và nhận biết chính bản thân mình với những nét độc đáo, riêng biệt. Biết chấp nhận thực tế về bản thân, có cái nhìn đúng đắn về mình, không huênh hoang tự đắc, cũng chẳng giả bộ giả hình. Ngoài ra, người tu sĩ trưởng thành còn phải biết chấp nhận hoàn cảnh, môi trường cuộc sống của cộng đoàn, hội dòng, và anh chị em. Nhờ biết chấp nhận thực tế, họ có thể sống bình an, hạnh phúc. Bên cạnh đó, người tu sĩ thừa sai trưởng thành nhân bản là người sống yêu thương chan hòa với mọi người, có khả năng mở rộng tâm hồn cho mọi người và đón nhận họ một cách thanh thản, không thiên kiến với ai. Trong giao tiếp, họ biết diễn tả hồn nhiên và đúng mức cảm xúc. Họ cũng phải là người có tinh thần trách nhiệm về công việc mình đảm nhận, về cuộc sống cũng như lựa chọn của mình. Ngoài ra, người tu sĩ thừa sai cần rèn luyện để có thể luôn giữ được mức quân bình cần thiết: giữa tâm lý và thể lý, giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa lao động và nghỉ ngơi...Chính điều đó, giúp cho họ giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống, để sống đời tu hạnh phúc hơn.
Khi dấn thân vào công cuộc loan báo Tin Mừng bằng đời sống độc thân, sự trưởng thành về mặt tình cảm là yếu tố cần thiết để hội nhập vào trong các mối quan hệ nhân sinh như tình bạn, tình huynh đệ và các tương quan cần thiết trong việc tông đồ. Nhờ trưởng thành về mặt tình cảm mà trong các phán quyết, cách cư xử, nhà thừa sai luôn hành động theo tiêu chuẩn của lý trí dưới sự soi sáng của đức tin. Có như vậy họ mới tránh được những phản ứng theo tình cảm uỷ mị và dễ có khuynh hướng theo tình cảm cá nhân, mất đi sự sáng suốt và khôn ngoan.
Kết luận:
Như vậy, chúng ta đã cùng nhau lược qua để hiểu được đâu là việc huấn luyện nhân bản, và nguyên nhân tiên quyết trong vấn đề huấn luyện nhân bản đối với tu sĩ thừa sai. Đồng thời chúng ta cũng thấy tính cấp bách của việc đào tạo nhân bản cho tu sĩ trong thời đài ngày nay, nhất là đào tạo để vươn tới sự trưởng thành tình cảm trong khi thi hành sứ mạng của mình...
Mong thay mỗi khi nhà thừa sai loan báo Tin Mừng và những giá trị nhân bản cho con người thì chính họ cũng phải là những người có dồi dào, phong phú những giá trị đó, để họ không bị rơi vào tình trạng cho cái họ không có.


Trích dẫn:


1. Thiên Phúc, nhân bản Kitô giáo, tủ sách giáo dục, tr.9.
2. Gioan Phaolô II. Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 43.
3. Xc. Ban Giáo sư Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc, Linh mục sống đức tin theo gương nhân bản của Chúa Giêsu, truy cập ngày 09-03-2013, trên: http://tonggiaophanhanoi.org/on-thien-trieu/dai-chung-vien/5131-linh-muc-song-duc-tin-theo-guong-nhan-ban-cua-chua-giesu
4. Piô XII, huấn đức cho dòng Cát Minh, ngày 23.9.1951.
5. Xc. Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Optatam Totius, số 11.
6. Xc. Gioan Phaolô II, tông huấn Pastores Dabo Vobis , số 43.
7. Các nhân đức được đề cập đến trong các văn kiện Giáo Hội. X. OP, số 3; GLGHCG, số 1804-1811.
8. "Tiểu kỷ" chính là cái tôi bé nhỏ, cam chịu thân phận hèn mọn, bị động, nhờ ân huệ, vun quén, xà xẻo, khôn khéo lẩn tránh, não trạng khép kín, luồn cúi, khúm núm, an phận, phụ thuộc, manh mún, tiểu xảo, rình được một cơ hội nào đó thuận tiện thì tìm cách xoay xở, vun quén chút ít cho cái tôi nhỏ bé ... X. Trần Đình Hượu, Đến hiện đại từ truyền thống, NXB Văn Hoá, in lần thứ hai, Hà Nội 1996, tr. 390-391.
9. Xc. Nguyễn Thái Hợp, Để họ lớn lên, tr. 15-48; Ly Tâm, «Tiếng nói từ trái tim», trong Lê Nhân Tâm, Giới trẻ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Tp. HCM 2004, 18-26.
10. "Nếu như trước đây, người Việt Nam tin vào Trời - Phật độ trì, vào thiên mệnh của Nho giáo, vào Thiên Chúa của Kitô giáo, vào Ông bà Tổ tiên chứng giám thì giờ đây, những bài học bài bác thái độ duy tâm, đề cao chủ nghĩa duy vật từ 30 năm qua dường như đang có hiệu quả rõ rệt là xoá bỏ niềm tin mang tính tín ngưỡng ấy của người Việt. Nhưng một khi con người đánh mất ý nghĩa của đời sống tinh thần, chối bỏ sự hiện diện của chủ thể luân lý tối cao như là nền tảng cho đạo đức xã hội thì người ta dám làm bất cứ điều gì để chiều theo những tham vọng và dục vọng! Luật pháp không có khả năng khám phá tất cả những hành động bí ẩn của con người bắt nguồn từ trong tâm trí. Vì thế, khi tin vào một chủ thể luân lý tối cao nhìn thấu lòng mình (Trời cao có mắt), con người mới ý thức và tự nguyện sống theo lương tâm ngay chính, vượt qua những quyến rũ của vật chất, đam mê để sống đạo đức. Từ căn bản đạo đức này, người Việt mới có thể vượt qua những tệ nạn như: dối trá, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, phá thai... đang tràn lan trong xã hội hiện thời.", Nguyễn Ngọc Sơn, Cấu trúc văn hoá xã hội của người Việt Nam trong hoạt động xã hội, mục 2.3.4., mạng lưới Dũng Lạc, http://www.dunglac.org/index.php?m= module2&v = detailarticle&id=45&ia=635.
11. Xc. Đinh Đức Đạo, Integral Development according to the Encyclical "Populorum Progressio". An anthropological approach to the problem viewed within a world-wide context, Academia Alfonsiana, Roma 1976, tr. 14-22; Nguyễn Thái Hợp, Để họ lớn lên, Đức tin & Văn hoá -2005, tr. 9, 179-208.
12. Gioan Phaolô II. Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 44.
http://tonggiaophanhanoi.org/on-thien-trieu/tai-lieu-on-goi/5139-huan-luyen-nhan-ban-noi-tu-sy-thua-sai

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

CHÂU ÂU KÝ SỰ (PHẦN 1)Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.


cập nhật: (24/03/2012, 10:07 am)   

Vào những ngày đầu tháng 3, sau khi sắp xếp mọi việc với các anh em trong Ban Đào Tạo và các nơi mình làm mục vụ, chúng tôi đã đáp chuyến bay từ thủ đô Asunción của Paraguay để đi Âu châu tham dự khóa học đào tạo cho các nhà truyền giáo Ngôi Lời đang làm việc ở các nơi trên thế giới. Anh hai lúa như chúng tôi  được nhà Dòng cho đi Âu châu để hội nhập với các anh em Ngôi Lời trên thế giới trong công tác huấn luyện cũng là một niềm vui nhưng cũng là một trách nhiệm lớn cho sứ vụ.

Trên chuyến đi từ phi trường Asuncion của Paraguay đến Brazil, chúng  tôi có gặp 2 nữ tu người Argentina thuộc Tu hội Schoenstatt, một phong trào cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ đang rất phát tiển ở các quốc gia Nam Mỹ. Các Soeurs khá vui vẻ, thân thiện với hết mọi người trong cuộc hành trình và còn tặng nhiều hình ảnh như là một cách truyền giáo. Khi các Soeurs biết chúng tôi là dân truyền giáo Dòng Ngôi Lời, các Soeurs rất thích thú vì từng được các tu sĩ Dòng Ngôi Lời chia sẻ dịp tĩnh tâm ở các cộng đoàn và Tu hội của các Soeurs. Chúng tôi nói chuyện với nhau như những người thân quen dù chỉ mới gặp nhau lần đầu.  Đến phi trường São Paolo của Brazil, chúng tôi phải chia tay nhau mỗi người mỗi hướng vì các Soeurs đáp chuyến bay đi Tây Ban Nha, còn chúng tôi thì đến Đức quốc.


Sau nhiều giờ bay từ phi trường São Paolo- Brazil, chúng tôi đã đến một trong những phi trường hiện đại nhất thế giới của nước Đức, phi trường Frankfurt.

Vì lần đầu tiên đến Ấu châu nên chúng tôi chưa có một tí kinh nghiệm nào nên đã gặp một vài trục trặc tại hải quan. Lâu nay chúng tôi thường nghe nói người Đức khá lạnh lùng và nguyên tắc, và chúng tôi cũng đã kinh nghiệm điều đó khi làm việc với các cha cùng Dòng và những giáo dân người Đức tại Paraguay. Tuy tính cách và vẻ bề ngoài của họ như vậy, nhưng công bằng mà nói chưa có dân tộc nào làm việc từ thiện bác ái qua các tổ chức phi chính phủ một cách quảng đại như nước Đức.  Lí do tôi bị trục trặc giấy tờ mà phần lớn là do chúng tôi khá bất cẩn khi làm Visa ở Paraguay nên những nhân viên hải quan đã làm việc khá nghiêm túc nhưng rất lịch sự khiến không ai có thể bắt lỗi một tí nào. Tôi đành phải ở phi trường để chờ hoàn tất thủ tục trước khi về trụ sở ở Dòng tại học viện Sank Augustin, Đức quốc. Trong khi chờ đợi ở đó tôi quan sát nhiều thứ và thấy được nhiều điều cần học hỏi của một quốc gia công nghiệp và văn minh này. Ngẫm nghĩ lại mà thương cho quốc gia Paraguay nơi mình đang phục vụ và đất mẹ Việt Nam của mình biết đến bao giờ mới theo kịp đà tiến của thế giới hiện đại.

Các nước Tây Âu mùa này đang là cuối đông nên thời tiết vẫn còn se lạnh. Nhiệt độ ở Paraguay khi chúng tôi rời phi trường là 38 độ C, trong khi ở ở Đức thời tiết lúc này là 6 độ C nên cơ thể tôi chưa thích ứng ngay được.

Vì có liên lạc trước với một anh em linh mục Việt Nam cùng Dòng đang làm việc ở Netherlands nên người anh em này có sắp xếp cho chúng tôi dâng lễ ở một cộng đoàn nhỏ vào ngày cuối tuần. Lâu rồi được dâng thánh lễ và chia sẻ bằng tiếng mẹ đẻ cảm thấy sung sướng vô cùng. Đặc biệt hơn là sau thánh lễ chúng tôi còn được thưởng thức những món ăn thuần Việt của những người Việt xa xứ, được nói chuyện hài hước và được chia sẻ những chuyện vui buồn của nhau. Cũng có hai tu sĩ trẻ người Việt cùng Dòng đang tu học năm cuối tại học viện Sank Augustin hướng dẫn chúng tôi thăm đây đó để biết thêm những cảnh đẹp của Tây âu. Trong bữa ăn trưa tại học viện nổi tiếng Sank Augustin của tỉnh Dòng SVD Đức quốc, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều tu sĩ linh mục của các Dòng từ các nước đến trọ học, mọi người đều trò chuyện vui vẻ với nhau và chúc mừng nhau khi biết có một số khách từ xa đến. May mà mình biết trọ trẹ vài ngôn ngữ đế tiếp xúc nên không cảm thấy bị lạc lõng giữa chốn đông người.


Trước chuyến đi chúng tôi tự hỏi mình là đi Âu châu để xem gì đây. Tôi cũng lập lại câu hỏi đó với anh em linh mục từng học ở Đức thì ngài trả lời tôi rằng nếu đi Âu châu mà không thăm viếng các thánh đường là một thiếu xót lớn vì đây là cái nôi của các thánh đường cổ kính được xây dựng khá công phu từ nhiều thế kỷ qua. Thực tình thì cựu lục địa này đã từng có biết bao vị thánh sáng lập các Dòng tu lớn trong Giáo Hội và từng gởi các nhà truyền giáo đến các nước Á châu, Mỹ châu, Phi châu và Úc châu để rao giảng Lời Chúa và từng giúp nhân lực, tài lực cho các nước chậm phát triển. Nhìn thấy những tu viện, những thánh đường được xây dựng từ nhiều thế kỷ qua mà đến nay vẫn còn kiên cố vẫn còn hiện đại và mang nét huyền bí khiến cho Âu châu trở thành một trung tâm hành hương đầy thú vị. Ngày xưa những tu viện ấy, những thánh đường đó đầy ấp những tu sĩ, những tín hữu, thế mà nay chỉ còn lát đát những vị tu sĩ về hưu lớn tuổi trở về từ những vùng truyền giáo sinh sống, những giáo dân già nua tham dự thánh lễ. Thậm chí có những tu viện hay thánh đường giờ đây chỉ giành làm viện bảo tàng hay cho thuê vì không còn người để bảo quản nữa. Nhìn thấy điều đó mà xót xa cho Giáo Hội khi mà có những nơi dồi dào ơn gọi mà lại phải sống chui rút, khốn khổ trong khi nơi khác thì đầy đủ tiện nghi, thừa tự do mà lại vắng bóng ơn gọi.

Đời sống vật chất cũng như tinh thần ở Âu châu thì khỏi phải nói vì đây là một quốc gia tự do và là một thế giới tiêu thụ với phương châm là “ăn ngon, mặc đẹp” chứ không còn là “ăn no, mặc ấm nữa”. Lúc ở phi trường Frankfurt, tôi có mua một chai nước uống mà giá tới 5 Euro (tương đương với 150.000 đồng Việt Nam hay khoảng 30 ngàn Guaranies của Paraguay). Với số tiền 5 Euro, chúng tôi có thể sống hai ngày ở Paraguay. Vậy mà ở Âu châu này, số tiền 5 Euro đó chỉ bằng một chai nước suối thì cũng thấy đời sống của họ cao gấp nhiêu lần các nước chậm phát triển. Chính vì thế người dân ở đây rất coi trọng đến phẩm giá và mạng sống con người. Đối với họ, sự chết là một điều gì đó khó chấp nhận và nếu một người nào chết thì được an táng cẩn thận và nghĩa trang của họ cũng giống như một thành phố xinh đẹp.

          
Như đã chia sẻ, khóa học mà chúng tôi tham dự là khóa tu nghiệp giành cho những nhà đạo tạo của Dòng Truyền giáo Ngôi Lời đang làm việc trên thế giới. Chính vì thế, có rất nhiều tham dự viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Slovakia, Indonesia, Ba-lan, Brazil, Philippines, Ấn Độ, Zambia, Congo, Trung quốc, …. Việt Nam cũng có 6 thành viên linh mục tham dự nhưng đang làm việc ở các nước khác nhau (3 đang làm việc tại Việt Nam, 1 đang làm việc ở Chicago-Hoa Kì, 1 đang làm việc tại Đài Loan và 1 đang làm việc tại Paraguay). Mỗi tham dự viên ít nhất phải biết 2 ngôn ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ. Khóa học sử dụng tiếng Anh là chính và đội ngũ giảng viên cũng đến từ nhiều quốc gia khác nhau nên thật là lí thú.

Chương trình khóa học khá nặng từ thứ Hai đến thứ Sáu, một số ngày thứ Bảy chúng tôi cũng có thời khóa biểu rất nghiêm túc. Có những buổi chia sẻ nhóm nhỏ hay nhóm lớn và mỗi người đều phải phát biểu. Chúng tôi nhận thấy các anh em linh mục người Ấn Độ, Philippnes và Indonesia cũng là châu Á với mình nhưng họ rất tự tin dù tiếng Anh của họ đâu có ngon lành gì. Người Việt Nam của mình có tình nhút nhát, rụt rè và cứ mong muốn mọi điều đều hoàn hảo nên trên lĩnh vực quốc tế mình cứ thua người ta. Học ngoại ngữ mà cứ yêu cầu phải nói giống như người bản xứ thì biết đến bao giờ mới nói được. Cứ tưởng tượng xem mình đòi hỏi một người nước ngoài nói tiếng Việt như người Việt hoặc ngược lại thì có nên lắm không. Vậy tại sao mình cứ muốn là người hoàn hảo cả trong ngôn ngữ! Ngôn ngữ chẳng qua chỉ là để diễn tả điều mình muốn nói để người khác hiểu, nếu trong cuộc nói chuyện mà mọi người cùng hiểu 100% là điều lí tưởng, còn không thì chỉ cần hiểu được người bên kia nói gì cũng đủ để cảm thông nhau. Chúng tôi không muốn biện minh cho những người không thông thạo ngôn ngữ nhưng chỉ muốn nói rằng trong cuộc đàm thoại, yếu tố tự tin luôn giúp chúng ta thắng được mình.


Trong những tuần lễ đầu của khóa học, chúng tôi trọ tại Trụ Sở truyền giáo đầu tiên của Dòng, còn gọi là Nhà Mẹ- nơi mà Đấng Sáng Lập- thánh Arnold Janssen đã thành lập cách đây 137 năm. Trụ sở ấy ở Steyl bên Hà Lan, giáp với biên giới nước Đức. Sau những giờ học, chúng tôi lần lượt ghé thăm và sống lại những nơi mà Đấng Sáng Lập và những vị đồng sáng lập đã sinh ra, đã từng sống và nhất là những giây phút cuối đời của các ngài để hiểu thêm về linh đạo và đường hướng của Dòng. Trước đây chúng tôi chỉ được biết các ngài qua hình ảnh, qua những buổi thuyết trình hay chỉ nghe kể lại từ xa. Trong khóa học này chúng tôi được xem tận nơi, thấy tận mắt những gì ngài đã từng làm. Chúng tôi được đụng chạm những kỉ vật của các ngài, được gặp những người thân của các ngài kể lại những bút tích sống động khiến trong lòng thấy phấn chấn thêm. Chúng tôi cùng nhau hội thảo, chia sẻ những về văn hóa, phong tục tập quán của quốc gia mà mình sinh ra cũng như các quốc gia mà chúng tôi đang thi hành sứ vụ. Chúng tôi cũng đào sâu linh đạo và di sản tinh thần mà các vị sáng lập đã để lại. Chúng tôi cũng có những buổi tối ngồi bên nhau với những bữa ăn A-ga-pê để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong sứ vụ truyền giáo dù chúng tôi thuộc những quốc gia, ngôn ngữ và màu da khác nhau. Những buổi chia sẻ ấy nối kết chúng tôi xích lại gần nhau hơn dù chúng tôi khác nhau về mọi phương diện, nhưng có chung một tấm lòng và một sứ mạng là đem Chúa đến cho những ai chưa nhận ra Ngài.

Có một anh em linh mục Việt Nam cùng Dòng đã từng phục vụ nhiều năm ở Đức và gần 5 năm nay chuyển qua Hà Lan làm việc về mục vụ ơn gọi. Anh em này đã đưa chúng tôi đi thăm nhiều nơi du lịch ở quốc gia được mệnh danh là cấp tiến về dân chủ và nhân quyền này. Vì là thổ địa của 2 quốc gia Đức và Hà Lan nên không nơi nào nổi tiếng và … cả tai tiếng nữa ngài đều chỉ cho biết. Ngài cũng đưa chúng tôi đến thăm một số gia đình Việt Nam thân quen và được gặp gỡ cha quản nhiệm cộng đồng Công giáo Việt Nam tại nước này để hàn huyên tâm sự. Nhìn thấy cha quản nhiệm hơi gầy còm nhưng phải chăm lo tất cả các cộng đoàn Việt Nam tại Hà Lan mà thương cho ngài. Lâu nay chúng tôi nghĩ chỉ có các nước Nam Mỹ mới thiếu linh mục, nhưng khi nghe cha quản nhiệm chia sẻ là có những Chúa Nhật hay các lễ trọng, ngài phải dâng 3 thánh lễ ở các nơi rất xa nhau và khi về đến nhà là nằm luôn. Đất mẹ Việt Nam mình còn đồi dào ơn gọi và nếu các đấng bề trên có một tầm nhìn xa thì nên chia sẻ cho các quốc gia mà trước đây cũng như bây giờ họ đã từng chia sẻ cho chúng ta về vật chất cũng như tinh thần.

Chúng tôi có một nhận xét không biết có quá lắm không là người Việt mình, nhất là người công giáo, dù sống ở đâu cũng còn giữ được nề nếp đạo nghĩa rất tốt là biết họp nhau lại để đọc kinh nguyện, nâng đỡ ơn gọi và nhất là quí mến các linh mục. Khi chúng tôi đến thăm những gia đình Việt Nam, họ tiếp đãi rất tốt, nấu những món ăn thật ngon cho chúng tôi ăn vì nghĩ rằng anh em truyền giáo chúng tôi thiếu thốn từ lâu. Lâu ngày những người Việt xa xứ gặp nhau nên nói chuyện thiên thu bất tận. Trong dịp này một số người Việt cũng có cơ hội trút bầu tâm sự qua bí tích cáo giải vì từ lâu rồi họ ngại ngùng.

Khóa học ở Hà Lan sẽ kết thúc vào cuối tháng này và sau đó chúng tôi sẽ chuyển qua Rô-ma cho giai đoạn II. Chương trình khóa học khá nặng nhưng rất lí thu vì chúng tôi tiếp thu được nhiều điều mới lạ cho công việc đào tạo của chúng tôi. Tuần tới là bắt đầu bước vào Tuần Thánh, tưởng niệm cuộc khổ nạn và Phục sinh của Chúa, chúng tôi sẽ có những ngày tĩnh tâm tại tại Kinh Đô của Giáo Hội và sẽ tham dự thánh lễ Phục sinh tại Đền Thánh Phê-rô. Xin cầu chúc mọi người bước vào Tuần Thánh sốt sắng để cùng nhau nói lên lời Hoan Ca Phục Sinh Alleluia-Alleluia-Alleluia. Happy Easter.         

Netherlands, 23-3-2012
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Lời Nguyện Mỗi Ngày Của Một Tu Sĩ


Lời nguyện mỗi ngày của 1 tu sĩ
Lạy Chúa, để tình yêu Chúa được muôn người biết tới, xin Chúa thương ban cho con hồng ân này là: Biết ân hận hối tiếc vì đã nói hoặc làm cho người khác phải đau buồn cách nào đó; Và biết vui mừng vì đã giúp anh em bớt khổ đau và buồn phiền.

Xin ban cho con tính mềm dẻo, để con ý thức được mình yếu đuối, cần được người khác giúp đỡ hơn là chính con gây phiền hà, hoặc có thái độ khinh khi người khác.

Xin ban cho con tính ngay thẳng, biết tôn trọng chân lý, để không bao giờ con hiểu theo nghĩa xấu, điều mà có ai đó đã làm phiền lòng con.

Xin ban cho con tính đơn sơ để có thể giúp người khác dễ sống bên con và con không trở nên gánh nặng cho những ai đang sống gần con.

Xin ban cho con một tấm lòng hăng hái vui tươi, để con luôn cởi mở đối với những ai ghét bỏ, ghen tỵ, phân bì với con.

Xin ban cho con một tấm lòng khiêm tốn, để con không trở nên cứng cỏi, bất chấp những lời chỉ dạy, những lời phê bình, những lời kết án khắt khe từ mọi phía.

Xin ban cho con một tấm lòng quảng đại, để con biết chịu đựng và đón nhận những ai có óc hẹp hòi cố chấp, ích kỷ đến độ không ai chịu nổi.

Xin ban cho con một ý chí vững vàng, để con mãi kiên tâm, dầu có phải mệt mỏi, dầu có gặp phải thái độ vô ơn, nhất là đối với những người con đã tận tình giúp đỡ.

Xin ban cho con một tấm lòng quả cảm, chịu đựng anh em con một cách lâu bền, để giúp họ được Bình An Hạnh Phúc, dầu cho họ còn yếu đuối đầy khuyết điểm.

Xin ban cho con ơn sống chứng tá cho Chúa ở khắp mọi nơi và vào mọi lúc, để chung quanh con không một ai phải chán nản, phải ngã lòng do lỗi con đã gây ra.

Xin ban cho con biết dè dặt, đừng vội phê phán khi không có thẩm quyền, khi chưa có đủ bằng chứng; và nếu có phải phê phán, thì phải thận trọng cân nhắc từng lời, và nghiêng về sự khoan hậu nhân từ.

Xin ban cho con ơn sáng suốt, đừng dễ tin vào điều xấu mà người ta đã nói về kẻ vắng mặt; và nhất là cương quyết không kể lại cho ai những điều xấu đã lọt vào tai con.

Xin ban cho con một Đức Tin nhạy cảm, để có thể khám phá ra ngay rằng Đức Giê-su đang ẩn mình trong ai đó trước mặt con, sau lưng con, bên cạnh con, để con biết chín chắn trong lời nói, trong cử chỉ và tâm tình.

Sau hết, trong mọi sự, với mọi người, xin Chúa dạy con biết lắng nghe, biết nhạy cảm phán đoán theo ý tốt cho người khác và sẵn sàng tha thứ bỏ qua những lỗi lầm của họ với con, chỉ bởi vì Chúa cũng luôn đối xử với con như thế, và còn hơn cả thế nữa.

Lạy Chúa, từ sáng tinh sương cho đến lúc đêm khuya, xin thương tỏ ra: Chúa là Chúa của tình yêu thương mà nhận lời của một đứa con đang tha thiết nài van, và ban cho con những ơn con vừa xin.

Con xin tạ ơn Chúa muôn đời... Amen.
(st)

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Con người có thể tiếp xúc với ma quỷ được không?



(Hình minh họa)
Câu hỏi: Cha nghĩ sao về hiện tượng “Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã tiếp xúc với các hồn người chết và tìm được thông tin của trên 10.000 ngôi mộ vô danh tại chiến trường Điện Biên Phủ và Tây Nguyên? Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người đã phát hành cuốn băng “Lần bước vào thế giới huyền bí” cũng nói về hiện tượng này.
Giáo lý Hội Thánh Công giáo nói gì về hiện tượng này?
(Phạm Thị Quỳnh Anh, Buôn Ma Thuột).
————————————-
TRẢ LỜI:
1. Hiện tượng có thật
Trước hết, hiện tượng tiếp xúc với hồn người chết (ma) là một hiện tượng có thật đang xảy ra ở đất nước chúng ta, dù rằng đối với một số người không tin vào sự hiện diện của hồn ma, đã cho hiện tượng này là do mê tín, không có thật.
Bà Phan Thị Bích Hằng không phải là người duy nhất có khả năng này. Việt Nam hiện có hàng chục nhà ngoại cảm cao cấp như: các ông Nguyễn Văn Liên, Đỗ Bá Hiệp, Nguyễn Văn Nhã, các bà Nguyễn Thị Nguyện, Vũ Thị Minh Nghĩa… đã tìm được trên 1.000 thông tin về mộ liệt sĩ thất lạc và đã được tặng thưởng Gương Huyền Thông cũng như được xã hội công nhận. Bạn có thể tìm trên website: www.nhantimdongdoi.org; www.uia.edu.vn
Nếu bạn tìm thêm tài liệu ở Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người, Bộ môn Cận Tâm lý do Thiếu tướng, PTS Nguyễn Chu Phác làm trưởng bộ môn, sẽ thấy rất nhiều những bài viết về khả năng đặc biệt của cô Nguyễn Thị Phương ở Hàm Rồng, Thanh Hoá. Cô đã giúp cho rất nhiều người tiếp xúc với người thân của mình đã khuất, trong số đó có Phó giáo sư, Phó tiến sĩ Trần Khiêm Thẩm, PTS. Ngô Kiều Oanh, Trung tướng Nguyễn Hùng Phong, Nhạc sĩ Trịnh Hưng, Kiến trúc sư Dương Xuân Tẩn…
Bà Phan Thị Bích Hằng trong nhiều cuốn băng, đặc biệt là cuốn băng Ánh sáng Phật Pháp kỳ 5, ghi lại bài chia sẻ của Bà cho 5.000 Phật tử tại Chùa Hoàng Pháp, ngày 25-3-2007, đã cho chúng ta biết khả năng tiếp xúc với các hồn người chết. Bà như nhìn thấu qua không gian vật chất để thấy những người đã khuất đang hiện diện bên những người sống và chia sẻ những buồn vui của cuộc sống cũng như những yêu cầu với người thân của mình.
Người Công giáo chúng ta trân trọng khả năng đặc biệt của những nhà ngoại cảm để thấy đó cũng là một ân sủng Chúa ban, giúp chúng ta gắn bó với những người đã khuất trong Mầu nhiệm các Thánh cùng Thông công.
2. Giáo huấn Giáo Hội nói gì về hiện tượng này?
Trước hết chúng ta nên phân biệt ma với quỷ. Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học, ma là người đã chết còn quỷ là con vật tưởng tượng dưới âm phủ, hình thù kỳ dị và dữ tợn hiện lên quấy nhiễu và làm hại người. Giáo lý Phật giáo giải thích “ma” (Màra, Ma-la): chỉ lũ ác quỷ làm hại con người, gây nhiễu loạn (x. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tự điển Phật học Hán Việt, Hà Nội 1992) và “quỷ” là linh hồn người thác, âm hồn ác độc thường phá hoại người sống (x. Đoàn Trung Côn, Phật học Tự điển, quyển 2, NXB TP.HCM, 1992).
Theo niềm tin Kitô giáo, “ma” có thể hiểu là linh hồn người đã khuất, còn “quỷ” là những thiên thần sa ngã cắt đứt hoàn toàn sự hiệp thông với Thiên Chúa (x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 391,392,414 và 2851). Tuy nhiên, chúng ta hay nói ma quỷ như một tập thể những linh hồn ác đức mà không phân biệt. Thí dụ: như bí tích Rửa tội là sự từ bỏ ma quỷ (x. SĐD, số 1237, các công việc của ma quỷ, (x. SĐD, số 394395,398,2851,2852), Chúa ban cho các tông đồ quyền xua đuổi ma quỷ (x. SĐD, số 1506)…
Chúng ta nên phân biệt “ma” khác “quỷ” dù cùng là những tinh thần như nhau, nhưng ma là tinh thần của người đã khuất sau khi thân xác tan rã còn quỷ là tinh thần thuần tuý, không có thể xác.
Vì con người chúng ta có thể xác và tinh thần nên tinh thần của chúng ta có thể gặp gỡ được những tinh thần khác. Sách Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội Công giáo đã xác định điều này ở số 130: “Mở ra với siêu việt là một đặc tính của con người: con người mở ra với Đấng vô biên, cũng như với mọi thụ tạo”.
Sách Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo hội Công giáo giải thích thêm cho chúng ta rằng tinh thần con người có thể gặp gỡ được Đấng vô biên là Thiên Chúa, Ngài là tinh thần tuyệt đối. Ngoài ra, con người có thể gặp được tinh thần thuần tuý khác như các thiên thần và tổng lãnh thiên thần là những Đấng gìn giữ, bảo vệ, hướng dẫn cũng như gặp ác quỷ là các thiên thần sa ngã chỉ muốn làm hại, cám dỗ con người.
Thêm vào đó, con người có thể gặp các hồn ma là những tinh thần không còn thể xác. Hồn ma có nhiều loại: Trước hết, là hồn của thánh nhân, những người tốt lành, đang hưởng hạnh phúc trọn vẹn với Chúa, họ cũng muốn giúp đỡ chuyển cầu cho con người. Tiếp đến là hồn của những người đang được thanh luyện, có thể được Chúa cho phép tiếp xúc với con người để giúp con người thăng tiến đồng thời cũng giúp họ được thanh tẩy để sớm hưởng trọn vẹn hạnh phúc với Chúa. Cuối cùng có những hồn của người ác đã cắt đứt sự hiệp thông với Chúa nên theo quỷ dữ để làm hại, ám ảnh con người.
Vì thế, không thể đánh đồng mọi loại ma vì có ma tốt ma xấu, ma lành ma ác. Nếu giải thích từ Hy Lạp Dia-bolos mà các nhà ngôn ngữ dịch thành từ “ma quỷ” ta phải hiểu đây là “kẻ phá ngang” kế hoạch của Thiên Chúa và công trình cứu độ của Ngài được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô (x. SĐD, số 2851).
Trong Kinh Thánh Cựu ước cũng như Tân ước chúng ta thấy Chúa đã cho con người được tiếp xúc với chính Ngài, với các thiên thần, các hồn thiêng ma cũng như quỷ cũng như Đức Giêsu đã ban quyền cho các tông đồ để trừ quỷ và giúp các linh hồn người chết được giải thoát.
Hiện tượng tiếp xúc với những người chết của Bà Phan Thị Bích Hằng và nhiều nhà ngoại cảm khác chỉ muốn nhắc nhở người tín hữu chúng ta về sự hiện diện của các thần-thánh và sứ mạng cứu độ của con người trong Mầu nhiệm Hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

uybanvacongly.org

30. Cầu nguyện
Một người hỏi Mẹ Têrêsa:
- Khi phải nói, Mẹ đã chuẩn bị thế nào?
- Mẹ nói:Tôi lấy ngón tay vẽ hình thánh giá trên môi, tôi đứng lên, nhìn thẳng về phía khán giả,  rồi tôi nói. Trong 4 chục năm, Mẹ đã nói trong nhiều dịp, trong nhiều nơi trên thế giới, với nhiều lớp người, thuộc nhiều tôn giáo. Mẹ nói cách cụ thể, nhắm thẳng vào hoàn cảnh sống của những người nghe. Mẹ không dùng giấy tờ gì cả, đôi khi Mẹ kể một vài câu chuyện Mẹ đã gặp, đã kinh nghiệm, vắn thôi, không quá dài...
Nhiều lần, Mẹ Têrêsa cho nhét vào các lá thư của Mẹ một tấm thiệp nhỏ viết như sau:
"Không cầu nguyện thì không có đức tin,
Không có đức tin thì không có tình mến,
Không có tình mến thì không có phục vụ,
Không có phục vụ thì không có niềm vui, không có bình an."
Đó là 4 bước căn bản: Cầu nguyện-Đức Tin-Tình mến-Phục vụ. Kết quả là niềm vui nội tâm và hòa bình trong xã hội. Để đạt được kết quả này, điều kiện tiên quyết là: Cầu nguyện đòi thinh lặng bên trong và bên ngoài. Thinh lặng con mắt, thinh lặng lỗ tai, thinh lặng tâm trí, thinh lặng tưởng tượng. Người ta phải tự tập trung, mở lòng cho sự soi sáng của Chúa. Thinh lặng bên ngoài từ những ồn ào của thành thị, đòi người ta tìm một góc thinh lặng trong căn phòng hay trong công viên.
Thiên Chúa nói trong thinh lặng của tâm hồn. Nếu bạn đối diện với Chúa trong thinh lặng và cầu nguyện, Thiên Chúa sẽ nói với bạn". Để thực hành sự thinh lặng bên trong thực sự, cần theo các bước sau:
Thinh lặng của mắt : bằng cách tìm kiếm vẻ đẹp và sự tốt lành của Thiên Chúa ở mọi nơi; và đóng lại trước những sai lỗi của người khác, trước những tội lỗi và tất cả những gì có thể gây rối loạn cho tâm hồn.
Thinh lặng của tai : bằng cách lắng nghe tiếng nói của Chúa, tiếng kêu than thống thiết của người nghèo, người túng quẫn; và đóng lại trước những lời nói thiếu bác ái, nói chuyện không tốt của người khác.
Thinh lặng nơi lưỡi :bằng cách luôn ca ngợi Chúa và nói những lời mang lại sự sống của Người; kiềm chế hãm lại những sự tự vệ và tất cả những lời nói gây ra sự tối tăm, rối loạn, đau khổ và chết chóc.
Thinh lặng trong trí: bằng cách mở ra trước sự thật và sự hiểu biết về Chúa trong sự cầu nguyện và chiêm niệm; và đóng lại trước những sự giả dối, điên cuồng, những ý nghĩ phá đổ, phán đoán bừa bãi, những hoài nghi sai lầm về người khác và những ý nghĩ cùng ước muốn trả thù.
Thinh lặng trong trái tim: bằng cách yêu mến Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn và hết sức lực, và yêu thương tha nhân như Chúa yêu thương họ; tránh tất cả những sự ích kỷ, hận thù, tham vọng, ghen ghét và tham lam”.

"Nơi công cộng, Mẹ không ngừng lặp lại lời mời dân chúng cầu nguyện. Một lần họp với các quốc trưởng và nhiều nhà thủ lãnh, Mẹ được mời cầu nguyện mở đầu. Hai lần quan trọng khác, tại Oslo khi Mẹ nhận tới nhận giải thưởng Nobel, và tại Nữu Ước, tại phòng họp của Liên Hiệp quốc, dịp kỷ niệm 40 năm thành lập. Mẹ mở đầu việc cầu nguyện bằng lặp lại lời kinh hòa bình của Thánh Phanxicô Khó nghèo. Bạn hữu của Mẹ phân phát tờ giấy in lời kinh như đã chuẩn bị trước.
"Mẹ cổ võ gia đình cầu nguyện như là phương cách để giữ gia đình hợp nhất và hạnh phúc. Mẹ thường nhắc lại câu nói của linh mục Peyton: "Gia đình cầu nguyện, gia đình liên kết". Mẹ coi lời này như của Mẹ và đi đâu Mẹ cũng nhắc nhớ cho các gia đình.
Lm. Đoàn Quang, CMC