Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Người Con Hoang Đàng

Cách đây ít lâu, trong khi viết bài bình luận về câu nói của Karl Mark: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, tôi đã đọc lại tiểu sử của Mark và có cảm giác rằng, ông cũng rất giống Darwin khi có cùng tư tưởng oán hận Thiên Chúa!

Phải chăng vì oán hận Ngài mà mà ông đã rời bỏ đời sống tôn giáo và cuối cùng là chống đối và muốn tiêu diệt tôn giáo (cụ thể là Thiên Chúa giáo) như là một hình thức báo thù?! Phải chăng, vì ông đã không thể chấp nhận được tư tưởng về một Thiên Chúa Toàn Năng và đầy lòng thương xót sao lại để ông rơi vào hoàn cảnh bi đát và lắm đau khổ như vậy? (3 đứa con bị chết yểu, và phải sống trong cảnh nghèo túng và liên tục bị trục xuất khỏi nơi cư trú …)

Nhìn lại mình, tôi phát hiện chính mình cũng đã từng có tư tưởng đó, không chỉ một lần mà thậm chí nhiều lần nữa là khác, nhất là những khi gặp thất bại, đau khổ trong cuộc sống!

Tôi cũng đã từng chứng kiến một số Kitô hữu bỏ đạo, đem tượng ảnh Chúa, Mẹ ra ‘tra tấn”, chửi bới, và đập bỏ vì lý do: “Tại sao Chúa, Mẹ lại để tôi phải chịu đau khổ như vậy?!” ….

Một thái độ tế nhị và nhẹ nhàng hơn ở nhiều người khác là bỏ lễ, bỏ kinh và tạm gọi là “nghỉ chơi với Chúa!”

Oái oăm thay, hầu hết trong số đó là những người đã từng cho rằng mình đã rất yêu mến và tin tưởng vào Chúa! Chính vì vậy, khi những lời cầu xin của họ không được đáp trả, thì tình yêu biến thánh thù hận và oán trách! Có vẻ như câu nói “yêu nhau lắm, cắn nhau đau” diễn tả rất đúng?!

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, khi nghe một số bạn bè trên fb chia sẻ về những khó khăn đau khổ trong cuộc sống và xin tôi hiệp ý cầu nguyện, tôi bỗng cảm thấy… lo lo! 

Vâng, tôi thật sự lo. Tôi lo rằng, liệu nếu những đau khổ, bất hạnh của họ không được giải quyết theo hướng tích cực, theo ý họ muốn, liệu rằng họ có còn giữ vững được đức tin hay sẽ lại có thái độ thay đổi 180o và trở nên oán trách, hận thù Thiên Chúa?! Tôi sợ họ cũng như tôi đã từng coi Chúa như một “ông thần đèn” trong truyện cổ Hy Lạp để yêu sách, đòi hỏi phải đáp ứng những yêu cầu của kẻ sở hữu cây đèn thần!

Đang khi lo lắng như vậy, thì ba hôm nay, tôi có cảm giác như bị thúc giục phải viết về đề tài này và tôi đã định đặt tựa đề bài viết là “ý muốn báo thù Thiên Chúa!”. 

Thế nhưng, đang khi tôi suy nghĩ và chuẩn bị viết, thì tối nay (09/02/2012 lúc 18h00), thật kỳ lạ! trên đài Chân lý Á Châu đã đọc bài chia sẻ của cố giáo sư Phanxicô Trần Duy Nhiên với nhan đề: “Tôi, đứa con hoang đàng” nhân dịp tưởng niệm 3 năm ngày qua đời của ông – 08/02/2009-08/02/2012

Nội dung bài chia sẽ có những phần rất giống những điều tôi cảm nghĩ và đang thao thức muốn viêt để chia sẻ với bạn bè trên facebook. Phải chăng giáo sư Phanxicô Trần Duy Nhiên muốn giúp tôi cộng tác với ông chia sẻ với các bạn những điều ông đã cảm nghiệm để cùng giúp nhau củng cố đức tin, gia tăng lòng yêu mến Chúa, và cũng là để muốn chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho ông nhân dịp 3 năm ngày giỗ của ông?

Nghĩ thế, nên sau giờ kinh thần vụ tối, tôi về phòng lúc 20h00 và bắt tay lên mạng download bản tin ngày 9/2/2012 bằng file định dạng mp3 từ website của Đài Chân Lý Á Châu, nghe lại và đánh máy ra đây để cùng chia sẻ với các bạn

Ước mong các bạn có thể có những cảm nghiệm sâu sắc về tình yêu Thiên Chúa, cảm nhận sự đồng hành của Người Con Chí Ái của Ngài với chúng ta qua mọi biến cố đau thương, bất hạnh trong cuộc sống.

Xin các bạn cũng dâng một việc làm hy sinh và lời cầu nguyện cho linh hồn ông sớm được an nghỉ trong vòng tay yêu thương của Chúa trên Thiên Quốc

Dưới đây là nguyên văn bài chia sẻ của ông được phát trên bản tin lúc 18 h00 chiều nay.

“Thưa các bạn, hôm qua mùng 8 tháng 2 là ngày tưởng niệm vừa tròn 3 năm anh Phanxicô Trần Duy Nhiên qua đời. Để kỷ niệm biến cố này, mục “Một Góc Nhìn” hôm nay, mời quý vị và các bạn chia sẻ cái nhìn của chính anh Phanxicô Trần Duy Nhiên về con người của mình, trong bài viết của chính anh: Tôi, người con hoang đàng. 

Anh đã tâm sự về chính cuộc đời mình như sau:

Tôi bước vào đời với một giấy khai sinh bằng tiếng Pháp, trong đó có ghi: con của cha mẹ vô danh”. Lần đầu tiên tôi biết được họ tên mình đúng như được ghi trong khai sinh là khi tôi đọc danh sách học sinh thi vào trung học. Trước đó, người ta gọi tên tôi là A-ki. Đến bây giờ tôi cũng không biết vì sao người ta gọi tôi với cái tên đó. Phải chăng vì vào thời ấy, người ta có thói quen đặt tên chó là Ki, hay vì không biết tôi xuất xứ từ đâu nên gọi là A-ki. 

Tôi lớn lên trong vòng tay của các nữ tử Bác Ái và các cha thừa sai dòng thánh Vinh Sơn Phaolô. Các cha mẹ nuôi của chúng tôi yêu thương những trẻ mồ côi với một tình thương vô vị lợi, đến độ tôi thấy mình hụt hẫng. Bởi lẽ, suốt tuổi thơ, chúng tôi không nhận được một tình thương bình thường nào như bao nhiêu bạn bè cùng lớp, cùng trường. 

Thế nên, khi tôi 17 tuổi, tôi đã bắt đầu nổi loạn, và làm tất cả mọi sự đi ngược lại với tất cả mong ước của các vị ấy. Hết trung học, tôi đi vào cuộc đời trong tình trạng “tứ cố vô thân”. Tôi thi vào đại học sư phạm pháp văn, vì đó là nơi tôi trốn lính, được hưởng học bổng mà lại khỏi phải học hành gì cả, vì tôi vốn là một học sinh thường đứng nhất lớp về môn pháp văn khi còn ở một trường công lập Pháp ở Đà Lạt. 

Tóm lại, từ năm 18 tuổi, tôi không thấy được những ân huệ mình đã nhận được, mà chỉ oán trách cuộc đời, vì mình luôn ở vị thế thua thiệt so với những người xung quanh. Tình yêu thương của Thiên Chúa mà các cha mẹ nuôi tôi đã dạy, bỗng trở nên một lưỡi đòng đâm vào tự ái của tôi và là một cái cớ để tôi chống lại Người. Tôi không thể chấp nhận một người Cha Toàn Năng và Yêu Thương Vô Cùng lại đối xử một cách bất công như thế, và tôi OÁN HẬN Người!

Tôi ngang nhiên lăn vào cuộc sống tội lỗi, một phần vì buồn chán, và một phần như một THÁCH THỨC Thiên Chúa. Có lẽ các bạn không cần tôi phải kể lại những tội tôi đã phạm. Các bạn chỉ cần biết rằng, trong 10 giới răn, tôi không chừa một giới răn nào, may ra là điều răn thứ 5 – chớ giết người! Mà tôi cũng không chắc nữa, có thể tôi cũng vô tình giết chết một mạng sống mà tôi từng đặt vào lòng một cô gái nào đó từng liên hệ với tôi. Càng lao vào tội lỗi, tôi càng thấy mình kiệt quệ, vừa thể xác, vừa tinh thần, rồi đối diện với một lỗ trống ghê rợn! 

Để lấp đầy nỗi ám ảnh khủng khiếp này, tôi cần có một người bên cạnh. Tôi lập gia đình như một hành động chạy trốn, đang khi học năm cuối cùng đại học. Trong 7 cô gái tôi cùng liên hệ một lúc, tôi chọn cho mình người mà tôi mới quen được 2 tháng. Cô ấy là Thanh Niên Gia đình Phật Tử, từng đi biểu tình chống ông Diệm đàn áp Phật Giáo. Tôi kết hôn mà không thắc mắc gì đến bí tích hôn nhân. Tôi đã tự tách mình ra bên lề Giáo Hội từ lâu rồi. 

Cuộc hôn nhân ấy đưa tôi vào một đêm đen khác, thay vì tìm được một lối thoát, tôi thấy mình vào một ngục tù ngộp thở hơn! Vì lớn lên bên cạnh những người quá vô vị lợi, nên tôi trở thành một người chỉ biết đòi hỏi mà không bao giờ biết đến hy sinh. 

Vợ tôi có mang, tôi trả cô về với gia đình cô ấy lo mọi sự. Tôi không hề áy náy, và cũng chẳng thấy trách nhiệm gì! Rồi tôi ra trường và chọn về Cần Thơ trong khi vợ tôi vẫn còn ở Đà Lạt. Thỉnh thoảng cô xuống với tôi vài tháng, tôi chẳng biết thế nào là hạnh phúc, chỉ thấy toàn là phiền hà. Nhưng tôi quá mệt mỏi, nên tôi cũng chẳng nghĩ gì đến chuyện ly dị. 

Vợ tôi chắc chắn là bất hạnh! Nhưng hồi ấy, tôi không bao giờ thoáng nghĩ trong đầu là tôi đang gây đau khổ cho một người câm lặng yêu thương mình. Là một giáo sư, tôi không thể nào sống xô bồ như thời còn sinh viên. Tôi mới chọn một nơi vui chơi mà vẫn giữ được tư cách. Tôi tuyên bố mình là người Công Giáo, và đến sinh hoạt trong nhóm sinh viên Công Giáo. 

Vị tuyên uý sinh viên Công Giáo Cần Thơ lúc bấy giờ là cha A. D. H. Vào thời ấy, cha là một linh mục trẻ vừa lấy xong tiến sĩ thần học và cử nhân Kinh Thánh ở nước ngoài về. Thế nên cha vừa cởi mở, vừa sâu sắc. Cha đến Cần Thơ, với ý định thành lập tại đây một trung tâm cho những trí thức Công Giáo tương lai như cha Fi-nô đã thực hiện tại câu lạc bộ Phục Hưng số 44 Tú Xương, Sài Gòn vào thập niên 50

Đi với Bụt thì mặc áo cà sa, đi với sinh viên Công Giáo thì đọc Sách Thánh. Ngoài những giờ vui chơi lành mạnh, tôi cũng dự những buổi chia sẻ Phúc Âm, tôi cũng đi dự lễ, cũng rước lễ vì không muốn các bạn thắc mắc, nhưng không bao giờ xưng tội. Chúa đối với tôi là một trò đùa! Tôi đóng kịch là người ngoan đạo, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn oán ghét Thiên Chúa, vì Người đã để cho tôi cù bơ cù bất trong cuộc đời, và đặt nỗi tuyệt vọng trong một cái vỏ đàng hoàng của tôi. 

Dù tôi có lăng loàn thế nào giữa đám đông, nỗi cô đơn cũng làm cho tôi ngộp thở từng giây phút. Không ít lần tôi có một phương thức tự tử êm ái. Cho đến mùa Phục Sinh năm ấy, tôi nghe đọc Sự Thương Khó Chúa Giêsu, khi nghe vị chủ tế đọc lên: “Lạy Chúa, sao Chúa bỏ con!”, tôi bỗng rùng mình. Trong khoảnh khắc, tôi thấy toàn bộ sự chua chát của Ngài: đêm cô đơn tại Giết-si-ma-ni, tù đày, tra tấn, nhạo báng, phỉ nhổ… con đường lên núi Sọ với thập giá, tiếng búa, mũi đinh,… và tôi cảm thấy Ngài là một người bạn chí thiết, vì Ngài cũng cô đơn và chịu bất công như tôi và hơn cả tôi nữa!

Hôm đó là lần đâu tiên tôi về nhà, tự mở Phúc Âm ra đọc lại sau mấy năm đọc máy móc với sinh viên. Không phải tôi đến với Lời Chúa đâu, tôi muốn đọc lại tiểu sử của một người bạn mà tôi thấy giống mình. Nhưng khi đọc Luca những giây phút cuối cùng, tôi không còn hiểu gì nữa. Luca viết: “Lạy Cha, con phó linh hồn trong tay Cha”. Tôi không thể hiểu một người bị bỏ rơi đến chết như thế mà vẫn con tin tưởng phó thác vào Cha mình. 

Tôi đến trao đổi với cha tuyên uý, cha lắng nghe thật lâu mà không nói tiếng nào. Cuối cùng, cha đề nghị cùng đọc một đoạn khác của Luca - đoạn Người Con Hoang Đàng. Tôi hiểu ý cha và bảo rằng, tôi không muốn xưng tội, vì không biết phải xưng thế nào. Tội tôi nhiều quá! 

Cha bảo: “anh cứ nói với Chúa những gì anh nói với tôi nãy giờ. Rồi cha quỳ xuống trước mặt tôi và làm dấu thánh giá!

Bầu trời như sụp đổ, không còn một linh mục khuyên nhủ đứa con hoang đàng, mà chỉ còn Thiên Chúa qua đại diện của Ngài đang quỳ cầu xin dưới chân tôi. Tôi choáng váng! Trước mặt tôi là hình ảnh một Thiên Chúa quỳ xuống để cầu khẩn tôi, để xin lỗi tôi. Xin lỗi vì đã đem tình yêu vô biên của Người mà xúc phạm đến trái tim ti tiện của tôi! 

Không thể nào đứng vững được, tôi sà xuống bên cha mà lắp bắp: “Lạy Cha, xin Cha tha tội cho con”. Tôi chỉ nói được có thế rồi ngẹn họng, nước mắt cứ trực trào! Lâu thật lâu, tôi nghe: “Cha tha tội cho con” và tôi oà lên khóc!

Kể từ ngày có trí khôn, không bao giờ tôi khóc. Tôi ghét cái sướt mướt đàn bà, hèn! Thế mà hôm đó tôi đã oà lên khóc như một đứa con nít! Và quả thật, kể từ ngày đó, tôi đã trở thành một đứa con nít trong tay Cha Trên Trời – Đấng đã yêu thương tôi đến độ cho tôi cái đặc ân đã bị bỏ rơi giống như Con Chí Ái của Ngài. Tôi đã chấp nhận lại cuộc đời và cuộc đời đã chấp nhận tôi

Vâng, tôi là đứa con hoang đàng trở về sau 10 năm chống đối, bởi vì tình yêu của Ngài mạnh hơn sự căm thù của tôi

Tôi kể lại cuộc đời mình theo đề nghị của một linh mục luôn thao thức gởi những chứng tích của tình yêu Thiên Chúa đến cho từng người. Tôi viết lại đây theo đức vâng lời, vì tôi nghĩ, đã đến lúc cuộc đời của tôi không còn thuộc về mình nữa

Sở dĩ tôi kể lại những đêm đen của đời mình, không phải vì cuộc đời tôi có gì đáng nghe hơn một ai khác, nhưng chỉ để nói lên một điều mà hẳn nhiều người sẽ cho tôi là lộng ngôn nếu tôi không kể cái biến cố khiến tôi trở lại. Và đây là điều duy nhất tôi muốn nói với những ai đang ở trong cô đơn, tuyệt vọng tội lỗi như tôi trước đây

Bạn từng nghe rằng, Thiên Chúa là một Người Cha Nhân Lành đang chờ đợi bạn trở về xin lỗi Người để Người có thể mặc lấy cho bạn chiếc áo thượng hạng, mở tiệc ăn mừng vì tìm lại một đứa con hoang đàng. Sai rồi! Đấy chỉ là câu truyện trong dụ ngôn, nhưng trong thực tế cuộc đời, Chúa không hề đợi bạn trở về, Người đã theo sát bạn, quỳ dưới chân bạn mà khẩn cầu, mà xin bạn tha thứ cho Người, bởi vì Người đã xúc phạm bạn khi yêu thương bạn bất chấp mọi vết nhơ mà bạn đã tạo ra trong tâm hồn mình. Bạn hãy nhìn xuống đi, rồi cũng như tôi, bạn sẽ nhìn thấy Thiên Chúa quỳ dưới chân bạn từ lâu để khẩn cầu. Xin bạn hãy thương xót Người, bạn nỡ lòng nào…!

Quý vị và các bạn thân mến, trên đây là cái nhìn của anh Phêrô Trần Duy Nhiên về chính mình – tôi, người con hoang đàng. Anh đã qua đời ngày mồng 8 tháng 2 năm 2009, và hôm qua mồng 8 tháng 2 năm 2012 là ngày tưởng niệm tròn 3 năm anh trở về trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa”

Viết và đánh máy xong lúc 1h15 sáng 10/02/2012


Han Pham


http://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=153071098143752&id=100003225887958

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét