Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Truyện Ngắn 100 Chữ



GIỚI THIỆU


truyện ngắn 100 chữ chỉ có thể miêu tả qua 1 câu "ngắn mà sâu sắc". Trong cuộc sống xô bồ bất tận như bây giờ, hy vọng các bạn có thể mỗi ngày dành chút ít thời gian để đọc nhưng mẩu chuyện hết sức ý nghĩa này. 







Hơn 5 năm trước, khi tạp chí Kiến Thức Ngày Nay ra mắt trang mục "TRUYỆN NGẮN 100 CHỮ", nhiều bạn đọc thắc mắc hỏi: Chỉ với 100 chữ (từ) liệu có thành truyện ngắn? Thắc mắc cũng phải, bởi truyện ngắn đâu phải chỉ do nó ít chữ, mà còn do nhiều đặc trưng khác về thể loại, về thi pháp. Lại nữa, 100 từ quả là quá ít để có một truyện ngắn. Mặc, trang mục vẫn đứng được, xuất hiện đều đều trên tất cả các số báo, và số lượng bạn đọc cộng tác suốt 5 năm qua bao giờ cũng thuộc loại cao nhất. Thực tế đó cho thấy, có phải là truyện, hơn nữa là truyện ngắn hay không thì chưa biết, nhưng với số lượng từ ít ỏi ấy, những tác phẩm đã được chọn đăng trên Kiến Thức Ngày Nay đã nói lên được một cái gì đó, thỏa mãn một nhu cầu nào đó, của bạn đọc.
Đọc truyện ngắn 100 chữ, đôi khi ta bắt gặp ở đấy sự cô đọng và thâm thúy của loại truyện mini Nhật Bản. Cô đọng là đặc trưng nổi bật nhất của loại truyện này, vì không cô đọng thì chẳng nói được cái gì với chỉ 100 từ.



Truyện ngắn 100 chữ viết về mọi sinh hoạt đời thường, nhất là sinh hoạt tình cảm. Đó là tình quê hương, tình mẹ con, cha con, tình ông bà - cháu, tình vợ chồng, anh em, bạn bè, tình yêu đôi lứa, tình hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn,... Hầu hết đều là chuyện thuộc loại người thật việc thật nên có tính chân thực cao. Có truyện tươi tắn, nhưng hầu hết là truyện buồn, lắm khi làm ta se sắt. Có lẽ do những chuyện vui thì qua đi rất nhanh, còn nỗi buồn đọng lại, có khi đọng lại mãi. Đọc truyện Nuôi mẹ với câu chú thích "Ngày thứ nhất mẹ là vàng; Ngày thứ hai mẹ là bạc; Ngày thứ ba mẹ là rác vứt bờ tre" khiến ta thấy nhói lòng. Mẹ là từ xuất hiện nhiều nhất, và cũng là đề tài thường xuyên nhất của Truyện ngắn 100 chữ. Có thể bắt gặp rất nhiều cung bậc tình cảm khi nói đến mẹ. Và tất cả đều cảm động, có khi muốn rơi nuớc mắt, nhất là những truyện về bà mẹ nghèo, bà mẹ quê một nắng hai sương.



Không thể đòi hỏi gì nhiều ở một thể loại kiệm lời như truyện ngắn 100 chữ. Tuy nhiên, sau 5 năm xuất hiện liên tục trên Kiến Thức Ngày Nay và được mọi tầng lớp độc giả đón nhận khá nhiệt tình, nói như một cộng tác viên nhận xét về trang mục này, thì nó là "một cuộc chơi đã vượt quá mong đợi" từ phía những người đã tổ chức trang mục, người viết và người đọc. Một số truyện mà chúng tôi tuyển chọn trong tập sách nhỏ này ít nhiều đã thể hiện được điều đó. Do quá nhiều tác giả và liên lạc khó khăn, nên chúng tôi đã không kịp xin phép trước khi in. Rất mong nhận được sự thông cảm của quí vị. Chúng tôi cũng chân thành cảm ơn ban biên tập tạp chí Kiến Thức Ngày Nay đã giúp đỡ để tập sách này sớm ra mắt bạn đọc.




NHÀ XUẤT BẢN PHỤ NỮ

*******************









Tập 1
Làng bên 

(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch) 

Ông nội tôi thường nói: "Đời người ngắn đến sửng sốt. Nhìn lại, tôi thấy đời người dường như bị rút ngắn đến mức khó hiểu nổi, thử lấy ví dụ, làm thế nào một chàng trai trẻ có thể quyết định cưỡi ngựa qua làng bên mà không sợ rằng -- chưa kể đến những tai nạn -- ngay cả một đời người may mắn bình thường có lẽ cũng quá thiếu thời gian cho cuộc đi đó."





Quà sinh nhật 
Trương Hoa 

Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má: “Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?”

Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: “Sao má chẳng ăn gì?” Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến…






Phấn Son 
Nguyễn Hồng Ân 

Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm.
Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: “Bạn gái con xinh”.

Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo: “Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…”

Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì






Ba tôi 
Mẫn Hà Anh 

Ngày Má tôi còn sống. Ba tôi, ông cứ cằn nhằn: Bà hút thuốc nhiều quá, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Má tôi tức, ngồi riêng một góc đốt thuốc, im lặng.

Nay Má tôi mất, ra thăm mộ, tôi quên thuốc lá. Ba tôi gắt, bắt phóng xe mua bằng được. Nhìn làn khói thuốc lặng lẽ, nhẹ bay lên từ điếu thuốc cắm trên bát hương, ông khấn: Tội cho Bà. Lúc sống, tôi ngăn cản, ì xèo. Bây giờ Bà mất rồi, tôi "thắp" cúng Bà cả bao. Tôi thương... mong Bà nhận cho. 






Ghe hoa 
T.T.H.A 

Nhà nội nhà ngoại bên này bên kia sông. Xưa, ba đón mẹ về trên chiếc ghe kết đầy hoa hồng hạnh phúc. Xuống ghe, giày cao áo dài vướng víu, mẹ suýt ngã. Ba dìu đỡ cùng đi, mẹ mắc cỡ, cúi mặt đỏ bừng đôi má.

Nay mẹ đưa ba về an táng trên đất vườn nhà nội. Cũng trên chiếc ghe hoa - những tràng hoa phúng tím buồn tan tóc - Quần áo tang lòa xòa mẹ bước đi như người mộng du, suýt ngã, mẹ gượng một mình.






Bố là mẹ 
Hữu Thành 

Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ. Hôm nay sau giờ giảng, tôi hát cho các em nghe… “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi…”

Tôi nói với các em: “ Chúng ta thật hạnh phúc khi được ở trong vòng tay mẹ”.

Có tiếng khóc ở góc lớp. Tôi đến cạnh em hỏi:

- Sao con khóc?
- Con nhớ Mẹ! Đứa bé đáp ngập ngừng.
- Mẹ đâu?

Nhìn theo tay đứa bé, tôi thấy một người đàn ông nước da đen sạm đang đứng trước cổng trường. 






Hoa điên điển 
Nguyễn San 

Xưa, em sống ở quê. Mùa lũ, em ngâm mình mò củ ấu, hái bông điên điển . Tuổi mười lăm ngai ngái mùi bùn.

Em tìm về thành phố. Học đi, học nhảy, học liếc mắt cười tình. Tuổi thiếu nữ đôi mươi vành vạnh, thơm phức và kiêu hãnh.

Một bữa, em chạy ra từ trong khách sạn. Chiếc giày cao gót lật quai lăn tõm xuống cống đen ngòm để lộ đôi chân phèn tứa máu. Em khóc tức tưởi. Nước mắt ân hận làm trôi những thứ bôi trét giả tạo. Khuôn mặt lộ dần những nét quê xưa.

Em chợt nhớ những cánh hoa điên điển sắp tàn còn kịp ửng vàng trước lúc hoàng hôn.





Tập 2



Bàn Tay 
Võ Thành An 

Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... mềm mại.

Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.

Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình. 






Câu Hỏi 
Nguyễn Hoài Thanh 

Ngày đầu tiên cô phụ trách một lớp học tình thương đa phần là những trẻ lang thang không nhà cửa.
Cuối buổi học.
- Cô ơi. Dạy tụi con hát đi cô.
- Hát đi cô.
Còn mười phút. Nhìn những cái miệng tròn vo và những đôi mắt chờ đợi, cô dạy cho tụi trẻ bài "Đi học về".
- Hát theo cô nè... Đi học về là đi học về. Con vào nhà con chào ba mẹ. Ba mẹ khen...
Phía cuối lớp có tiếng xì xào:
- Tao không có ba mẹ thì chào ai?
- ...
Cô chợt rùng mình, nghe mắt cay cay. 






Ba Và Mẹ 
Lê Mai 

Mẹ xuất thân gia đình trí thức nghèo, yêu thích thơ, văn. Ba tuy cũng được học nhưng là con nhưng là con nông “chánh hiệu”.
Mẹ sâu sắc, tinh tế. Ba chất phác, hiền hòa.
Mỗi khi ba mẹ đấu lý, chị em nó thường ủng hộ mẹ, phản đối ba. Mẹ luôn đúng và thắng.
Hôm ba bệnh nặng, cả nhà lo lắng vào ra bệnh viện.
Tối ba nói sảng điều gì đó không ai hiểu. Nhưng lần đầu tiên nó nghe mẹ nói “Đúng! Ông nói đúng…” Quay đi, mẹ sụt sùi. Nó thút thít khóc.






Tình Đầu 
Hứa Vĩnh Lộc 

Về quê, lần nào cũng vậy, hễ chạy qua ngã ba An Lạc là tôi cho xe chạy chậm hẳn lại, mắt nhìn vào ngôi nhà khuất sau vườn lá. Một lần, đứa con trai mười tuổi của tôi hỏi:
- Ba tìm gì vậy?
- Tìm tuổi thơ của ba.
- Chưa tới nhà nội mà?
- Ba tìm thời học sinh.
- Nội nói, lớn ba học ở Sài Gòn mà?
- À, ba tìm người... ba thương.
- Ủa, không phải ba thương mẹ sao?
- Ừ, thì cũng ... thương.
- Ba nói nghe lộn xộn quá. Con không biết gì cả.
- Ba cũng không biết.
Chỉ có Hồng Hạ biết. Mà Hạ thì hai mươi năm rồi tôi không gặp. 






Bão 
Nga Miên 

Sống miền duyên hải, công việc của anh gắn liền với tàu, với biển, với những chuyến khơi xa. Anh đi suốt, về nhà chẳng được bao ngày đã tiếp tục ra khơi. Mỗi lần anh đi chị lại lo. Radio, ti vi báo bão. Đêm chị ngủ chẳng yên, sợ bão sẽ cuốn anh ra khỏi đời chị.
Cuộc sống khá hơn, anh không đi biển nữa mà kinh doanh trên bờ. Anh đi sớm về trễ, có đêm vắng nhà, bảo vì công việc làm ăn. Nhưng nghe đâu...
Không phải bão, anh vẫn bị cuốn xa dần. Sóng gió, bão trong lòng chị. 






Khóc 
Bùi Phương Mai 

Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa.
Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.
Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói:
- Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh.






Đánh Đổi 
Song Vũ 

Chị yêu anh vì vẻ lãng mạn và coi thường vật chật. Chị xa anh cũng vì lẽ đó. Nhân chứng của cuộc tình là chiếc xe đạp, nó chở đầy kỷ niệm của một thời yêu nhau.

Mười năm xa cách, anh lao vào cuộc mưu sinh và có một gia sản ít ai bằng.

Tình cờ anh gặp chị tại nhà, nhìn thấy chiếc xe đạp ngày xưa, chị hỏi: anh còn giữ nó? Anh nghẹn ngào: anh làm ra những thứ này mong đánh đổi những gì anh có trên chiếc xe đạp ngày xưa.







Tập 3



Chung Riêng
Nga Miên 

Chung một con ngõ hẹp, hai nhà chung một vách ngăn. Hai đứa chơi thân từ nhỏ, chung trường chung lớp, ngồi chung bàn, đi về chung lối. Chơi chung trò chơi trẻ nhỏ, cùng khóc cùng cười, chung cả số lần bị đánh đòn do hai đứa mãi chơi. Đi qua tuổi thơ với chung những kỷ niệm rồi cùng lớn lên…

Uống chung một ly rượi mừng, chụp chung tấm ảnh... cuối cùng khi anh là chú rễ còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta…






Mẹ tôi 
Nguyễn Thánh Ngã 

Mẹ sinh tôi giữa ruộng bùn vì lúc có mang tôi cũng là lúc gia đình lâm vào túng quẫn, mẹ đi cấy thuê lặn lội đồng sâu nước độc nên sinh tôi thiếu tháng. Tôi ốm đau èo uột. Mẹ thường cõng tôi qua sông đến nhà thầy thuốc. Tôi khỏe. Nhưng mẹ phải còng lưng ba năm trời để trả nợ.
Lớn lên tôi định bỏ học đi làm sớm. Mẹ quyết nhịn ăn bắt tôi đến trường. Mẹ là tấm gương soi suốt đời tôi.






Hoa mai 
Nguyễn Thánh Ngã 

Cây mai mang cốt cách người, từ xưa cha ông đã nói vậy. Mai đem thân mình đọ khí tiết xung hàn khắc nghiệt của mùa đông mới bật được những đóa vàng kỳ diệu, giống như người quân tử phải nếm trải trăm cay nghìn đắng, rèn luyện tâm trí, giữ lòng trung hiếu. Nét đẹp ấy chỉ hoa mai mới có. Ngày nay mai được cho vào chậu, chăm bón tối đa, nở theo ý muốn, biết phẩm chất kia có còn lưu dẫn trong tinh thần hoa không? Có còn được coi là một trong tứ quý không?





Tro Ấm 
Kim Liêu 

Bọn cháu gái chúng tôi chẳng ai học được cách nhóm bếp của bà nội cả. Bà chỉ cần gạt bỏ lớp tro phủ trên mặt bếp lò, bỏ củi vào thổi nhẹ là có một bếp lửa đỏ rực.

Sáng nào cũng vậy, bà nội dậy thật sớm. Bà lặng lẽ nấu nước, lấy bộ đồ ông nội trên mắc áo đi giặt. Xong bà quay vào chuẩn bị bữa cơm, châm sẳn một bình trà nóng, rồi ra cửa gọi lớn:

"Ông ơi vào ăn cơm"

Cả nhà tôi đều im lặng.

Ông nội đã mất 20 năm rồi!






Quả thận 
Lê Nguyễn 

Chị đau thận nặng, anh tự nguyện san sẻ cho chị một quả thận của mình. Hai năm sau, cuộc tình không thành, chị lấy chồng xa xứ, vẫn thường viết thư về thăm tôi, kể rằng mỗi lần nghe vùng thận nhói đau, chị biết anh đang nhớ đến chị. Anh đi biền biệt lâu rồi tôi không gặp, nhưng tôi tin điều chị nói là thật.






Bàn tay mẹ
Thủy Lâm Synh 

Cắt móng tay cho mẹ, chợt nhận ra bàn tay mẹ toàn xương, những lóng tay khô như cọng rạ phơi mất tính hồi sinh. Bàn tay ấy từng tắm rửa cho con, vỗ vào mông để con tròn giấc ngủ.
Áo con lành nhờ bàn tay mẹ. Con đói lòng bàn tay mẹ đút miếng cơm nhai. Giờ hai bàn tay mẹ đã gầy như không còn cách nào gầy nữa. Mẹ cố xỏ sợi chỉ vào lỗ kim nhưng đầu sợi chỉ cứ đưa qua đưa lại không sao xỏ vào được. Con thương mẹ vô cùng.
Tập 4



Con Nuôi 
Tác giả: Unknown 

Thầy giáo lớp 1 thảo luận với lớp về một bức hình chụp, có một cậu bé màu tóc khác mọi người trong gia đình. Một học sinh cho rằng cậu bé trong hình chính là con nuôi. Một cô bé nói: 
- Mình biết tất cả về con nuôi đấy. 
Một học sinh khác hỏi: 
- Thế con nuôi là gì? 
Cô bé trả lời: 
- Con nuôi nghĩa là mình lớn lên từ trong tim mẹ mình chứ không phải từ trong bụng. 





Ngày Thi Trượt 
Đàm Thị Nhung 

Giọng bố run run khi báo tin anh trượt đại học. Mẹ thở dài não nuột, em chết lặng trong góc bàn, anh cổ nghẹn đắng giả vờ điềm nhiên đọc báo. Không ai khóc, cũng chẳng ai nói. Im lặng bủa vây tất cả, nhấn chìm mọi suy nghĩ vào hư không. 
Em vẫn ngồi, mắt không rời trang sách, đầu óc trống rỗng. Em thấy sợ khi nghe tiếng thở dài của mẹ, sợ cái điềm nhiên của anh, sợ nhìn vào ánh mắt của bố. 
Giá như ai đó khóc. 





Cảm Ơn 
Nhánh Rong 

Lần nào cũng vậy, tình cờ xuống lầu bằng thang máy chung với người đàn ông ngồi xe lăn, chị đều thấy ngại ngùng. Người đàn ông đã ngồi xe lăn hơn hai mươi năm rồi, sau một tai nạn xe gắn máy lúc hai mươi tuổi. Chị cảm tưởng nếu ông có lại đôi chân, ông sẽ chẳng bao giờ dùng thang máy cả. 
Chị thầm cảm ơn ông. Nhờ ông, chị mới thấy mình may mắn với đôi chân còn đi đứng bình thường. 





Buổi Sáng Ra Vườn
Nhánh Rong 

Sáng sớm ra vườn, thấy một con ốc hưởng ánh nắng mặt trời ở tuốt ngọn cây hoa hồng đầy gai, chị phục nó quá không nỡ giết. Lại thấy con sâu róm đen thui to bằng ngón tay đang vội vã bò đi, nghĩ đến một ngày đẹp trời nó lột xác thành con bướm tuyệt sắc, chị để nó yên. 
Buổi chiều, bà chị dẫn về mấy đứa con nít giỡn như quỷ. Chị định la, bỗng nhớ chúng sẽ trở thành người lớn nay mai. Chị mang bánh mời chúng. Ánh mắt chúng đầy vẻ vui mừng biết ơn.





Cái Nụ 
Nguyễn Thị Bích Phụng 

Cái Nụ là con nuôi. Mẹ Hà cho tôi và Nụ cùng đi học. Tôi thường đỏng đảnh, đố kỵ Nụ. Điều đáng ghét là Nụ vẽ rất đẹp. Những bức vẽ của nó như có hồn hoa lá, lời biển cả… 

Lớn. Tôi du học, lấy chồng sinh con, định cư bên ấy. Ngày về thăm mẹ, mẹ đã già và mất trí trong lần tai nạn. Mẹ nhìn tôi xa lạ, rồi ôm chầm lấy Nụ, vỗ vào lưng nó: 

-Ngoan nào, bé Thảo cưng của mẹ, nín đi… mai mẹ cõng con đi xem hội làng đêm trăng… “tùng dinh dinh là tùng dinh dinh, có con sư tử vui múa quanh vòng quanh”. 

Câu hát như hàng vạn mũi kim châm vào tim tôi ứa máu.





Thầy và trò 
Thanh Sử 

Về hưu, tôi mở lớp dạy kèm tại nhà. Cô bé học lớp 9, chăm ngoan nhưng hơi chậm hiểu. Thôi thì lấy cần cù bù thông minh. Tôi kiên trì giảng đi giảng lại. Mỗi khi gương mặt cô bé bừng sáng vì đã hiểu, tôi thấy mọi mệt nhọc tan biến. 

Mấy hôm nay, cô bé có vẻ lo ra không tập trung. Nhìn lên tờ lịch, tôi lờ mờ đọc được lý do. Cuối giờ, tôi chủ động bảo: 

- Con đừng nhắc mẹ tiền học, khi nào đóng cũng được. Có điều con đừng vì chưa đóng tiền mà nghỉ học. 

Cô bé thở ra như trút được gánh nặng. Ôi! Học trò của tôi...





Thằng Hận
Võ Thanh Sử 

Vừa sinh xong, mẹ nó bỏ đi, giao con lại cho chồng. Dù vậy bà vẫn kịp đặt tên hận cho nó. Cái tên như dấu ấn trên trán, cách ly nó với những đứa trẻ khác. Nó lớn lên cô độc, co rúm trước những lời châm chọc, bên cạnh ông bố say xỉn quanh năm suốt tháng. 

Hôm nay mua que kem, bà Ba vô tình hỏi: 

- Con ho sao lại ăn kem? 

Nó nhìn sững bà bán kem. Câu hỏi như mũi tên xuyên qua tim nó...





Kẻ trộm chữ
Lại Thị Thanh 

Cháu ơi, đừng đọc sách của cô nữa, để cô bán. 
Cậu bé rời hiệu sách đi đến một ngõ nhỏ. Chia cho đứa bạn khiếm thị nửa ổ bánh mì, cậu vừa ăn vừa kể… 
- Sao lại chỉ có thế? 
- Mới đọc đến đấy lại bị đuổi rồi. Sách cũng đã bị bán! 
- Tiếc nhỉ! 
- Tiền mẹ cho mua truyện hôm nay vừa ăn hết. Thôi mai đi chỗ khác đọc vậy, mình về đây. 
- Đưa hộ số chổi mình vừa làm xong ra chợ cho mẹ và bảo mình ăn rồi nhé. 
- Cẩn thận kẻo lại té đấy! 
- Ừ ! sẽ rờ cẩn thận khi đi.


Tập 5

Chị em sinh đôi Phong Nga 

Em ngông nghênh như một đứa con trai, cứng đầu bướng bỉnh khó có ai chịu nỗi. Thế mà em lại yếu mềm mỗi khi nghĩ đến anh. Lần đầu gặp, ánh mắt, nụ cười, cả cái dáng cao gầy ấy cũng đã theo em vào giấc mơ.

Nhưng người anh chọn lại là chị, tóc dài như suối và ngoan hiền như một con nai tơ.

Ngày mai cưới chị, em sẽ là phụ dâu. Hai chị em giống nhau như hai giọt nước, món đồ gì cũng đều chia đôi cho cả em và chị, thế sao vị trí hạnh phúc nhất trong ngày trọng đại ấy lại chỉ riêng của mình chị, sao không phải là của em ?





Thì thầm lời mẹ 
Nguyễn Thị Minh Tú

Lúc nhỏ chị được mẹ chăm sóc rất chu đáo so với các anh em trong gia đình bởi vì chị có nét giống bà ngoại nhiều nhất. Không hiểu mẹ, chị càng ngày càng ngỗ nghịch và nhõng nhẽo. Mẹ bảo "rồi nó sẽ đổi tình" . Theo năm tháng chị đi lấy chồng, mẹ lại nghẹn ngào tự an ủi "rồi nó sẽ về thăm mình mà" . Và rồi khi mẹ không còn nhìn rõ để trông ngóng chị nữa, mẹ lại bâng quơ thở dài: "Chị tui bây chỉ được cái nét mặt là giống bà ngoại bây thôi..."





Xa xứ 
Bùi Phương Mai 

Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.

Thư đầu viết: "ở đây, đường phó sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình..."

Cuối năm viết: "mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm..."

Mùa đông sau viết: "em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội... Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không..."





Mẹ tôi 
Lăng Dũng

Chiến tranh ác liệt. Bố ra chiến trường. Mẹ dắt con đi sơ tán khắp nơi.

Hòa bình. Bố không trở về. Mẹ khóc hằng đêm. Năm năm sau mẹ quyết định lập bàn thờ với bức di ảnh của bố. Một mình mẹ vất vả nuôi con. Vậy mà căn bệnh ung thư quái ác lại cướp mất mẹ.

Hôm bức ảnh mẹ được đưa lên bàn thờ bên cạnh bố, bất ngờ bố trở về! Tất cả chợt vỡ ào...

Bức ảnh bố được hạ xuống. Trên bàn thờ... mẹ lại một mình





Mồ côi 
Nguyễn Văn Hùng 

Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm:
- Giá như mẹ đừng “đi xa”, thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.
Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói:
- Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con.
Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà lại có thêm người đỡ vắng lạnh.
Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ:
- Giá như đừng có dì nhỉ thì bây giờ mình đỡ lạnh một bên…





Bà tôi 
Lê Xuân Hoà

Thủa ấy khổ lắm, hàng năm vào tháng bảy mưa dầm, nhà túng thiếu phải vay hàng xóm từng bơ gạo. Mẹ thường nấu cơm nhão cho Bà dễ ăn. Tôi cằn nhằn mẹ. Bà bảo đi xin miếng vôi trầu. Tôi ấm ứ. Bà lọm khọm chống gậy đi. Khi về trời mưa Bà ốm cả tuần. Mẹ nấu cháo cho Bà, khói se mắt, chặc lưỡi: Bà già rồi mà còn khổ!

Bà mất. Tôi xa nhà, ăn cơm bụi chợt thấy dáng ai còng - miếng cơm bỗng khô khốc, quán không khói mà cay cay .





Ba 
Nguyên Duy 

Xưa, nội nghèo, Ba đi ở cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học. Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng.

Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng cơ quan. Ai cũng com-lê, cà-ra-vát. Chú bảo: Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà ngĩ cho khỏe.

Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy người.

Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết chừng nào, mà giờ, sao nghe chár cả bờ môi.





Câu hát 
Nguyễn Mỹ Nữ

Mưa. Hồi trước. Thấy tôi đến người yêu tôi vui mừng. Hai đứa ngây ngất trong vòng tay nhau, hạnh phúc. Cánh cửa bị hư chốt cài, gió thổi vào hung bạo. Vẫm ấm áp. Đưa tôi về. Người yêu tôi hát nhỏ: “Anh ước mong một chiều đông giá…”

Mưa. Bây giờ. Thấy tôi đến người yêu tôi hững hờ. Hai đứa ngồi lại bên nhau trong căn phòng có gắn điều hòa và mở hết số. Vẫn lạnh run. Khi tôi về. Phố trắng xóa, mờ mịt. Lòng rưng rưng với câu hát cũ “…và quên đường về".





Bức tranh
Tăng khắc Hiển 

Đêm. Dưới trời sương. Hai mẹ con nhìn trăng tròn treo trên những ngọn dừa và mái ngói ngủ yên. Người mẹ mơ có một mái ấm. Đứa con ước với được vầng trăng.

Mười năm.
Đứa con đã chạm tới đỉnh cao và nghĩ về tổ ấm.
Người mẹ một mình nhìn trăng qua lỗ hổng mái nhà.

Vầng trăng khuyết đi một nửa…
Tập 6



Chị cả Nguyên Vũ 

Hai mươi tuổi. Tựa một bông hoa, chị trông rực rỡ. Thanh niên phố huyện xếp hàng những mong "rắp ranh bắn sẻ". Mọi người giục, chị cười: Còn giúp mẹ nuôi em.

Tuổi ba mươi. Chị càng đẹp, đằm thắm. Em gái lần lượt nên gia thất, chỉ còn thằng Út đi bộ đội. Lắm mối khá giả "ngấp nghé mong sao" nhưng chị lắc đầu: Còn bố còn mẹ già.

Mười năm sau. Bố mẹ về đất. Thằng Út đã hai con. Chẳng còn gì vướng bận. Song chị biết làm gì với cái tuổi bốn mươi





Cổng trường 
Thanh Hải 

Cổng trường ngày thi đông nghẹt thí sinh & phụ huynh. Những gánh hàng, dãy quán mọc lên san sát trên khoảng đất trống cạnh trường.

"Út, Út, Út ơi!". Cô học trò lúng túng tách khỏi đám bạn, đi về phía tiếng kêu.

"Ăn đi con. Xôi đậu. Thi sẽ đâu đấy".

"Con ăn rồi. Sao má lại ra đây!". Cô quày quả vào trường, vội vàng như trốn chạy...

...Mùa thi lại về. Cô giáo trẻ tần ngần trước cổng trường nhộn nhịp. Giọt nước mắt muộn màng đọng nơi khóe mắt. "Con mãi sẽ không đậu khi chối từ gánh xôi của má. Má ơi!".





Cua rang muối 
ĐT 

Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:

- Cua rang muối thật đó mẹ.

Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:

- Còn răng đâu mà ăn?!





Em ác lắm 
Nguyễn Thị Ngọc 

Anh lớn hơn tôi mười tuổi, chuyện tình yêu của chúng tôi rất đầm ấm, ngọt ngào và đẹp như bao cặp tình nhân khác. Một hôm tôi nũng nịu đòi anh cho xem những lá thư mà anh và người yêu cũ viết. Một phần sợ mất tôi, một phần chiều tôi vì yêu tôi anh gượng gạo đưa cho tôi xem. Nhưng anh lại dúi dúi cất giữ một lá thư khác. Thấy anh dấu tôi nằn nặc đòi xem cho được. Cầm trên tay tấm hình chị ấy và bức thư tình, sự ích kỉ, lòng ghen tuông, và chút nhỏ nhen của con nít trong tôi nổi lên. Tôi đưa lại cho anh và bảo : " Anh phải đốt cái này cơ". Rồi anh cũng làm theo ý tôi, anh đau khổ quặng thắt đốt và ngồi nhìn đống tro tàn, lòng đau đớn quay sang nói với tôi : " Em ác lắm". Còn tôi, nét khoái trá lộ rỏ trên gương mặt trẻ con của tôi, tôi thoả thích lắm vì giờ đây trong anh chỉ có hình bóng của tôi.

Và giờ đây, những ngày tiếp sau đó, tôi mới thâu hiểu sự đau khổ, trăn trở khi đã thật sự mất anh rồi!





Người vợ thực dụng 
Ái Duy 

14-2 năm đó tôi nhận được quà của anh, tôi hăm hở mở ra xem. Tôi bất ngờ vì mình nhận được một con gấu bông, lông nâu mượt mà, màu hồng nhạt. Tôi lật tới lật lui con gấu bông, soi mói. Tôi tháo chiếc nơ xinh xinh trên cổ nó ra, bẻ tay , bẻ chân bẻ đầu xem mong tìm được ẩn ý trong đó.

Thưồng thì mỗi năm tôi luôn nhận được hộp trang điểm, đồng hồ đắt tiền, hoặc lắc đeo tay... rất giá trị. Tôi thấy hành động mình không thật lố bịt, tôi liền nói một câu gỡ gạt " Anh dấu chiếc nhẫn kim cương đâu rồi". Thấy anh sốt ruột với cử chỉ của tôi. Anh nhẹ nhàng từ tốn cầm chú gấu lên, sửa lại cái nơ lúc nãy tôi tháo ra cho ngay ngắn rùi bóp nhẹ vào giữa ngực con gấu. Lúc đó có một giọng hoan hỉ thốt ra" I LOVE U", "I LOVE U" .... Tôi ngượng chín cả người trong ánh mắt ấp áp dịu hiền của anh nhìn tôi, tôi nào đâu bít hạnh phúc từ những điều đơn giản như thế.

Phải rồi, cũng đã hai mươi năm còn gì........!





Anh yêu em vì anh ghét em 
Công Thành 

Hồi ấy chúng tôi cùng học chung một giảng đường đại học, tôi bị hút hồn ngay từ ánh mắt đầu tiên của em, em có mái tóc óng mượt chấm bờ vai, nụ cưới xinh xinh. Thế là tôi xin một chổ để được ngồi gần em, tôi hạnh phúc vì điều đó.

Thật là không hỉu sau, em lại thích thằng bạn ngồi kế bên tôi, lúc nào em cũng quay xuống với nụ cười thật tươi nhưng lại không phải cho tôi. Những lúc như thế tôi muốn hét lên cho em biết là "TÔI ĐANG GHEN ĐÓ, EM CÓ BIẾT KHÔNG"!!!!

Cuối học kì em cho tôi mượn sách để làm đề tài, tôi bỏ đó không xem, chỉ mở ra trang đầu ở bìa sách và ghi bằng bút đỏ" TÔI YÊU EM VÌ TÔI GHÉT EM". Tôi thật ngây ngô đâu có biết rằng phía sau cuốn sách em viết" Anh là người em thích đó, đồ ngốc!"
Bây giờ đi dự đám cưới em tôi mới nhận ra điều đó, có phải tôi quá ngốc đúng không?!





Chèng ơi 
Võ Thành An

Cháu học ở thành phố, lần về thăm quê đem theo cả cô người yêu cùng về. Ngoại mừng ra mặt, lo lắng từ chỗ ngủ, bữa ăn sao cho đứa cháu thật sự vui lòng.
Ở quê câu chữ khó diễn đạt, một tiếng ngoại cũng chèng ơi, hai tiếng cũng chèng ơi... Đứa cháu tỏ vẻ không bằng lòng, kéo ngoại ra hè bảo ngoại đừng nói câu ấy nữa, nghe quê lắm. Ngoại cười hiu hắt và từ đó ngoại ít nói hơn. Nhớ thuở nhỏ mỗi khi cháu té đau hay biếng ăn một chút là ngoại kêu lên hai tiếng: Chèng ơi!
Kêu riết thành quen.





Giỗ ông 
Lê Nguyên Vũ 

Sớm mồ côi. Từ nhỏ anh em nó sống cùng nột trên rảo đất còm của người chú. Năm ngoái, sau trận bão lớn ông nó quy tiên. Chú nó lấy lại căn chòi, "khuyên" : 14, lớn rồi - nên tự lập. Anh em dắt díu nhau tha hương.

Trưa. Phụ hồ về "nhà" - (ở dưới gầm cầu). Mệt. Đói. Giở nồi cơm: nhão như cháo. Thằng anh mắng: đồ hư. Con em mếu máo: em nấu để... giỗ ông.

Ngẩn người. Chợt nhớ: hôm nay tròn năm, ngày ông mất. Hồi ở quê, thường ngày ông thích cơm nhão. Thế mà... !

Ôm em vào lòng nó gọi trong nước mắt: ông ơi !!!





Soong cơm tráng 
Nguyễn Thanh Thanh 

Xưa, nhà nghèo, đông con, cơm còn bữa rau bữa cháo, nói gì đến thức ăn. Lâu mới có món cá con kho mặn. Soong cá ăn xong, đổ cơm vào tráng ăn rất ngon. Ba luôn nhường cho con cơm tráng lần đầu và tráng lại lần hai cho mình. Ba lao động cực nhọc, không một lời than, cố nuôi con ăn học nên người.

Nay trưởng thành, xa nhà, các món Tây Tàu con đã từng nếm nhưng không thể nào bằng món cơm tráng ngày xưa. Chiều mưa làm con nhớ nhà, nhớ Ba và thèm chén cơm tráng, Ba ơi!





Gia Đình 
Trần THị Út 

Gia đình tôi những mười anh chị em. Nhà nghèo, bữa ăn chỉ là cá kho khô quẹt hay rau luộc chấm mắm sả nhưng cả gia đình xúm lại ăn vui lắm. Má cấm không cho ai ăn tô, dĩa sợ sau này anh em tứ tán.

Thời gian trôi, anh em tôi lần lượt có gia đình riêng. Vì công việc làm ăn, mỗi người ở một nơi. Ba mất. Má đã già. Gia đình thưa tiếng cười.

Ngày Tết, má chờ hoài: " Con Hai, thằng Ba, con Tám... ". Tay già lóng cóng dọn đủ 10 cái chén chờ con...
Tập 7


Bốn năm Unknow 

Năm nhất đại học, tôi năng viết thư về nhà. Thư nào chữ cũng đẹp và dàị nhất là thư xin "viện trợ"...

Năm hai, những lá thư thưa dần và ngắn lạị Tôi đã tập kiếm sống bằng đồng nhuận bút kha khá mỗi tháng...

Năm ba, mẹ bảo dạo này chữ tôi xấu, lại kiệm lời, đọc không ai hiểu chi cả. Nhưng các toà soạn báo lại khen chữ tôi rõ, đẹp hơn cả đánh máy...

Năm tư, mỗi chủ nhật, tôi nhấc máy gọi về nhà một lần. GIọng ba tôi đầu giây run run: " Cả nhà cứ mong tới chủ nhật, rứa mà chỉ được mỗi cái ống nghe..."





VÔ TÂM 
Nguyễn Lưu Hùynh

Ngày còn nhỏ, tôi thường được dì - dượng kể về chuyện tình của họ. Một tình yêu thật đẹp được tô điểm bằng những tình khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà lúc ấy cả hai cùng yêu thích ...

Hôm vào nhà sách, thấy tuyển tập Trịnh Công Sơn, tôi mua ngay gởi tặng dì - dượng. Người bạn gái đi cùng bổng hỏi: "Ba Mẹ anh thích gì? Sao anh không mua tặng họ?"

Tôi chợt giật mình ... Tôi có vô tâm lắm không khi mà tôi cũng chẳng biết được Ba Mẹ tôi thích điều gì nhất ....





Vị phở ngày xưa 
Nguyễn Đức Hạnh 

Anh nghỉ hè, về đưa em lên thị trấn chơi. Anh mua một tô phở gánh bình dân, em ăn ngon quá. Hỏi anh sao không ăn, anh bảo không đói. Thật ra anh không còn tiền.

Anh trước đây không thi vào đại học mà học trung cấp để nhanh đi làm giúp em ăn học.

Sau đó em du học. Em đã đi nhiều nơi, ăn nhiều món đặc sản, nhưng không món nào ngon bằng tô phở ngày xưa.





Anh Hai 
Lý Thanh Thảo 

- Ăn thêm cái nữa đi con! - Người đàn bà giàu sang bảo con.

- Ngán quá, con không ăn đâu! - Ðứa con cằn nhằn, từ chối.

- Ráng ăn thêm một cái, má thương. Ngoan đi cưng!

- Con nói là không ăn mà. Vứt đi! Vứt nó đi!

Thằng bé lắc đầu quầy quậy, gạt mạnh tay. Chiếc bánh kem văng qua cửa xe hơi rơi xuốnh đường, xát mép cống. Chiếc xe hơi láng bóng rồ máy chạy đị

Hai đứa trẻ đang bới móc đống rác gần đó, thấy chiếc bánh kem nằm chỏng chơ, xô đến nhặt. Mắt hai đứa sáng rực lên, dán chặt vào chiếc bánh thơm ngon. Thấy bánh lấm láp, con bé gái nuốt nước miếng bảo thằng bé trai:

- Anh Hai thổi sạch rồi mình ăn.

Thằng anh phùng má thổi. Bụi đời đã dính, chẳng chịu đi cho. Ðứa em sốt ruột cũng ghé miệng thổi tiếp. Chính cái miệng háu đói của nó thổi làm bánh rơi tõm xuống cống hôi hám, chìm hẳn.

- Ai biểu anh Hai thổi chi cho mạnh - Con bé nói rồi thút thít.

- Ừa. tại anh! Nhưng kem còn dính tay nè. Cho em ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi...





Anh Hai 
Tường Vy 

Anh Hai về quê ăn Tết sau cả năm dài làm ăn xa xứ. Anh mua nào quà, nào bánh, mứt cho ba má, biếu bà con dòng họ mỗi nhà một ít. Mấy đứa trẻ cừ ríu ra ríu rít xoắn lấy anh. Má bảo: "Để anh Hai nghĩ ngơi cho khỏe, đường xa mệt lắm". Nhưng thằng lớn cứ nhất định đòi qua Tết theo anh vào Sài Gòn đi làm.

Anh cười mà trong lòng xon xót. Nó còn chưa hiểu thế nào là cuộc sống mưu sinh rong ruổi nơi xứ người.





BÁNH KEM CHÁY 
Quân Thiên Kim

Sinh nhật bạn, không được mời ... em buồn xo. Hôm sau đi học về, manh áo cũ sờn của em bị rách toạt, mặt rướm máu .

"Chị Hai," em òa khóc nói, "bạn bè chọc em nghèo không có quà, không được ăn bánh kem" ... Xã nghèo, mấy ai được ăn bánh kem ...

Chị nghỉ học lên thị trấn . Sinh nhật em, chị mang về một cái bánh nhỏ xíu có 1 bông hồng . "Của chị làm đấy, chị học làm bánh kem"

Em ăn ngon lành ... mắt chị ngấn lệ .... Cái bánh cháy chủ bỏ, chị lén bắt bông hồng tặng em ...





Người đưa Thơ 
unknown

Chị vẫn ngồi đấy, như mong đợi điều gì. Hồi nhỏ chị thường ngồi đây để đợi thư của bố. Sau này, chị lại ngồi mong mỏi những cánh thư của một người con trai.

Bây giờ, con gái chị có chồng và đang ở nước ngoài. Con gái gởi tiền về cho chị trang bị một bộ máy tính - có nối mạng. Ngày nào nó cũng gọi điện hẹn chị chat và mail cho chị luôn. Ấy vậy mà, cái cảm giác nao lòng vẫn cứ len lên trong chị mỗi khi người đưa thư đi ngang nhà.





Con bất hiếu
unknown

Nó con một . Mẹ dành cả tình thương, nhưng nó vẫn thiếu. Nó hay trách sao hồi đó không sinh thêm để nó có anh em. Mẹ dỗ, nó không thèm , nó làm nư

Đi du học, bạn bè nhiều, nó tự do, bỏ quên mẹ. Chat về, mẹ hỏi “Con ra sao” Đáp :”Cũng bình thường” , rồi “con bận lắm”.....nó đi chơi.

Chơi về khuya,mệt, bụng rỗng, chả có gì ăn. Chợt nhớ, bát bún mẹ nấu cho ăn khuya mỗi đêm, thèm ....
Nghẹn ngào nhớ mẹ ....





Hai lần chờ 
Võ Thành An

Mẹ trách: "Con trai lớn chẳng chịu lấy vợ, đến bao giờ mẹ mới có dâu?"

Hai đứa học chung ngành sư phạm, tôi ra trường trước. Tiễn tôi về quê công tác, em khóc bảo tôi hứa phải chờ nhau.

Ngày em ra trường niềm vui không kể xiết. Lần gặp ấy em nói: "Chi mà vội"

Hai năm sau em báo lấy chồng, khuyên tôi đừng buồn

… Mẹ đâu biết đã 2 lần tôi tin một người con gái.





Đành thôi 
Ngô Thị Thu Vân 

Ngày đó, yêu em mà không dám nói. Cứ chiều chiều tan lớp, ngồi đợi em về trong một góc quán cà phê đầu ngõ. Em thôi không học nữa. Tôi quyết định viết thư tỏ tình. Thư viết chưa xong, em theo chồng xa xứ. Lá thư tình viết dở dang tôi còn giữ đến tận bây giờ.

Sáng qua, ngồi trên ghế xử ly hôn, ngỡ ngàng thấy em ôm con ngồi bên dưới, mắt đỏ hoe. Tối về, lục lại trang thư cũ định viết tiếp. Tìm mãi, không có cây bút nào trùng với màu mực cũ…





Gặp lại 
Trần Mai Thu Hương 

Chia tay nhau lần đầu. Khi gặp lại anh trái tim tôi bồi hồi xao xuyến, nhịp đập dồn dập. Hình như anh cũng thế. Cái nhìn vẫn thuộc về nhau. Anh ra về. Tôi mới thấm thía câu thơ “Người đi một nửa hồn tôi mất”.
Tôi và anh quay lại.
Chia tay lần hai. Anh lại tìm đến tôi. Cái nhìn của anh còn da diết hơn xưa. Nhưng trái tim tôi chẳng nói điều gì. Chiều buồn nắng đã nhạt. Lá vàng rụng phân đôi.





Khoảng cách 
Chi Chi 

Anh lớn hơn nàng già con giáp. Sợ cảnh chồng già vợ trẻ sau này, anh dằn lòng nói lời chia tay. Nàng nước mắt lưng tròng.

Ba năm sau, nàng cũng lên xe hoa. Chồng nàng bằng tuổi anh.

- Sao ngày xưa em không giữ anh lại? Giọng anh đầy tiếc nuối và trách móc.

Nàng nhìn anh trân trối:

- Cứ nghĩ anh không muốn cưới em...
Tập 8






Gừng cay muối mặn...THANH VÂN (Theo Kiến Thức Ngày Nay 566)Chú tôi đập bể tan tành tấm bảnh hiệu: “Bún bò Tâm-Hạnh”... Thím đã bỏ nhà theo một người đàn ông...

... Rồi chú cũng dựng lại quán để nuôi con. Nội tôi khi mất chỉ kịp nấc lên: “Tội nghiệp thằng Sáu...”

Ba năm sau, thím về, quỳ trước cửa mà không dám vào nhà. Đứa con ôm mẹ khóc ròng...
Người ta thấy chú thêm chữ “Hạnh” vào sau chữ “Tâm” trên tấm bảng hiệu. Thím lại bưng bún cho khách mỗi ngày. Ba tôi thắp nhang khấn: “Má ơi! Gia đình nó sum họp rồi!...”






Nuôi con
NGÔ THỊ THỤC TRANG (Theo Kiến Thức Ngày Nay 566)


Năm một. Con đòi đổi xe đạp mới. Mẹ bán con heo xác đang độ lớn nhanh.

Năm hai. Con đòi mua máy cassette đĩa. Mẹ bán hai sào lúa non.

Năm ba. Con đòi dàn máy vi tính. Mẹ bán mảnh vườn trước mặt nhà.

Năm tư. Con đòi mua xe máy đi thực tập. Nhìn đi nhìn lại không còn gì để bán, mẹ thế chấp ngôi nhà vay ngân hàng đưa con.

Con ra trường. Nhà mẹ chỉ còn cái nóc.






Nhà lá
LÊ HOÀI THU (Theo Kiến Thức Ngày Nay 566)


Bà lưng còng vì một đời cấy gặt. Con cất nhà to, rộng nhưng bà chỉ quen ở căn nhà lá nhỏ kề bên. Suốt ngày bà chẳng chịu nghỉ ngơi, cứ làm đủ mọi chuyện: chặt củi, trồng rau, nhổ cỏ…

Con mua cây mai kiểng lớn giá mấy chục triệu. Nhà lá phải dở, nhường đất trồng mai. Đêm bà ngủ trong phòng có nệm êm mà vẫn trằn trọc.

Đợi lúc cả nhà ngủ say, bà mang gối mền xuống nhà chứa củi. Ở đó, có chiếc chõng tre đã cũ...






Tóc má
HOÀI YÊN (Theo Kiến Thức Ngày Nay 565)


Ngày ấy kinh tế khó khăn, mà một mình nuôi hai con nhỏ. Chưa bao giờ tôi thấy má gội đầu bằng loại dầu gội má vẫn mua cho chị em tôi mà thường dùng xà bông tắm, có khi là bột giặt để gội đầu.

Khi chúng tôi lớn lên, hiểu được má nhịn ăn nhịn xài lo cho chị em tôi, khi chúng tôi đã có nhiều tiền để có thể mua cho má những loại dầu gội tốt, đắt tiền thì tóc má cứng còng và bạc trắng.






Chị tôi
NGUYỄN QUỲNH DI (Theo Kiến Thức Ngày Nay 564)


Ba không chấp nhận cuộc hôn nhân này vì không môn đăng hộ đối. Ngày cưới của chị không thấy mặt ba. Ba cấm chị về nhà.

... Chị sinh Cu Tí, nó bụ bẫm, dễ thương, tấm ảnh của nó ba không muốn nhìn. Chị lén về lúc không có ba, chị sờ cái tủ, cái bàn, cầm cái chổi quét nhà, tắm cho mấy con lợn...

Ba về, chị hốt hoảng, chạy ra sau nhà băng sang nhà hàng xóm. Cu Tí ngây thơ nói: “Chạy trốn, chạy trốn”.






Xem thêm: http://www.hihihehe.com/f/threads/454985-Tong-Hop-Truyen-Ngan-100-Chu/page2#ixzz1gQgGPMVZ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét