Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Gã Ăn Xin


Gã lên xe buýt. Trông gã không đến nỗi nào khổ sở. Mặc quần jean, mấy lớp áo len nhìn cực kì ấm áp. Gã chìa cái mũ lưỡi trai của gã ra trước mặt mọi người trên xe. Cái mũ của gã nhìn cũng khá xịn. Khá nhiều người đưa tiền cho gã. Tôi nhìn chằm chằm vào gã. Trông gã không già lắm, khoảng 50 tuổi gì đó.
Gã tiến đến phía cuối xe buýt nơi tôi ngồi. Tôi ngồi ghế bên trong và cố tính ngoảnh mặt về phía cửa sổ để tỏ thái độ không quan tâm đến gã. Và đúng như dự đoán của tôi, gã xuống tại điểm tiếp theo để chuẩn bị lên một chiếc xe khác… vòi tiền.
Với kinh nghiệm của tôi thì gã có tới 90% là đóng giả ăn xin. Một vài bạn nữ ngồi phía đằng sau tôi cũng bình phẩm về bộ quần áo của gã là không đến nỗi nào, tức là không giống ăn xin.Tuy nhiên, tôi khá bất ngờ khi có khá nhiều người đưa tiền cho gã, có lẽ họ chưa có nhiều kinh nghiệm trong chuyện này.
Trước khi gã xuống xe, trong đầu tôi chợt nảy ra ý định theo dõi gã. Tôi rất muốn lật tẩy bộ mặt của gã. Tôi có máu điều tra, thích làm thám tử (lolz). Trước đây tôi cũng từng theo dõi một mụ ở trường Bách Khoa. Nhưng lần này tôi thấy một rào cản khá lớn. Đó là gã sẽ lên từng xe buýt một, rồi biết đâu còn di chuyển sang khu vực khác. Tôi sẽ mất khá nhiều thời gian, thậm chí tiền nếu theo dõi gã. Tôi lại không mang tiền lẻ trong người (mang đúng 2k gửi xe) và đang trên đường đến gặp một người bạn. Trong phút chốc, tôi từ bỏ ý định theo dõi gã, tôi nhìn gã xuống xe buýt còn mình thì ngồi trên xe nhìn chằm chằm khó chịu về phía gã.
***
Tôi còn nhớ một lần bố tôi kể về một người ăn xin. Khi đó ông nội và bố tôi đang đóng gạch ở lò. Trời mưa. Bố và ông chạy cơn mưa, cất dọn gạch để khỏi bị mưa (nếu gạch chưa nung mà bị mưa thì sẽ hỏng, tôi nghĩ thế vì nó vẫn đang là đất). Một lão ăn xin đến nài nỉ xin ông nội tôi. Ông tôi bảo:
- Trông ông to béo khỏe mạnh thế kia mà không tự đi làm mà kiếm miếng ăn. Tôi ốm yếu hơn ông còn chạy gạch còn chưa xong đây này!
Lão ăn xin đi khỏi lò gạch.
***
Góc Tâm Hồn GocTamHonorg an may Gã ăn xin
Cách đây mấy năm, tôi cũng khá hớ hênh khi cho tiền một lão ăn xin.
Đó là vào dịp sinh nhật của Giang (bạn học cùng cấp 3 nhưng bây giờ tôi coi nó như em gái). Trong lúc đợi nhau ở trước trung tâm xúc tiến thương mại Hà Đông, chúng tôi gặp một lão ăn xin. Lão chìa tay xin tôi. Tôi sẵn trong túi 5k nên liền đưa cho hắn mà không chút suy nghĩ. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng chỉ là 5k thôi nên cũng không có gì phải tiếc nếu giúp được người ta. Hơn nữa, tôi cũng ít khi tiêu tiền, nhưng nếu dùng cho mục đích rõ ràng, chính đáng thì tôi sẵn sàng tiêu.
Vừa đưa tiền cho lão xong, tôi quay lại thì các bạn bảo tôi là sao lại cho tiền ông ta. Tôi ngẩn ngơ vì thấy chả có vấn đề gì ở đây cả. Rồi các bạn tôi bảo rằng bây giờ người ta giả ăn xin rất nhiều để lừa lấy lòng tốt của mọi người. Tôi chống chế nhưng thấy mọi người ai cũng nói vậy nên tôi cũng ngờ ngợ và tin.
Sau lần đó cũng như sau một số lần đọc trên các báo thì tôi nhận ra rằng bây giờ giả ăn xin rất nhiều. Tôi trở nên cảnh giác hơn và gần như không bao giờ cho ăn xin nữa.
***
Mới đây, tôi có đọc một bài báo kể về tâm sự của một người khi từ chối người ăn xin. Quả thật để phân biệt thật giả bây giờ rất khó, nếu không cho mà đó là ăn xin thật thì tội, mà nếu cho mà đó là ăn xin giả thì hớ hênh quá.
Đôi khi chúng ta cũng dằn vặt bản thân một chút về hành động ứng xử trước việc người ăn xin xin tiền. Nhưng tôi nghĩ rằng không cho họ tiền là một quyết định đúng đắn hơn cả. Thứ nhất, bây giờ thật giả lẫn lộn, mà giả thì nhiều hơn thật. Thứ hai, điều thứ hai thuyết phục hơn, đó là người ăn xin là một người ỷ lại vào người khác. Tôi lấy ví dụ như câu chuyện về ông nội tôi ở trên chẳng hạn, họ có sức khỏe để đi khắp Hà Nội xin tiền thì sao không tự mà đi kiếm lấy miếng ăn bằng cách lao động. Thứ ba, điều cuối cùng, tôi chưa kiếm ra tiền, đồng tiền mà tôi có, tôi cầm đều là mồ hôi, nước mắt của bố mẹ, tôi không thể dùng nó để cho kẻ lười biếng.
Còn các bạn thì sao? Hãy chia sẻ cảm nhận của các bạn về vấn đề này nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét