Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Các hệ phái Tin lành



Hỏi: Kính thưa cha,
Mới đây ông Tony Blair, nguyên Thủ Tướng nước Anh, trở lại Công Giáo. Được biết ông trước đây là người Tin Lành. Trong sở làm của con cũng có nhiều người Tin Lành lắm. mỗi lần có dịp ăn cơm trưa, ngồi chung với nhau, và nếu đề cập đến Kinh Thánh thì ôi thôi họ nói quá trời luôn…nhưng có điều là họ như không đồng ý với nhau về nhiều điểm lắm. Con không có ý trình bày thắc mắc về những điểm họ nói với nhau. Chỉ muốn biết đôi chút về đạo Tin Lành, bởi vì con thấy nào là Tin lành Lutheran, nào là Tin lành Baptist, nào là Tin lành Presbytarian… phải chăng cũng giống như các dòng tu công giáo, họ có tên riêng cho từng cộng đoàn? Xin cha bớt chút thời giờ giúp con hiểu biết hơn. Xin cám ơn cha ( Thanh Hằng).
Đáp: 
Thanh Hằng thân mến,

Nói đến Tin lành chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn vì Tin lành không phải là một Giáo Hội thống nhất có một vị lãnh đạo cấp cao duy nhất hay có một cơ cấu phẩm trật như trong Giáo Hội Công Giáo. Ngay từ ngữ ám chỉ những giáo phái phát sinh từ phong trào cải cách của Luther cũng không luôn luôn đồng nhất. chúng ta có những từ ngữ sau đây trong tiếng Việt “ Tin lành, Thệ phản, Cải cách” khi thì được chỉ chung cho các hệ phái Tin lành khi thì chỉ một nhóm có chủ trương riêng biệt.

Trước tiên, chúng ta phải nói đến ba người sáng lập đầu tiên là ông Luther(1483- 1546) Zwingli(1481- 1532) và Calvin (1509- 1564). Thoạt đầu khi đặt tên cho phong trào của mình là Tin lành, ông Luther muốn nhấn mạnh đến việc trở về với Phúc Âm, trở về với Kinh Thánh. Ông chủ trương con người được cứu rỗi nhờ lòng tin vào Chúa Kitô chứ không nhờ vào việc lành của người tín hữu, càng không phải nhờ vào các ân xá do Hội Thánh ban. Vào thời đó có một số nhà giảng thuyết muốn lôi cuốn giáo dân cúng thật nhiều tiền cho Giáo Hội nên đã có lối trình bày phóng đại quá đáng về ân xá khiến gây ra nhiều ngộ nhận làm cho nhiều người tưởng ân xá có thể mua bằng tiền.

Đó cũng là lý do khiến cho ông Luther đưa ra 95 đề cương niêm yết tại Wittemberg năm 1517 phản đối Giáo Hội Công giáo và khai mào cho phong trào cải cách. Ông khai triển 4 chủ đề sau đây:
· 1/ con người chỉ được cứu rỗi nhờ đức tin theo sự tiền định của Thiên Chúa.
· 2/ chỉ có Kinh Thánh có quyền tối thượng trong Giáo Hội.
· 3/ chức tư tế cộng đồng của các tín hữu loại trừ chức tư tế thừa tác ( do Bí tích truyền chức).
· 4/ chỉ có Bí Tích Rửa Tội vàThánh Thể được Chúa Giêsu thiết lập.

Phong trào của ông từ Đức lan rộng sang trung tâm Châu Âu, Bắc Âu rồi sang nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

Ông Zwingli người Thụy Sỹ theo phong trào Cải cách cùa Luther năm 1520. với tài hùng biện ông đã kéo được cả thành phố Zurich. Về giáo thuyết ông không đồng ý với Luther về việc Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong hình bánh rượu. Về bí tích ông chỉ nhận có hai Rửa Tội và Tiệc Ly. Tiệc Ly chỉ là kỷ niệm. ông chủ trương để các tín hữu được tự do giải thích Thánh Kinh theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Từ Zurich phong trào Cải cách lan tràn mau chóng sang các thành phố ở Thụy Sỹ. năm 1531 ông chết trong một trận chiến ở Cappel. Nhóm của ông không phát triển được và đã phải sáp nhập với phong trào của Calvin sau đó.

Calvin thuộc thế hệ thứ hai của phong trào Cải cách. Ông là người Pháp di trú tại Genève và ông đã biến thành phố này lên thành trì của phong trào Cải cách để tỏa lan ra nhiều nước khác. Tư tưởng của ông gần với Luther dù vẫn có một số dị biệt liên quan đến sự tiền định và sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể nhất là quan niệm về Hội Thánh. Quyển sách chính của ông là “ định chế Kitô Giáo” trong đó ông trình bày nền thần học và cấu trúc của Giáo Hội; đặc biệt chức Giám Mục được thay thế bằng một hệ thống công nghị trong đó các tín hữu và mục sư được bầu sẽ là người thi hành quyền bính. Các cộng đoàn bên Thụy Sĩ và Hòa Lan theo Calvin tự xưng là Giáo Hội Cải cách. Nhưng khi lan sang Bắc Mỹ và Scotland thì mang danh là Giáo Hội Trưởng lão (Presbyterian Church).

Từ gốc chính của ba vị sáng lập Tin lành nói trên theo dòng lịch sử chúng ta đã chứng kiến nhiều phân nhánh thành các hệ phái Tin lành mang tên khác nhau như Giáo Hội Trưởng lão, Luther, Methodist, Baptist, Cơ Đốc Phục Lâm… sự phân hóa của các phong trào Tin lành phần nào tiềm tàng trong chính những nguyên tắc của họ. Khi nhấn mạnh tới cảm nghiệm cá nhân trong việc giải thích Kinh Thánh mà không tuân theo một qui chuẩn nào thì sẽ dẫn đến những bất đồng ý kiến và nếu ai không đồng ý có thể ly khai lập ra nhóm mới.

Sau đây xin được giới thiệu một vài hệ phái Tin lành

Các Giáo Hội Luther

Cộng đồng các Giáo Hội Luther hình thành từ phong trào Cải cách khởi nguồn từ quan điểm thần học của Martin Luther được thể hiện qua các tác phẩm của ông. Hiện có gần 70 triệu thành viên thuộc các Giáo Hội Luther trên khắp thế giới, trong số khoảng 590 triệu tín hữu Tin lành mà đức tin của họ chịu ảnh hưởng từ tư tưởng cải cách của Luther.

Đức tin của Giáo Hội Luthe đặt nền tảng trên Kinh Thánh. Tín hữu tin rằng Kinh Thánh được soi dẫn bởi Chúa Thánh Linh và là thẩm quyền tối hậu trong mọi lĩnh vực của đức tin và giáo huấn. họ cũng xác tín rằng dùng Kinh Thánh để giải thích Kinh Thánh là phương pháp đúng đắn và phù hợp với đức tin. Giáo huấn này được thể hiện trong sách Giáo Lý Concord ( Book of Concord ), bao gồm những tín điều của Giáo Hội Luther hình thành trong thế kỷ 16. theo truyền thống, các mục sư, giáo đoàn và các tổ chức của Giáo Hội được yêu cầu cam kết rằng mọi giảng luận và giáo huấn của họ phải phù hợp với bản tín điều Luther. Theo truyền thống, cộng đồng các Giáo Hội Luther xem Kinh Thánh là không sai lầm, mặc dù có một vài giáo phái thuộc cộng đồng xem Kinh Thánh là một tác phẩm của con người, vì vậy có thể có sai lầm, nhất là trong lĩnh vực lịch sử và khoa học.

Giáo lý căn bản của Luther là sự công chính hóa: Loài người nhận lãnh sự cứu rỗi chỉ bởi ân sủng của Thiên Chúa ( Sola Gratia), chỉ qua đức tin ( Sola Fide), và chỉ do công nghiệp của Chúa Kitô ( Solus Christus).

Nhiều người trong cộng đồng các Giáo Hội Luther quan tâm đến nghi lễ thờ phượng, mặc dù có nhiều nhóm trong cộng đồng không đồng ý với quan điểm này. Âm nhạc giữ vai trò quan trọng trong nghi lễ thờ phượng truyền thống của Giáo Hội Luther. Dạy giáo lý, nhất là cho trẻ em rất được xem trọng trong hầu hết các Giáo Hội Luther. Họ duy trì các lớp học Giáo Lý ngày Chúa Nhật, tổ chức giữ trẻ và trường tiểu học. cũng có các trường trung học và đại học.

Mục sư quản nhiệm nhà thờ thường được huấn luyện đầy đủ về thần học, Hy Lạp và Hipri để có thể tham khảo Kinh Thánh trong nguyên ngữ. Mục sư Giáo Hội Luther được phép kết hôn và có con cái.

Các Giáo Hội Trưởng Lão

Thuật ngữ Trưởng lão đến từ tiếng Hy Lạp Presbyteros, nghĩa là “ các kỳ lão” , ngụ ý những người được tôn trọng trong cộng đồng và thường không tính đến tuổi tác. Các Giáo Hội Cải cách chấp nhận thể chế Trưởng lão thay vì thể chế giám mục thường được gọi chung là Giáo Hội Trưởng lão. Khuynh hướng thần học của Trưởng lão bao gồm trong năm điều duy nhất tóm lược năm tín lý căn bản là:

· Sola gratia ( Duy ân sủng)

Chỉ bởi ân sủng mà con người nhận lãnh sự cứu rỗi, không phải bởi công đức. Như thế, cứu rỗi là sự ban cho đến từ Thiên Chúa, không phải từ nỗ lực của con người.

 · Sola Fide ( Duy đức tin )

 Con người được coi công chính chỉ bởi đức tin, không phải bởi việc lành. Giáo lý này có thể được tóm lược trong mệnh đề sau “ đức tin dẫn đến sự công chính hóa và việc lành”. Tín lý này đôi khi được xem là nguyên lý nền tảng hình thành cuộc cải cách do vai trò trọng tâm của nó trong học thuyết Martin Luther.

 · Sola scriptura (Duy Thánh Kinh)

Kinh Thánh là lời Thiên Chúa, là thẩm quyền và mạc khải duy nhất đến từ Thiên Chúa được ban cho mọi người ( nghĩa là mọi người có thể hiểu và giải thích Kinh Thánh).

 · Solus Christus hoặc Solo Christo ( Duy Chúa Kitô)

Chúa Kitô là đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. không qua bất kỳ trung gian nào khác ngoài Chúa Kitô. Tín lý này bất đồng với giáo lý Công giáo về sự cầu thay nguyện giúp của các thánh và về chức năng của linh mục.

· Soli Deo gloria (Duy Thiên Chúa được tôn vinh )

Mọi vinh hiển đều dành cho Thiên Chúa, vì sự cứu rỗi là công việc bởi tay người làm – không chỉ là sự chết chuộc tội của Chúa Giêsu trên thập tự giá, nhưng còn là sự ban cho đức tin hầu con người được cứu rỗi bởi sự chuộc tội ấy.

Nền thần học này được thực hành bởi các giáo hội Tin lành có quan hệ lịch sử với giáo huấn của John Calvin. Nguồn gốc thể chế của Trưởng lão phát xuất từ cuộc Cải cách Tô Cách Lan (scotland) dưới sự lãnh đạo của John Knox. Thần học Trưởng lão đặc biệt nhấn mạnh dến quyền chủ tể trị vì của Thiên Chúa, bao gồm sự cứu rỗi dành cho con người, coi trọng thẩm quyền của Kinh Thánh.

Giáo Hội Trưởng lão tự phân biệt mình với các hệ phái khác qua chủ trương thần học và cấu trúc tổ chức. Chức vụ Trưởng lão được phân biệt theo chức năng do Giáo Hội uỷ nhiệm : trưởng lão chuyên trách giảng dạyvà trưởng lão đảm nhiệm công việc quản trị. Cả hai đều được tấn phong và có quyền tham dự các hội đồng giáo đoàn (session), chịu trách nhiệm về kỷ luật, giáo huấn và truyền giáo của giáo đoàn. Thông thường nơi các giáo đoàn lớn, nhiệm vụ quản lý việc xây dựng cơ sở vật chất, tài chính, giúp đỡ người thiếu thốn được giao cho một nhóm viên chức được giáo đoàn bầu chọn gọi là chấp sự, trong khi các Trưởng lão chuyên trách giảng dạy (mục sư) chịu trách nhiệm về giáo huấn, tổ chức thờ phượng và thánh lễ. Mỗi giáo đoàn có quyền chọn và mời mục sư đến quản nhiệm, nhưng quyết định này phải được phê chuẩn bởi đoàn Trưởng lão (Presbytery).

Các Giáo Hội Baptist

Cộng đồng Baptist là một phần của phong trào TinLành ( Evangelicalism) và được xem là một trong những giáo phái thuộc cộng đồng Kháng cách (protestantism). Tín hữu Baptist nhấn mạnh đến nghi thức báp têm theo cách dầm mình, xem nghi thức này là sự tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu là Chúa và Cứu Chúa. Cấu trúc tổ chức theo thể chế tự trị giáo đoàn ( congregationalism), chú trọng vào quyền tự trị dành cho các Giáo Hội địa phương. Tín hữu Baptist gọi nhà thờ địa phương là Hội Thánh, vì họ bác bỏ các khái niệm về Giáo Hội cấp quốc gia hoặc cấp khu vực. Như vậy chỉ được xem là những tổ chức có tính hội đoàn ( không phải giáo hội), liên kết các Hội Thánh địa phương nhằm phục vụ một số mục đích như hợp tác trong truyền bá Phúc Âm, hoặc hỗ trợ nhau để phát triển.

Những xác tín của cộng đồng Baptist được thể hiện qua cách trình bày sau với nội dung xuất phát từ những chữ cái đầu dòng ( theo tiếng Anh) :

Biblical authority ( thẩm quyền Kinh Thánh).
Autonomy of the local church ( quyền tự trị của Hội Thánh địa phương).
Priesthood of all believers ( chức vị tư tế dành cho mọi tín hữu).
Tow ordinances – Believer’s Baptism and Symbolic CommUNI0N ( chỉ có hai nghi lễ - Báp têm cho tín hữu và Tiệc Thánh).
Individual soul liberty ( quyền tự do cá nhân trong các vấn đề tâm linh).

Separation of Church and State ( sự phân ly giữa Giáo Hội và nhà nước).
Two offices of the church – pastor and Deacon ( chỉ có hai chức vụ trong Hội Thánh – Mục sư và Chấp sự).

Tín hữu Baptist bác bỏ nghi thức báp têm dành cho trẻ em vì họ tin rằng, trong phạm trù của sự cứu rỗi linh hồn, cha mẹ không thể quyết định thay cho con cái của mình. Thể chế tự trị giáo đoàn, được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng Baptist, dành quyền tự trị cho các Hội Thánh địa phương trong các lãnh vực như điều hành, tổ chức và thần học. Tâm điểm của nghi thức thờ phụng Baptist là bài giảng. bài giảng thường có độ dài từ 30 phút đến 60 phút. Diễn giả có thể chọn trình bày bài giảng của mình theo phương pháp luận giải – tập chú vào một đoạn Kinh Thánh và giải thích ý nghĩa của nó – hay theo chủ đề, biện luận về một chủ đề đang được quan tâm, với sự hỗ trợ của các đoạn Kinh Thánh liên quan. Bên cạnh đó là phần âm nhạc, với sự tham gia của các ca đoàn và toàn thể giáo đoàn.

Tiệc Thánh có thể được cử hành hằng tuần, hằng tháng hoặc ba tháng một lần, thường vào cuối lễ thờ phượng. tín hữu dự Tiệc Thánh để tưởng niệm sự chết của Chúa Kitô và để dự phần vào mình và máu của Chúa Giêsu, được biểu trưng bởi bánh vả nước.

Ước tính có hơn 90 triệu tín hữu Baptist trên toàn thế giới tập trung trong gần 300.000 giáo đoàn, với khoảng 47 triệu tín hữu Baptist tại Hoa Kỳ.

Vì sự giới hạn của mục này chúng tôi chỉ xin trình bày cách sơ lược với các tài liệu thu thập được về các hệ phái tin lành. Qua những gì trình bày ở trên, Thanh Hằng cũng thấy rằng các hệ phái Tin Lành không giống chút nào với các dòng tu Công giáo vì đó là cộng đoàn của những người hiến mình cho Chúa qua việc tuyên khấn ba lời khuyên Phúc Âm khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục theo mục tiêu và tinh thần riêng của mỗi Hội Dòng.

Ngưòi phụ trách: 
Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Bích, DCCT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét