Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Ơn gọi tận hiến



In
Kính thưa cha, 
Chắc cha không biết con. Con xin tự giới thiệu con là Th. sống ở S.D., Hoa Kỳ. Được biết cha qua Vietcatholic.net. Con muốn hỏi cha vài câu hỏi xin cha giúp con. 
1. Làm thế nào để biết mình có ơn gọi? 
2. Như con đã vài lần có ý đi tu, nhưng còn nhiều lo lắng cho cuộc sống. Thí dụ trong một biến cố nào đó trong cuộc sống, làm cho mình nhận ra ơn gọi của mình (ví dụ như học hành không thành đạt, thất bại trong tình trường, thích đời sống độc thân, cầu nguyện nhiều là hạnh phúc và bình an và đã có ý định đi tu từ trước. Như thế có phải là ơn kêu gọi không? 
3. Con đã 33 tuổi còn thích hợp cho ơn kêu gọi không? 
Xin cha giúp con. Cảm ơn cha. Thuận. 
********
Thăm Th., 
Greetings from Melbourne, Australia 
Sau đây là phần giải đáp, chia sẻ với Th. về ơn gọi: 
1. Làm thế nào để biết mình có ơn gọi: Một người được coi là không có ơn gọi khi trong suốt cuộc sống bình thường hàng ngày của họ, họ không bao giờ nghĩ tới việc ơn gọi. Dấu hiệu của ơn gọi là trong một hay nhiều khoảnh khắc nào đó của cuộc sống, một người bị loay hoay với việc Chúa có gọi mình hay không. Như thế, tóm lại, cứ căn cứ vào lá thư ngắn ngủi của Th. viết rằng "đã có nhiều lần có ý định đi tu" thì tôi có thể nói Th. có thể có ơn gọi đấy (ơn gọi để dâng mình tận hiến trong hàng ngũ tu sĩ hay Linh mục) 
2. Người đi tu (dâng mình tận hiến) không phải là người đã dứt khoát được mọi lo lắng của cuộc sống trần thế, mà trong nhiều trường hợp (nhất là trường hợp của những người đã đến tuổi thành niên), người ấy "phải chiến đấu" cách cam go, dành phần thắng cho việc dâng mình tận hiến: Học hành không thành đạt là dấu hiệu của việc không có ơn gọi; Thất bại trong tình trường cũng là dấu hiệu của việc không có ơn gọi. Vì khi dâng mình là dâng cho Chúa những gì quí giá mình có (trí khôn minh mẫn, học hành giỏi dang... đời sống thanh niên của họ có nhiều người ao ước muốn chiếm hữu, nhưng người ấy không muốn trao cho họ, mà muốn dâng cho Chúa, như thế mới đáng quí. Còn trong trường hợp mình đi tứ lung tung tìm người để cho cuộc đời mình mà không ai nhận, nên đành dâng cho Chúa, như thế thì Chúa nhận thế nào được. Thí dụ như khi dâng lên Chúa hai bông hoa với những lời lẽ như sau: (Bông thứ nhất) "Lạy Chúa con xin dâng lên Chúa bông hoa này, nhưng cũng xin thưa lên Chúa biết là con cho nhiều người lắm, nhưng không ai muốn lấy cả, nên con đành cho Chúa" và (Bông thứ hai) "Lạy Chúa con xin dâng lên Chúa bông hoa này, nhiều người muốn xin lắm, nhưng con không cho, mà con muốn dâng cho Chúa.". Bông hoa nào quí hơn? 
Việc thích sống đời sống độc thân có thể là dấu hiệu của ơn gọi, nhưng động lực của việc thích sống độc thân là động lực nào? Có phải là vì không thể chịu nổi với sự hiện diện của người chung quanh, hay là thù ghét những người chung quanh? Tu hay tận hiến trong Công giáo là vào đời, là dấn thân vào với đời, là sống với đời và yêu đời, và yêu người. 
Thích cầu nguyện và cầu nguyện nhiều, cũng có thể là dấu hiệu của ơn gọi, nhưng phải để ý về nguyên nhân thúc đẩy đến việc cầu nguyện: Có phải cầu nguyện để tìm nguồn an ủi vì không tìm được chia sẻ nơi người chung quanh, vì không tin vào mọi người, hay vì không có bạn bè để tâm sự? 
3. Ba mươi ba tuổi hay bao nhiêu tuổi cũng đều thích hợp cho ơn gọi. Đối với Chúa không có tuổi và không có thời gian (Ta là Alpha và Omega - nguyên thủy và cùng đích). 
Đề nghị Th. nên gặp một Cha Linh Hướng để xin Ngài chia sẻ cách thực tế hơn về ơn gọi. Vì qua e-mail tôi chỉ có thể chia sẻ với Th. được như thế thôi. Nhiều những chi tiết về đời sống cá nhân, môi trường chung quanh và hoàn cảnh xã hội cũng không phải là không quan trọng trong việc khám phá ra một ơn gọi. 
Chúc Th. luôn có được sự an bình. Cầu cho nhau. Thân mến. 
Lm. J. Bùi Ðức Tiến 
Nguồn: vietcatholic.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét