Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Nói với bạn trẻ về ơn gọi Tận Hiến



In
(Với đề tài trên đây, tôi xin được viết dưới hình thức một"Tâm thư gởi người bạn trẻ"). 
Bạn trẻ thân mến, 
Khi còn là Hồng Y, Đức Gioan XXIII, trong buổi nói chuyện với giớI trẻ thành phố Milano, đã phát biểu quan niệm của Ngài về ơn kêu gọi như sau: "Ơn kêu gọi có nghĩa là Thiên Chúa mời gọi một người vào một bậc sống và lãnh nhận một sứ mệnh; và người đó tự do và tích cực đáp lại". (Dc 1957,tr.562) Hiểu theo Đức Gioan XXIII, thì mỗi người chúng ta đều đã có ơn gọi: Ơn gọi làm Kitô hữu. Và thêm vào ơn gọi làm kitô hữu, các linh mục và tu sĩ còn có ơn gọi tận hiến hay đi tu; và những ai lập gia đình, họ có thêm ơn gọi sống đôi bạn hay làm cha mẹ. Ơn gọi đi tu hay sống đôi bạn, không mâu thuẫn với ơn gọi làm Kitô hữu, trái lại củng cố thêm, làm cho vững mạnh và phong phú hơn. Chính vì thế, trước khi nói về ơn gọi linh mục (LM 11; TG 16 ĐT 2, GM 15, GH 41), tu sĩ (DT 25, GH 47, GM 15), giáo dân (TĐ 7, GH 37), ơn gọi thừa sai (TG 23, 39-43); hay làm cha mẹ (GH 32, MV 52) v.v..., Công Đồng Vatican II đã nói nhiều đến ơn gọi làm Kitô hữu, vì đây là ơn gọi nền tảng của mọi ơn gọi (GH 10-11; 31-36; 39-41). 
Hôm nay, trong bức thư nhỏ này, tôi muốn cùng các bạn suy nghĩ về ơn gọi tận hiến, hay nói rõ ra là ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ, làm giáo dân tận hiến, bằng cách trả lời một câu hỏi sau đây: NGƯờI TRẺ PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NHẬN RA MÌNH ĐƯỢC CHÚA GỌI LÀM LINH MỤC, LÀM TU Sĩ HOẶC LÀM GIÁO DÂN TẬN HIẾN ? 
Bạn trẻ thân mến. 
Muốn biết mình có ơn gọi tận hiến hay không, trước tiên người trẻ phải bỏ MẶC CẢM tiêu cực cho rằng mình bất xứng, mình dốt nát, mình tội lỗi, mình thiếu tài năng... Cũng như ơn gọi làm Kitô hữu, ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ là ơn Chúa ban. Chúa là người đi bước trước, là người đưa ra sáng kiến kêu gọi chúng ta theo Ngài. Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ:"Không phải chúng con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn chúng con". Quả vậy, Giavê đã làm cho Đavít, từ một đứa bé chăn chiên quê mùa, trở thành một tiên tri, một đại vương xây dựng và lãnh đạo dân Chúa (1Sm 16-17). Còn Chúa Giêsu, Ngài đã huấn luyện Phêrô, Giacôbê, từ những anh thuyền chài (Mc1,16-20; Mt 9,9-13), trở nên những giường cột của Giáo Hội. Nếu Chúa đã dẫn dắt Gioan Viannê, từ một cậu bé dốt nát hết chỗ nói, trở thành một linh mục, một cha sở thời danh, một vị thánh cả trong Giáo Hội (1); nếu Chúa đã trao cho Mađalêna, một người đàn bà bị tiếng xấu nết trong thành, sứ mệnh làm chứng việc Chúa sống lại (Ga 20,1-18); nếu Chúa đã gọi Bernadette, một cô gái vừa dốt, vừa nghèo, vừa tàn tật, thành nữ tu, thành người đem sứ điệp Lộ Đức cho thế giới từ hơn 100 năm nay (2)... thì tại sao ngưới trẻ còn nằm lý trong mặc cảm "bất xứng" để không bao giờ cầu nguyện với Chúa:"Lạy Chúa, con muốn làm linh mục, con muốn làm nữ tu... để phục vụ Chúa và anh em... Xin Chúa dẫn đường con đi "... Các bạn trẻ hãy xác tín rằng, nếu chúng ta thành tâm thiện chí, thì ơn của Chúa sẽ giúp cho thiện chí của chúng ta thành tựu. Xin các bạn nhớ kỹ điều này: Ơn Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của người trẻ (3). 
Còn một thái độ tiêu cực khác cản trở ơn gọi của người trẻ, đó là Sợ HãI. Sự sợ hãi có thể đến từ mặc cảm tự ti như chúng ta vừa nói. Sự sợ hãi còn có thể đến với người trẻ từ một cách sống hay một việc làm không đúng của người đi tu, linh mục hay tu sĩ (4). Sự sợ hãi này càng lớn khi người trẻ đánh giá quá cao con người linh mục hay tu sĩ. Người trẻ cần có một quan niệm đúng về linh mục hay tu sĩ: Linh mục hay tu sĩ không xuất thân từ thế giới siêu phàm, nhưng từ những gia đình, từ những tầng lớp xã hội và từ những hoàn cảnh sống tương tự như của bất cứ một bạn trẻ nào. Linh mục và tu sĩ là những người như mọi người, và hơn thế, là những người ý thức sâu xa sự yếu hèn của mình và của nhân loại, nên muốn tìm đến CHÂN THIỆN MỸ bằng con đường tu trì, và đồng thời muốn giúp cho người khác cùng vươn tới. Đành rằng có ơn Chúa là sức mạnh, nhưng trên đường lý tưởng và trong lúc phục vụ, có những lúc, linh mục hay tu sĩ mỏi chân phải dừng lại, có những lúc tuột chân vấp ngã, hay tệ hơn, có những lúc trụt lùi... Không có gì lạ, sống giữa trần gian, là con người trần gian, linh mục hay tu sĩ có thể mang tham vọng và ngôi thứ như Gioan và Giacôbê, con bà Giêbêđê (Mt 20,20-28); có thể yếu mệt và mê ngủ như các Tông Đồ trong vườn cây dầu (Lc 22,45-46), có thể hèn nhát, trốn chạy hay chối Chúa như Phêrô (Mc 14,50-51), và cứng lòng như Thoma (Ga 20,25-28)... Do đó, người trẻ đừng hoảng hốt và nản chí, khi thấy một linh mục hay tu sĩ sai lỗi, vấp ngã. Thái độ tích cực của người trẻ lúc đó là cầu nguyện cho họ và tự nhủ với mình: "Tôi sẽ cố gắng để không làm như vậy". 
Người trẻ còn một mối sợ nữa, đó là Sợ DẤN THÂN, sợ hy sinh. Giống như người thanh niên nọ trong Phúc âm. Chàng hăm hở đến hỏi Chúa đủ điều và xin đi theo Chúa. Thế nhưng khi Chúa bảo phải bán của cải đi, rồi đến theo Chúa, chàng thanh niên lập tức tiu nghỉu và rút lui (Mt 19,16-26). Xin người trẻ nhớ hộ rằng: không có một ơn gọi, một bậc sống nào dễ dàng hết. Ơn gọi nào cũng có Thánh Giá phải vác và đường chông gai phải qua. Từ ơn gọi làm kytô hữu đến ơn gọi lập gia đình hay đi tu, tất cả đều phải dấn thân, phải chiến đấu, phải bỏ mình. Và ơn gọi làm Kitô hữu, người ta bảo: "Vào đạo thì dễ, sống đạo thì khó", và ơn gọi lập gia đình, người ta nói: "Cưới vợ lấy chồng thì dễ, sống cho trọn đạo vợ nghĩa chồng mới là khó"; và ơn gọi đi tu làm linh mục hay tu sĩ, người ta cũng nhận định: "Chịu chức linh mục hay khấn dòng là dễ, sống cho trọn vẹn đời sống linh mục hay tu sĩ mới là điều khó". Dĩ nhiên khó đây không phải là không thể được. Không thể được với sức riêng của con người, nhưng với niềm tin, với ơn Chúa mọi sự đều có thể. Hạnh phúc cho chúng ta, những Kitô hữu, những đôi bạn, những linh mục hay tu sĩ, chúng ta luôn có Chúa đồng hành. Và như Chúa đã nói với Phaolô: "Ơn Chúa luôn đủ cho chúng ta" (2Cr 12,9). Niềm tin và đời sống cầu nguyện tuyệt đối cần thiết cho chúng ta sống ơn gọi. Cứ thiện chí chiến đấu, Chúa sẽ giúp chúng ta. 
Bạn trẻ thân mến, 
Muốn thấy mình có ơn gọi làm linh mục, tu sĩ hay không, sau việc giải trừ những mặc cảm tiêu cực và sợ hãi quá đáng, người trẻ còn phải để ý đến những DẤU CHỈ tế nhị, những tiếng gọi thầm kín và nhẹ nhàng của Chúa ngay trong cuộc sống hằng ngày của người trẻ. Mỗi người có một hoàn cảnh sống, vì thế mỗi người được Chúa kêu gọi một cách khác nhau trong một hoàn cảnh khác nhau. Đọc Sách Thánh, bạn thấy Chúa gọi Maisen nơi bụi gai bốc cháy (Xh 3,1-6), Chúa gọi Isaia trong đền thờ (Is 6,1-8), Chúa gọi Giêrêmia qua cuộc đối thoại thân tình (Gr 1,1-10), và Chúa gọi Samuen giữa đêm khuya (Sm 3,1-20). Còn Chúa Giêsu, Ngài gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan khi các ông ngồi vá lưới trên bãi biển (Mc 1,16-20, Mt 9,9-13); Ngài gọi Matthêu khi đang làm việc tại phòng thu thuế (Lc 5,27-28); Ngài gọi Phaolô khi đang phóng ngựa lùng bắt kytô hữu (Cv 9,1-8; 22,6-16; 26,12-18). Đến lượt bà Têrêsa Calcutta, bà tìm thấy ơn gọi của bà khi chứng kiến những ngườI Ấn Độ nằm chết trên vệ đường (5); Và nữ tu Emmanulle lại nhận ra tiếng Chúa khi tiếp xúc với những người nghèo sống trên bãi rác tại ngoại ô thành phố Caire nước Ai Cập (6). Rồi năm 1985, tuần báo Panorama d'Aujourd'hui đã đăng lời chứng của một sinh viên cử nhân toán 21 tuổi, tên là Adold Chassagnon. Anh đã xin vào năm dự bị trước khi nhập đại chủng viện và anh tuyên bố: "Chính trên đường đi đến nhà thờ Saint Sulpice, tôi đã mở Phúc âm ra đọc và gặp câu 'hãy để kẻ chết chôn kẻ chết' (Mt 8,22). Câu đó đã làm tôi suy nghĩ và dấn thân tìm ơn gọi" (7). Trường hợp của anh Adold Chassagnon giống phần nào trường hợp của thánh Antôn. Ngài tìm thấy ơn gọi tu hành của ngài khi dự lễ và nghe lời Phúc âm: "Ai muốn theo Ta, hãy về bán hết của cải, cho kẻ khó và đến theo Ta" (Mc 8,34). Tôi dám quyết rằng không thiếu những dấu chỉ, những lời gọi trong đời sống của mỗi người bạn trẻ. Điều cần là phải tỉnh ý nhận ra với niềm tin chân thành. Sau đây tôi xin gợi lên ít dấu chỉ liên quan đến tất cả các bạn trẻ chúng ta. 
Trước tiên là các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại quốc gia bạn đang sống. Sự hiện diện của các linh mục và tu sĩ việt nam rất cần thiết cho sự sinh tồn của các Cộng Đoàn. Nhiều lần các Đức Giám Mục sở tại, đã kêu gọi các Cộng Đoàn Việt Nam hãy tự liệu cho có ơn gọi linh mục và tu sĩ hầu bảo đảm cho tương lai. Nói cách khác, các Đức Giám Mục muốn lưu ý riêng những người trẻ hãy nghĩ đến sự sống còn của cộng đoàn trong 15, 20 năm nữa. 
Tiếp đến là tương lai của Giáo Hội và dân tộc Việt Nam ở quê nhà. Không cần dài lời, ai cũng biết Giáo Hội Việt Nam đang bị tê liệt và bị bóp chết dần bởi chế độ vô thần. Là người trẻ Việt Nam, tương lai của Giáo Hội và của Dân Tộc, các bạn phải làm gì tích cực nhất hầu đáp ứng nhu cầu tương lai của Giáo Hội và Dân Tộc, khi lịch sử xoay vần và cho phép chúng ta trở về sống lại Quê Hương. Người trẻ đừng chỉ biết sống hôm nay, nhưng phải hãy chuẩn bị cho ngày mai, có thể là 15, 20 năm nữa. 
Mở rộng hơn nữa, người trẻ là tương lai của Giáo Hội hoàn vũ, vì thế, tôi ao ước người trẻ hãy ghi tâm lời dạy của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô, vào "năm quốc tế của giới trẻ" (1985). Ngài nói: "Giới trẻ là tương lai của Giáo Hội, người trẻ đừng mặc cảm, đừng sợ dấn thân, nhưng hãy nhớ luôn: Chúa Kytô yêu thương các bạn, Chúa Kytô kêu gọi các bạn, các bạn hãy đáp lại lời mời gọi của Ngài cách quãng đại và chân thành" (8). 
Bạn trẻ thân mến, 
Ý thức tích cực được như vậy, mỗi người bạn trẻ chắc chắn tìm thấy con đường Chúa muốn bạn đi, và sẽ cố gắng đáp lại lời Chúa thao thức: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt ít quá, hãy cầu xin Chúa ruộng sai thêm thợ gặt đến..." (Lc 10,2). 
Bạn trẻ thân mến, 
Dưới đây là lời kinh của bạn: 
Lạy Chúa Giêsu, / nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần, / xin Chúa thánh hóa các linh mục, / tu sĩ, / chủng sinh / và chiến sĩ truyền giáo. / Xin Chúa giúp họ luôn kiên trì trong đời sống thánh thiện đã lựa chọn. / Xin Chúa gìn giữ và biến cải họ / thành những cộng tác viên hoàn hảo của Chúa, / trong công việc cứu chuộc loài người. / Lạy Chúa Giêsu, / nhờ tình yêu Chúa Thánh Thần, / xin Chúa ban cho Hội Thánh thêm nhiều ơn gọi tận hiến. / Chúa biết rõ những tâm hồn / đang sẵn sàng theo chân Chúa và làm việc cho Hội Thánh. / Xin Chúa ban cho nhiều người trẻ / biết quảng đại và can đảm, / đáp lại tiếng Chúa và Hội Thánh mời gọi. / Lạy Chúa Giêsu, / nhờ lời bầu cử của Đức Maria, / xin Chúa ban cho chúng con ơn can đảm và đức khiêm nhường, / chí trung kiên và lòng yêu mến, / để chúng con góp phần mở Nước Chúa, / bằng nỗ lực yểm trợ ơn gọi sống tận hiến, / và làm việc tông đồ trong Hội Thánh Chúa. / Amen. (dựa theo lời kinh chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cầu nguyện tại Vatican ngày 2.2.1983, lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ) 
----------------------------------------------------------------------------
(1) Mgr Francis Trochu: "Le Curé d'Ars" éd. Résiac, 1998, chap.V 
"Une vocation tardive" pp. 63-74. ĐHY Ph.X. Nguyễn Văn Thuận: "Những người Lữ Hành trên Đường Hy Vọng", đọc "Thầy Vianney bền chí " tr. 23. 
(2) Phan Hữu Lộc: "Chuyện Bernadette Lộ Đức", Lavang 2001, chg I "Nghèo đến rớt mồng tơi" tr. 11-16. 
(3) Có thể đọc thêm sách "Gương Chúa Giêsu" cuốn III: "Nhớ lại Ơn Chúa" XXII, tr.220-223. 
(4) Một thí dụ nóng bỏng hiện nay là "nhiều linh mục hay tu sĩ " đã bị tố cáo và ra tòa về "tội xúc phạm đến dục tính" của trẻ em. Và bao nhiêu "trường hợp sa ngã khác" cuả linh mục, tu sĩ. 
(5) Anna Sebba "Mère Teresa", ed Golias, 1997, pp.68-77. 
(6) Pierre Lunel "Soeur Emmanelle", Ed Anne Carrière, 2000, pp.33-41. 
(7) Panorama d'Aujourd'hui, 6.1985, p. 16. 
(8) Sau đây là những con số để giúp bạn trẻ suy nghĩ: Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại, theo kết quả cuả lá thư thăm dò chúng tôi gửi đến 18 Tuyên Uý quốc gia tháng 02-2002, thì hiện nay có 2.483.250 người VN, trong đó có 665.380 người Công Giáo, nhưng chỉ có 385 linh mục, 4 phó tế lo cho 4 giáo xứ và 468 cộng đoàn (đọc bài "Lịch Sử Hình Thành và Nhân Số các Cộng Đoàn VN Hải Ngoại", đăng trong sách này). Giáo Hội Việt Nam, trong dịp Ad limina vào tháng 01-2002, và các GMVN đã tường trình lên Tòa Thánh, mặc dầu còn nhiều hạn chế, nhưng số tín hữu công giáo đã tăng 14,39% trong vòng 5 năm qua, so với gia tăng dân số là 5%. Hiện tại Việt Nam có 2.133 linh mục, 1.861 linh mục và nam tu sĩ Dòng. 9.654 nữ tu 676 chủng sinh. Dân số VN là 79 triệu người. Theo thống kê chính thức chỉ có 5,3 triệu người công giáo, tức 7%. Nhưng các GM cho biết con số chính xác được ước lượng là 8.000.000, tức 10% dân số (Radio Veritas). Giáo Hội hoàn vũ, theo niên giám của năm 2002, số tín hữu Công Giáo là 1 tỷ 50 triệu người trên 6 tỷ 47 triệu người trên thế giới. Giáo Hội có 4.541 giám mục, 405.178 linh mục, 27.824 phó tế vĩnh viễn, 55.057 nam tu sĩ, hơn 800.000 nữ tu và 126.000 thừa sai giáo dân và 1 triệu 640 ngàn giáo lý viên, và 110.500 chủng sinh (SD 9.2.02). 
Ðức Ông Mai Ðức Vinh 
Nguồn: vietcatholic.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét