Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Vài mảnh vụn suy tư về ơn gọi tận hiến của người Việt tại Nhật



Lời ngỏ: Nguyên thủy bài này được viết ra như một chia sẻ dành cho giáo xứ thánh Philipphê Minh ở Manitoba, Canada, nơi tôi đã từng phục vụ. Sau một lần nói chuyện với cha Hiến, phụ trách cộng đoàn người Việt công giáo ở Nhật, tôi đã chia sẻ bài viết này với ngài và cha Hiến đã muốn tôi hiệu đính lại cho hợp với hoàn cảnh và cho phép ngài đăng trên tờ Hiệp Thông của liên tu sĩ Việt Nam tại Nhật. Tôi đã làm theo lời của cha Hiến và xin chân thành gởi đến anh chị em tu sĩ Việt Nam tại Nhật cũng những ai quan tâm một vài mảnh vụn suy tư và thao thức của tôi về ơn gọi của chúng ta tại Nhật. Dĩ nhiên, vì mang tính chất suy tư của con người nên có đúng và sai; hoặc quá chủ quan. Dù sao, đây chỉ là những chia sẻ vụn vặt xuất phát từ những ưu tư về ơn gọi xin gởi đến quí anh chị em với ước mong và lời nguyện đi kèm là “Xin Chúa luôn đồng hành với chúng ta”!
Lm. Bernard Phạm Hữu Quang, p.s.s
Cũng khá lâu rồi, có lẽ gần một năm, vì bận công việc cũng có, vì trái đường cũng có... và thêm vào đó một vài lý do khác, tôi đã không có dịp thăm hai cô bé mà tôi gọi là hai “sơ nhí” đang tu kĩ trên miền núi xa xăm, tĩnh lặng, xa lánh “bụi trần”. Tôi suy nghĩ không biết hai “sơ nhí” đã đạt đến mức “thượng thừa” trong đời tu chưa? Bây giờ tiếng Nhật khá rồi và cũng quen dần với văn hóa Nhật và đời sống tu nên chắc là không còn khóc như lần đầu gặp gỡ?... Những câu hỏi tương tự như thế cứ theo đuổi tôi trong suốt quãng đường từ chủng viện đến dòng tu của hai cô bé.
Như những lần trước, hôm nay tôi cũng đi chung với một linh mục người Nhật, ngài thường lên dạy cho các sơ trong dòng một tháng một lần. Sau khi dùng cơm tối chung xong, linh mục người Nhật đi dạy; hai bà sơ Nhật, một là thỉnh sinh, một là giáo tập, cũng đi học. Tôi và hai “sơ nhí” có một tiếng đồng hồ để nói chuyện. Một tiếng đồng hồ xem ra quá ngắn ngủi vì tôi biết hai cô có nhiều điều muốn tâm sự. Nhưng “có còn hơn không” như người ta vẫn nói! Tôi ngồi đó, chăm chú nghe hết “sơ nhí” này đến “sơ nhí” khác thay nhau huyên thuyên nói. Ban đầu, thỉnh thoảng trong câu chuyện còn có chen lẫn tiếng cười hồn nhiên, bộc trực của tuổi thơ vì những cái “khù khờ” của các cô trong lần đầu tiên xa gia đình và quê hương Việt Nam, một quê hương tương đối “lạc hậu”, để thích nghi vào cuộc sống của một đất nước đã có tiếng là tiến bộ, văn minh vào hàng thứ hai trên thế giới. Cười vì những hiểu lầm trong cuộc sống gây ra bởi sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa. Cười vì có lẽ khá lâu các cô không có những tiếng cười thoải mái!... Nhưng càng dần về sau của những câu chuyện thì chỉ còn những tiếng sụt sùi chan hòa trong nước mắt. Tôi ngồi đó mà nghe lòng mình cũng buồn theo tiếng khóc của hai cô bé. Tôi cứ để cho hai cô nói và khóc tự nhiên vì có lẽ đã lâu không có ai lắng nghe nỗi buồn của các cô. Đây không phải là lần đầu hai “sơ nhí” khóc trước mặt tôi. Lần đầu tiên cách đây gần 3 năm, vào mùa đông, tôi có lên thăm khi hai cô mới qua Nhật được vài tuần. Thấy tôi, các cô cũng đã khóc như những trẻ thơ. Có lẽ, lúc đó khóc vì vui mừng khi, lần đầu tiên sau khi xa quê hương, gặp một người Việt, một linh mục, nơi chỗ “đèo heo hút gió” đó tại xứ lạ quê người. Nhưng hôm nay, gần ba năm sau, các cô cũng đã quen nhiều với ngôn ngữ và cuộc sống trong cộng đoàn hoàn toàn người Nhật mà phần lớn là các nữ tu già cả, bệnh tật, các cô lại khóc, không phải chỉ vì được gặp lại tôi, nhưng vì có những nỗi buồn trong cuộc sống của hai kẻ đang chập chững bước vào đời tu giữa nơi xa lạ và với những người không cùng máu mủ, không cùng ngôn ngữ và văn hóa.
“Đời sống tu ở Nhật không đơn giản!”, hai “sơ nhí” vừa lau nước mắt vừa tâm sự. Sau hơn hai năm ròng rã, hằng ngày phải miệt mài phấn đấu với tiếng Nhật, để rồi giờ đây, dù hiểu tiếng Nhật tương đối khá (đã có “ni kyu”), hai “sơ nhí” lại thấy càng ngày càng khó khăn hơn trong sự tương quan với các chị em người Nhật trong cộng đoàn, nhất là với sơ chịu trách nhiệm trực tiếp. Ngoài thời tiết lạnh lẽo và những món ăn không quen lắm, còn có tuổi tác quá chênh lệch; lối suy tư khác biệt vì có những bối cảnh quá khứ khác nhau; sự đòi buộc phải sống hoàn toàn như người Nhật, và vì thế, cần tránh tiếp xúc nhiều với người Việt (đây là một lý do nữa khiến tôi ít đến với hai cô và là điều làm tôi khó chịu như tôi sẽ nói đến sau này). Đó là chưa kể đến một sự “coi thường” nào đó đối với các cô vì các cô đến từ một quốc gia nghèo! (Tôi liên tưởng đến lời Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt nói trước UBND thành phố Hà Nội cách đây không lâu!)... Khó khăn tiếp nối khó khăn, và cứ thế tiếp tục đè nặng trên hai cô gái rất trẻ tới Nhật khi mới xong lớp 12!
Trong suốt buổi gặp gỡ đó, tôi không nói gì nhiều, chỉ biết lắng nghe hai “sơ nhí” vừa khóc vừa tâm sự. Thời gian một tiếng đồng hồ qua mau. Tôi phải từ giã hai cô cho dù ai trong chúng tôi cũng muốn có thêm một thời gian nữa để chia sẻ và lắng nghe. Từ giã hai cô bằng một lời nguyện và sự chúc lành, đó là những gì tôi có thể làm cho các cô ngoài sự viếng thăm không thường xuyên của mình. Tôi cầu chúc hai “sơ nhí” tìm thấy được Thánh Ý Chúa và sự an bình trong cuộc sống Tận Hiến. Đó cũng là lời cầu nguyện thường xuyên cho chính bản thân tôi!
Như đã nói, đây không phải lần đầu tôi ghé thăm hai “sơ nhí” này, nhưng lần này, khi ra về tôi có một tâm trạng khác những lần trước. Suốt quãng đường dài hơn 2 tiếng đồng hồ ngồi xe hơi trở về chủng viện và cho đến nay sau hơn 2 tuần, khi tôi đang viết những dòng chữ này, tôi vẫn suy nghĩ thật nhiều về hai “sơ nhí” cũng như những chủng sinh, tu sĩ nam nữ Việt Nam khác đang sống tu tại Nhật và đang có những khó khăn tương tự. Dĩ nhiên, trong số những người này có chính tôi. Tôi đồng cảm được với họ trong những khó khăn họ đang đối diện. Đúng như hai “sơ nhí” tâm tình: ngôn ngữ và vấn đề hội nhập văn hóa của Nhật thật không dễ dàng chút nào! Và đây cũng là nhận xét của hầu hết tất cả người ngoại quốc đã hoặc đang sống tại Nhật. Vì cũng đã sống trên 20 năm tại Âu Châu và Mỹ Châu và bây giờ đang sống và làm việc tại Nhật, tôi có thể quả quyết rằng người Việt dễ học ngôn ngữ và hòa nhập vào xã hội Âu Mỹ hơn là xã hội Nhật, cho dù Nhật vẫn thuộc Á Châu. Vì chứng kiến hoặc chính mình cảm nghiệm được những khó khăn đó, trong những giây phút suy gẫm tôi đã đặt nhiều câu hỏi với Chúa: Có phải thực sự Chúa kêu gọi chúng tôi theo Chúa và làm việc tại Nhật này không? Hay chỉ là những “ảo vọng” cá nhân hay chỉ “cúi đầu thừa lệnh bề trên”, “nhắm mắt đưa chân”, nhưng được gán cho một thành ngữ cao đẹp là “tiếng Chúa mời gọi”? Vì không phải ai cũng có ơn gọi truyền giáo. Tại sao “đi theo Chúa” có nghĩa là “vác thập giá mình” để theo? Có phải Chúa muốn những môn đệ Chúa phải gian nan, đau khổ Chúa mới hài lòng? Có cần lắm không những thử thách trong cuộc sống để chứng minh lòng thành kính? Gian nan, thử thách có lợi ích gì cho những kẻ muốn theo Chúa? Những người không sống đời dâng hiến cũng gian nan, đau khổ, và nhiều khi còn khổ hơn nhiều; thế thì những hy sinh của người tu trì có giá trị gì không? Những thử thách và đau khổ mà hai “sơ nhí” và những người trẻ như họ đang âm thầm chịu đựng trên khắp mọi miền vì Tin Mừng, vì ơn gọi có quá nặng nề không? Họ cũng có những lựa chọn khác mà, tại sao lại chọn Chúa? Có phải Chúa đã “dụ dỗ” họ, nói theo ngôn từ của ngôn sứ Giêrêmia (Gr 20,7)? Phải làm gì để những thử thách, gian nan không đè bẹp những con người vốn mang bản tính mỏng dòn? Phải làm gì để tránh những khó khăn hay đau khổ không cần thiết do con người gây ra cho nhau? Làm sao để giúp những người trẻ này tìm thấy hạnh phúc, niềm vui trong đời dâng hiến?... Tôi đặt nhiều câu hỏi nữa với Chúa nhưng xem như “Chúa vẫn lặng thinh” như Ngài vẫn thinh lặng trong máng cỏ tại Bethlehem và trên thánh giá tại đồi Calvario!
Những gì tôi viết trên không có mục đích đề cao hai “sơ nhí” mà tôi biết. Thực ra hai “sơ nhí” này cũng không biết tôi đang mượn tình cảnh của các cô để chia sẻ những suy tư của mình về ơn gọi tại Nhật. Điều tôi hy vọng là qua việc ghi lại cuộc tiếp xúc vừa rồi với hai cô bé đang dự tu tại một nhà dòng tại Nhật, mọi người hiểu và thông cảm phần nào những khó khăn và thách đố cho những ai đang bước theo Đức Kitô qua đời sống tận hiến, đặc biệt hơn qua đời sống tận hiến truyền giáo tại Nhật. Dĩ nhiên, đây không phải là trường hợp duy nhất mà tôi biết; trái lại có nhiều trường hợp tương tự vì tôi đã và đang có dịp làm việc, tiếp xúc và đồng hành thiêng liêng với một số các chủng sinh, nữ tu đang sống tại Nhật. Dù mỗi ơn gọi đều có tính cách cá biệt vì mỗi người có một hoàn cảnh, một màu sắc khác biệt với những người khác; nhưng khi có cái nhìn tổng thể về ơn gọi trong một môi trường chung nào đó thì có những nét tương đồng đáng chúng ta quan tâm. Mới đây, trong khi giúp tĩnh tâm cho một số tu sĩ trẻ Việt Nam cũng đang tu tại Nhật và đang chuẩn bị khấn tạm, tôi đọc bài suy tư này như một chia sẻ và các nữ tu này đã khóc nhiều vì đồng cảm với hai “sơ nhí” kia. Khi tôi hỏi lý do tại sao khóc, các sơ trả lời là các sơ cũng đã và đang trải nghiệm những tình cảnh tương tự!
Có nhiều điều làm tôi trăn trở và quan tâm đến những ơn gọi Việt Nam đến Nhật trong khoảng mười năm trở lại, ví dụ: vấn đề “động lực” (motivation) thúc đẩy đi tu tại Nhật; vấn đề tuyển ơn gọi ở Việt Nam: cách thức cũng như tiêu chí; vấn đề chuẩn bị ở Việt Nam; vấn đề huấn luyện trong các chủng viện, dòng tu tại Nhật cho các tu sinh này… Trong một bài viết cho “Bulletin of Saint Sulpice” xuất bản hằng năm, tôi đã nhấn mạnh đến nhiều “phương cách” của Thiên Chúa dùng khi Ngài gọi người nào đó. Ngài có thể dùng những phương cách rất tầm thường, đơn sơ, ví dụ: một chiếc áo dòng dễ thương, sự thanh thản của đời tu… hay ngay cả cái nghèo khổ của cá nhân và gia đình, cơ hội cho sự thăng tiến về học vấn, kiến thức, hay ước muốn rất tốt lành, trong sáng…để kêu gọi một người nào đó. Nói cách khác, Thiên Chúa có hoàn toàn tự do kêu gọi bất cứ ai và dưới bất cứ hình thức nào, vì đó là sáng kiến của riêng Ngài. Đọc lại các chương đầu của 4 Tin Mừng chúng ta chẳng thấy rằng Đức Giêsu đã gọi các môn đệ của Ngài theo nhiều cách thế khác nhau sao? Rồi suốt bao năm đồng hành với Chúa trên mọi nẻo đường Palestine, cùng ăn uống, từng chứng kiến các phép lạ Chúa thực hiện, tai nghe biết bao nhiêu huấn dụ của Chúa… mà các môn đệ vẫn mang ý niệm sai lạc khi theo Ngài. Các môn đệ tưởng theo Thầy để được “ngồi bên tả hay bên hữu trong vương quốc”của Ngài (Mt 20,21); để được vang danh cá nhân hay gia đình; được “lợi lộc”… Nhưng Chúa vẫn gọi và chọn các vị! Chẳng phải Đức Giêsu đã biến đổi Phaolô, kẻ bắt bớ dân Ngài, thành môn đệ rường cột của Giáo Hội Ngài đó sao? Suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội, có biết bao người theo Chúa chỉ vì một lý do rất đơn sơ, nếu không muốn nói là tầm thường lúc ban đầu! Dĩ nhiên, động lực dẫn đến quyết định đi tu vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đi theo Chúa. Nhưng nhiều khi các động lực đó không xuất hiện cách rõ ràng hoặc bị che giấu cách cố tình trong bước đầu theo Chúa. Do đó cần nhiều thời gian để khám phá và, nếu cần, phải thay đổi hoặc biến đổi động lực. Nói khác đi, điều quan trọng nhất là ơn gọi cần phải được thanh luyện, thăng hoa; cần được hỗ trợ và biến đổi bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã tái sinh các tông đồ trong ngày lễ Hiện Xuống (x. Cv 2,1-13). Và như thế, đời sống tâm linh là một trong những điều kiện và phương tiện quan trọng nhất để qua đó, với thời gian, qua tác động của Chúa Thánh Linh và sự giúp đỡ của các vị có trách nhiệm hướng dẫn, ơn gọi được thanh luyện và thăng hoa.
Phải, đời sống tâm linh là điều làm tôi trăn trở và quan tâm trước tiên tại Nhật đối với một số đông các ứng sinh, tập tu trong những cộng đoàn dòng tu, nhất là các cộng đoàn nữ tuyển nhận các cô trẻ từ Việt Nam. Rời bỏ Việt Nam rất trẻ (có em phải chờ đợi ở Việt Nam để khi vừa tròn 18 tuổi là được đưa đi) nên đời sống tâm linh, sự hiểu biết về tôn giáo của các em chỉ dựa trên một ít kinh nguyện đạo đức bình dân được truyền đạt từ gia đình, trên những bài giáo lý sơ khởi trong các lớp giáo lý tại các giáo xứ hay trên một vài cảm xúc tôn giáo nhất thời. Những năm đầu mới qua, thường là 2 năm, các em phải dồn hết sức lực để đầu tư cho vốn liếng tiếng Nhật để có thể nói là tạm đủ cho việc giao tiếp và hành xử trong những công việc hằng ngày hoặc tham dự các giờ kinh nguyện hoặc để giữ luật lệ của chủng viện hay nhà dòng… Nhưng để có khả năng nghe giảng dạy, đọc và hiểu sách tiếng Nhật một cách sâu xa hơn để nuôi sống phần tâm linh thì lại là vấn đề khác. Ngay cả bằng tiếng Việt các em chưa đủ nền tảng để hiểu các sách tu đức, thần học, làm sao có khả năng để thu nhận bằng tiếng Nhật! (Chính bản thân tôi cũng cảm thấy ngày càng nghèo đi nếu không nói là cằn cỗi về đời sống tâm linh vì khả năng hấp thụ chất liệu làm giàu cho đời sống tâm linh bị ngăn chặn bởi hàng rào ngôn ngữ). Sau hai năm học tiếng Nhật là thời gian cho hai năm tập. Trong hai năm tập các em thu thập được bao nhiêu? Rồi sau hai năm tập, vừa khấn tạm xong là bắt tay vào công việc. Nếu có khả năng và nếu có nhu cầu thì thường được gởi đi học chuyên môn về nhà trẻ, bệnh viện, nhà dưỡng lão… chủ yếu là chuẩn bị cho công việc. Chúng ta biết người Nhật nổi tiếng là “workoholic” mà! Các em thường không có thời gian cần thiết để học hỏi và đào sâu hơn về Lời Chúa, thần học, tu đức để làm giàu đời sống tâm linh. Đây là tình trạng chung của một số đông những tu sĩ trẻ Việt Nam tại Nhật mà tôi có cơ hội gặp gỡ và chia sẻ. Và trong tình trạng đó, sau những năm nhà tập, rồi khấn tạm… không biết các em lớn lên được bao nhiêu trong đời sống tâm linh hay chỉ biết tuân theo một số luật lệ nhà dòng hay chủng viện, nhẫn nhục chịu đựng, “nín thở qua sông” để chờ thời cơ “bùng nổ”? Tôi vẫn lo lắng, đồng thời hy vọng là sự lo lắng của mình sai, đó là sẽ có một sự “khủng hoảng tâm linh” trong tương lai, kéo theo những khủng hoảng khác như: tâm sinh bệnh lý, đời sống cộng đoàn… và cuối cùng là khủng hoảng ơn gọi cho các em khi mà đời sống tâm linh không được chuẩn bị kỹ lưỡng hay được nuôi dưỡng thường xuyên. Dĩ nhiên là tôi cũng tin vào sự làm việc của Chúa Thánh Linh lắm chứ, nhưng Ngài không loại bỏ những phương tiện tự nhiên để thánh hóa con người!
Tiếp đến, điều làm tôi ngạc nhiên đến chưng hửng đó là sự đóng khung văn hóa trong các môi trường huấn luyện các ơn gọi tại Nhật. Trong khi môi trường xã hội Nhật đón nhận nền văn minh và văn hóa Âu Mỹ rất sớm, môi trường huấn luyện ơn gọi xem ra thờ ơ với những văn hóa Á Đông. Nếu tôi không lầm thì tôi chưa từng chứng kiến hoặc nghe những người có trách nhiệm huấn luyện các chủng sinh và tu sinh ở Nhật khuyến khích các tu sinh nên giữ gìn hoặc quảng bá những nét đặc sắc của dân tộc gốc của mình. Phải chăng đó là sự thiếu cởi mở, thiếu nhạy cảm và thiếu hiểu biết của những người có trách nhiệm trong việc đào tạo? hay vì tính “tự cao dân tộc” nên đối với họ những văn hóa Á Đông khác không có gì đáng học hỏi, khuyến khích? Trên kia tôi có nói qua là hai “sơ nhí” và nhiều tu sĩ Việt Nam khác cảm thấy bị “coi thường” hoặc bị đối xử cách bất công! Có lẽ câu hỏi cần được đặt ra ở đây: các em cần được huấn luyện để theo Đức Giêsu Kitô hay để trở thành những linh mục, tu sĩ mang nặng “tinh thần dân tộc” của một quốc gia nào đó? Tôi vẫn luôn luôn cho sự học, hiểu, và biết ngôn ngữ cũng như sự hội nhập văn hóa của đất nước sở tại là những điều kiện thiết yếu cho công việc mục vụ và truyền giáo. Vấn đề là làm thế nào để việc học ngôn ngữ và thích nghi văn hóa tạo niềm phấn khởi tinh thần, yêu thích và rồi mang hiệu quả trong công việc mục vụ và truyền giáo. Vì cả hai, ngôn ngữ cũng như hội nhập văn hóa, cũng chỉ là phương tiện, dĩ nhiên là rất cần thiết, chứ không phải mục đích của những ơn gọi tận hiến khi đến Nhật. Những tu sĩ, linh mục đến Nhật, trước hết, không phải vì lý do kinh tế hay ngay cả lý do văn hóa, nhưng vì ơn gọi truyền giáo. Họ đến và mang theo họ cả một gia sản tôn giáo, văn hóa, giáo dục… cũng cần được tôn trọng. Nếu các địa phận hoặc nhà dòng ở Nhật nhận ơn gọi từ Việt Nam vì thấy ở văn hóa Việt Nam và đời sống đức tin của Giáo Hội ở đó có những ưu điểm thì tại sao lại không khuyến khích các tu sinh Việt Nam giữ lấy những nét tích cực đó; mà trái lại, muốn họ quên đi những nét đẹp đó khi họ bước vào cộng đoàn tu ở Nhật? Nếu lấy sự hội nhập vào văn hóa của đất nước sở tại như là lý do để buộc người khác “cắt bỏ cội nguồn” hay “gột rửa quá khứ” của mình thì đó là một sự thiếu tôn trọng tối thiểu của người bình thường chứ chưa nói đến thiếu bác ái Kitô giáo. Đức Kitô nhập thể và nhập thế nhưng không chối bỏ thiên tính của Ngài. Giáo Hội hoàn vũ luôn kêu gọi sự “hiệp nhất” (unity) nhưng đồng thời phê phán sự đồng dạng (uniformity) có tính cách ép buộc. Chúng ta đang sống trong thế giới càng ngày càng trở thành đa văn hóa; vì thế, mọi người cần nhạy cảm và cởi mở hơn. Có rất nhiều nhà truyền giáo nổi tiếng và thành công lớn trong việc hội nhập văn hóa địa phương nhưng không ai bắt buộc các ngài phải hủy diệt văn hóa gốc của các ngài! Có lẽ từ ngữ thích hợp cho vấn đề truyền giáo trong bối cảnh của thế giới đa văn hóa hôm nay là “inter-culturation” hơn là chỉ “inculturation”.
Một điểm nữa, tôi nghĩ là mọi người đều ước mong rằng các tu sinh Việt Nam ở hải ngoại, cho dù ở Nhật hay ở một nơi nào khác trên thế giới, có sự quan tâm hơn của các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội, nơi gởi tu sinh đi cũng như nơi đón nhận tu sinh đến. Sự quan tâm đó cần được thực hiện bắt đầu từ khi tuyển ơn gọi, trong thời gian huấn luyện và kể cả sau khi khấn trọn hoặc thụ phong linh mục. Điều này còn có những thiếu sót nơi những người đón nhận tu sinh, có lẽ vì không đủ nhân sự hay chưa có kinh nghiệm vì còn quá mới mẻ? Đón nhận các tu sinh đến từ những nước khác không chỉ với mục đích là để điền vào “chỗ trống”; vì bây giờ mình không có ơn gọi để chăm lo nhà trẻ, nhà dưỡng lão, nhà thương hay tu viện… Ơn gọi tận hiến không phải chỉ ngừng ở “công việc” dù nó có “cao quí” đến đâu đi nữa. Những công việc đó những người không sống đời tu cũng có thể hoàn thành! Quan tâm dành cho họ không phải chỉ dừng lại ở việc cung cấp cho họ nhu cầu vật chất, phương tiện học ngôn ngữ trong một thời gian… nhưng cần lo cho đời sống tâm linh của họ được bồi dưỡng theo nhu cầu.
Sự quan tâm dành cho các tu sinh đang sống tại các nơi truyền giáo lại càng thiếu nơi Giáo Hội Việt Nam, nơi cung cấp các tu sinh. Theo tôi biết chưa có nơi nào ở Việt Nam có chương trình cụ thể chuẩn bị cho các nhà truyền giáo tương lai của Việt Nam cả! Đến ngày hôm nay sự ra đi của các tu sinh hoặc các linh mục, tu sĩ đến làm việc tại các nước khác như là chuyện “may rủi” của cá nhân khi gặp được người này hay người kia giới thiệu. Hay nếu có sự chọn lựa hay có “bài sai” cách nào đó thì khi đã ra khỏi nước rồi thì xem ra các vị không còn trách nhiệm và rồi “sống chết phó mặc Trời”! Nếu không lưu ý và có mục đích cũng như đường hướng rõ rệt trong việc gởi nhân tuyển truyền giáo ra nước ngoài, Giáo Hội Việt Nam có thể rơi vào tình trạng như nhiều người đã có sự so sánh đáng buồn là “xuất cảng lao động tôn giáo”, một hình thức “xuất cảng lao động” kiểu Nhà nước cộng sản Việt Nam!
Điều tôi cầu chúc và hy vọng nơi các tu sinh, với sức mạnh của Thiên Chúa và nỗ lực của cá nhân, biết phấn đấu trong sự học tập ngôn ngữ và hòa đồng văn hóa địa phương, nhưng không quên tầm quan trọng của đời sống tâm linh. Nếu có những người đến Nhật hay một đất nước nào đó dưới danh nghĩa ơn gọi tận hiến và truyền giáo nhưng động lực (motivation) chính là vì lý do kinh tế hay bổ túc văn hóa hay một lý do nào khác thì tôi không có gì để nói. Nhưng nếu chúng ta đến với lý do ơn gọi tận hiến và truyền giáo, phục vụ thì chúng ta cần biết đặt để sự ưu việt (priority) ở đâu. Chúng ta không phải là những người “làm công” hay sẽ trở thành những “kẻ chăn thuê”. Chúng ta là những “kẻ phục vụ” và, cho dù là “tôi tớ” (servants) trong nghĩa Kinh Thánh, thì chúng ta vẫn không phải là những “kẻ nô lệ” (slaves). Chúng ta đừng tự biến mình thành nô lệ và cũng đừng để ai biến chúng ta thành nô lệ của bất cứ ai hay bất cứ thế lực vật chất nào ngoài Tin Mừng của Đức Kitô. Trong mọi việc chúng ta phải biết tự trọng trước để người khác kính trọng mình; nhưng chúng ta không nên mặc cảm vì nguồn gốc, xuất xứ của mình để trở nên kẻ luôn sợ sệt như kẻ nô lệ. Hãy tận dụng thời gian, hoàn cảnh, ngay khi không thuận lợi, để làm giàu đời sống tâm linh của mình vì đó là mục đích tối hậu của đời tận hiến. Hãy phấn đấu với chính bản thân và ngay với những người có trách nhiệm để chúng ta có thời gian cho đời sống tâm linh của mình; và đó cũng là quyền của mình. Hãy có những giây phút để gặp gỡ Thiên Chúa vì chỉ khi mình đối diện với Thiên Chúa qua Lời của Ngài, lắng nghe Ngài nói qua nguyện gẫm, suy tư chúng ta mới có thể quyết định ơn gọi đi theo Chúa hay không. Hãy biết rằng không ai quyết định ơn gọi cho mình cả. Nếu có ai, cho dù cha bề trên, giáo tập, cha linh hướng, cha mẹ, ban bè, họ hàng… thì cũng chỉ đóng vai giúp trả mình về lại việc lắng nghe Lời Chúa để có thể trả lời Ngài, như Êli đã giúp Samuen để cuối cùng Samuen đã nhận ra tiếng Chúa và thưa: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe” (1Sm 3,1-14).
Sau cùng, bài này được viết lên như một chia sẻ cho thấy một số trong những khó khăn trong đời tu của một bộ phận không nhỏ trong những người muốn trở thành những nhà truyền giáo, đặc biệt ở Nhật. Đây cũng là lời ngỏ gởi đến các những người tôi thân quen, bạn bè người Việt Nam đang ở hải ngoại: xin tất cả hãy nâng đỡ các chủng sinh, nữ tu, đặc biệt những người ở Việt Nam mới qua, bằng lời cầu nguyện hay bằng những cách thế khác nhau trong khả năng mình cho phép. Dĩ nhiên chúng ta cần biết sự khác biệt giữa những người đi du lịch với người đi du học, và kẻ dấn thân vào công việc truyền giáo. Những gì tôi chia sẻ trong bài này liên quan đến công việc truyền giáo và sự nâng đỡ dành cho họ trước tiên. Khi mở con tim và đôi tay mình ra với những người làm công việc truyền giáo là lúc chúng ta trực tiếp tham dự vào công việc loan báo Tin Mừng của Đức Kitô và của Giáo Hội. Chúng ta phải ý thức như thánh Phaolô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Bản thân tôi (người viết) đã đi qua con đường gian khó đó như nhiều vị linh mục đang phục vụ tại hải ngoại. Chúng tôi có thể đã bỏ cuộc nếu không có những câu kinh nguyện, những lời khích lệ, những sự giúp đỡ cách này hay cách khác của nhiều người… Tất cả đã giúp chúng tôi có thêm sức mạnh để tiến tới trên con đường tận hiến. Dĩ nhiên là những linh mục đi trước, chúng tôi cần biết mình có trách nhiệm phải nâng đỡ những người đi sau để tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô. Chúa không trả lời trực tiếp những câu hỏi tôi đặt ra cho Ngài ở trên hay những câu hỏi tương tự mà mỗi chúng ta có thể đặt ra với Ngài; nhưng Ngài nhắn nhủ chúng ta hãy theo gương môn đệ Gioan khi đứng dưới cây Thánh Giá: đó là chăm sóc Đức Maria, Mẹ của Ngài (x. Ga19,25-27). Ngài cũng đã nói với các môn đệ của Ngài khi Ngài sai họ đi rao giảng Tin Mừng: “Ai tiếp đón các con là tiếp đón Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40).
Fukuoka 25 tháng 1 năm 2011
Lễ thánh Phaolô trở lại
Lm. Bernard Phạm Hữu Quang, p.s.s

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét