Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Ơn gọi Thừa Sai




1.Thừa sai là một ơn gọi
Khi gọi ai thì người ta kêu hay làm dấu hiệu. Ai được kêu thì quay lại nhìn xem hay lắng tai nghe. Ai được người khác gọi hay vẫy tay thì nhìn xem, rồi tuỳ tiện hướng về phía người đó.
Người đi tu là người được Chúa gọi. Người được gọi thì nhiều, nhưng người được chọn lại ít (Mt 20,16). Kết quả của ơn gọi là tuỳ như người ta có nghe tiếng Chúa gọi và có quảng đại đáp lại tiếng đó hay không. Không phải tự nhiên mà các nhà truyền giáo đã chọn vào các tu hội thửa sai. Phải có cái gì đó nơi người được gọi. Mỗi người được gọi một cách để làm công việc Chúa muốn cho mình làm. Được gọi cách nào và để làm gì thì người được gọi phài tìm cách đáp ứng cho nhằm. Có như vậy mới được việc cho mình và cho Chúa. Nếu tôi cảm thấy mình được ơn gọi làm thửa sai thì tôi phải săn sóc và vun trồng ơn gọi này. Tôi không thể là thừa sai, khi tôi còn lưỡng lự giữa việc dấn thân đi truyền giáo dưới nhiều hình thức, với sự hướng chiều về một đời sống yên hàn ở một nơi không có bấp bênh và xáo trộn. Nếu tôi thấy thiên về một đời sống như thế thì ấy là dấu tôi không thích hợp cho ơn gọi thừa sai. Bởi thế, ngay từ đầu tôi cần xác định thái độ của tôi trong ơn gọi thừa sai. Tôi đứng ở chỗ nào trên các chặng đường ơn gọi. Ơn gọi tu trì nào củng đòi người được gọi phải dấn thân và từ bỏ, nếu người ấy muốn đi đúng đường và trở nên một người có giá trị. Đôi khi xảy ra chuyện người ở trong hội dòng này lại muốn làm công việc của người ở trong hội dòng kia. Ngưởi ở đâu thì hãy làm đúng công việc ở đó. Là thửa sai thì hãy làm công việc của thửa sai, còn những việc khác để cho người khác làm. Người của hội dòng khác không làm được công việc của thừa sai và ngược lại. Vậy công việc của thửa sai là thế nào ?

2. Công việc hiện nay của Hội Thừa Sai Việt Nam

Hội Thừa Sai Việt Nam đã có từ trước 1975, thời Đức Tổng Nguyễn Kim Điền. Hội đã hoạt động và có được một số thành viên nòng cốt. Nhưng vì các biến động của thời cuộc, Hội không còn được sinh hoạt bình thường, các thành viên phân tán. Hội kể như “chìm xuống” cho đến những năm gần đây mới được khôi phục lại. Hội được mang danh là Thừa Sai Việt Nam trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và được giao cho ĐC Phê-rô Trần Đình Tứ, Giám mục Phú Cường đảm trách. Hội bắt đầu chiêu sinh, lập trụ sở Trung Ương và bổ nhiệm người huấn luyện, xây học viện ở Gò Mây và được ĐHY Phạm Minh Mẫn giao cho quản nhiệm giáo xứ này. Mỗi lúc Hội được thành hình rõ nét và mang diện mạo của một tu hội thực thụ. Nhưng phải nói là tu hội còn đang ở trong giai đoạn đầu với những khó khăn và hạn chế. Tình trạng này có thể động viên những người đóng vai khai phá và tạo ra cho họ một niềm phần khởi hăng say nhưng cũng có thể làm cho một số thành viên e ngại về những khó khăn thuở ban đầu và cũng có thể vì thế mà tỏ ra ngao ngán không muốn tiếp tục hay muốn chuyển hướng sang một tu hội hoặc chủng viện đã có nề nếp vững chãi và bảo đảm hơn. Những điều này thật dễ hiểu và thường xảy ra. Nhưng có như thế thì ơn gọi thừa sai mới thực là một cái gì độc đáo, dành riêng cho những con người quả cảm, không ngại bước vào con đường chông gai để phục vụ Chúa và Gíáo Hội trên mảnh đất quê hương này.

3. Con đường đang đi tới

Những người di cư vào miền Nam năm 1954 và những người vượt biên sang các nước Âu Mỹ thập niên 70,80 đáng cho chúng ta suy nghĩ. Họ liều mạng bỏ lại tất cả để ra đi. Họ đã trải qua biết bao nhiêu gian nguy vất vả. Nhiều người đã bỏ mạng trong cuộc hải hành. Nhiều người còn lại đã phải cơ cực trăm chiều. Nhưng cuối cùng những con người này đã tạo lập được cơ nghiệp.

Con đường Hội Thừa Sai đang đi tới cũng giông giống như vậy. Các thảnh viên hiện nay cũng như các vị hữu trách đang góp công góp sức để định hình cho tu hội. Như thế đủ hiểu vị trí và trách nhiệm của thế hệ đương thời với công lao và những hy sinh vất vả. Nhưng có công trình đáng kể nào mà lại ở ngoài sự hy sinh.

4. Con đường riêng của Hội Thừa Sai

Thừa Sai là thừa lệnh để được sai đi. Địa điểm được sai đến là các vùng truyên giáo trong nước cũng như ngoài nước. Bất cứ ở đâu cần người rao giảng, làm chứng cho Chúa là người thừa sai được gửi tới. Phạm vi truyền giáo có hai: một là truyền giáo bên trong, hai là truyền giáo bên ngoài. Truyền giáo bên trong là truyền giáo trong gia đình, tại quê hương xứ sở, nơi mình sinh sống. Truyền giáo bên ngoài là đi xa, tới những nơi không phải là đất nước mình, giữa những người xa lạ về đủ thứ: ngôn ngữ, chủng tộc, tôn giáo, có khi tại những nơi và những người thủ nghịch với đạo của mình nữa, như hiện nay tại những nước Hồi giáo Ấn độ, Pakistan, Indonesia v.v… Sứ mệnh truyền giáo này đòi hỏi nơi nhà thừa sai một tinh thần từ bỏ và một sự sẵn sàng chấp nhận những hy sinh cần thiết về nhà ở, cơm ăn, áo mặc và một số tiện nghi tối thiểu. Chính những sự hy sinh từ bỏ này tạo nên những mẫu người đáng kính phục. Vì thế, nếu muốn là thừa sai đích thật thì phải mang trong mình xu hướng và tâm trạng này. Ngày xưa khi có người muốn theo Chúa, Chúa đã bảo người ấy là Người không có nơi tựa đầu (Lc 9,58) và ai đã cầm cầy mà còn ngoái lại đàng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa (Lc 9, 62). Tất cả đều là hy sinh và đòi hỏi.

Não trạng của người thời nay khó quen vả chấp nhận những đòi hỏi như thế. Tính tự nhiên là như vậy. Nhưng nếu được ơn Chúa giúp, con người sẽ ra khác. Cùng với sự tập tành và tu luyện theo một nền thần học và linh đạo truyền giáo, qua sách vở và kinh nghiệm cũng như đời sống của các bậc tiền bối trong ngành truyền giáo, những ai theo ơn gọi thừa sai sẽ được Chúa hướng dẫn bườc đường mình đi; Người sẽ ban cho tinh thần truyền giáo như đã ban cho các bậc cha anh, để hoạt động trong cánh đống truyền giáo mênh mông và đa dạng.

Người ta không thể thành thợ trong một ngày cũng như không thể thành nhà truyền giáo trong một thời gian ngắn. Đây là một công trình dài hạn, một ơn gọi cam go mà chỉ những người kiên trì và thiện chí mới theo đuổi được. Ngoài ra, đây cũng còn là công trình tập thể. Phải có nhiều người chung vai sát cánh bắt tay vào việc, nâng đỡ và khuyến khích lẫn nhau, mới khỏi nản và giữ được ngọn lửa hăng say như lúc ban đầu.

Bởi vậy, việc huấn luyện là cần, huấn luyện chung cũng như huấn luyện riêng. Ai đang trong thời kỳ đào luyện, hảy tận dụng thời gian này để luyện cho mình một tinh thần vững chắc hiến thân cho việc truyền giáo và coi đây là lý tưởng của đời mình, một lý tưởng tạo ra giá trị và đem lại niềm vui cho mình, một niềm vui của người cho đi nhưng được nhận lại. Điều này xem ra như là một nghịch lý của Tin Mừng: cho thì đươc, chết đi sẽ được sống như hạt lúa nếu không chết đi thì chỉ trơ trọi một mình, còn nếu chết đi (Ga 12,24), sẽ sinh nhiêu bông trái.

Kết luận: Lý tưởng truyền giáo tuy cao đẹp nhưng thật là khó. Vì vậy, phải tin và nhìn vào vẻ cao đẹp của lý tưởng cũng như tin vào sự hỗ trợ của ơn Chúa. Có như thế mới hy vọng theo đuổi lý tưởng cho đến cùng được.
Lm. Anrê Đỗ xuân Quế, OP
Nguồn:vietcatholic.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét