Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Giáo Hội trên cánh đồng truyền giáo

 

Trong bài „ Vài việc cần nhấn mạnh trong việc truyền giáo“ đức Cha GB. Bùi Tuần nói đến ba điểm nền tảng cho truyền giáo. Hay đúng hơn về đời sống cùng nội dung bản chất người đi ra làm việc truyền giáo: Ðiểm Khởi hành, điểm căn bản phải bám vào và điểm dấu chỉ.

Những suy tư thao thức. Phải, những hướng dẫn đóng góp cụ thể của đức cha GB. Bùi Tuần, có tích cách ngôn sứ đó, có lẽ cũng là những thao thức, thắc mắc vẫn luôn bao trùm trong đời sống Giáo hội xưa nay. Và nhất là nơi các người có trách vụ huấn luyện những người trở thành nhà truyền giáo cho Giáo hội Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và ngày mai!

Về phía người muốn, hay đang tìm hiểu để đi làm việc truyền giáo cũng không dễ dàng nhận ra, hay nói được là mình có ơn kêu gọi hay không có ơn kêu gọi.

Ơn kêu gọi là một tiếng gọi linh thiêng thôi thúc, vang lên tự tận thâm sâu của tâm hồn con người. Nhưng không vì thế, mà có thể nói nó bâng quơ vô hình vô sắc vô thanh. Trái lại, nó có điểm bám nơi con người. Nó có thể nhận diện đặt tên tuổi được.

1. Điểm khởi hành: ơn Gọi đi tu

Xưa nay trong Giáo Hội, hễ nói đến Ơn Gọi, ơn thiên triệu là nghĩ ngay đến đi tu hoặc làm linh mục, hoặc làm tu sĩ trong nhà Dòng nữ hay nam.

Nói đến đi tu, người lớn bậc ông bà, cha mẹ, nhất là người Công giáo Việtnam, thích ngay và mong muốn cho con cháu mình đi vào sống con đường ơn Gọi tu trì.

Nhưng nơi người Trẻ, thời buổi ngày nay - hình như ngày xưa cũng vậy! - thì lại khác. Lúc còn thơ bé, nếu cha mẹ hỏi em: sau này con có muốn đi tu, như cha X hay như Dì Phước Y không? Ðứa bé nở nụ cười gật đầu rồi chạy đi chơi!

Ðến khi lớn khôn, nhất là từ lứa tuổi vỡ tiếng dậy thì, bạn trẻ nữ cũng như nam, hầu hết đều nói với vẻ ái ngại: Con không biết nữa!

Hay có bạn bạo dạn hơn nói ngay: Thôi, không thích đi tu đâu! Ði tu chán lắm!

Nếu thử tìm lý do tại sao Bạn Trẻ lại ái ngại không thích theo Ơn Gọi đi tu, có lẽ sẽ không thể nào kể ra hết được. Vì nó đa dạng.

Nhưng những lý do tại sao bạn trẻ theo ơn gọi đi tu cũng đa dạng hấp dẫn không kém!

2. Điểm căn bản: Hãy đứng dậy.

Ngay từ khi còn thơ bé, ai cũng cần lời an ủi thúc đẩy cỗ võ tinh thần, cố tiến lên xắn tay áo bắt tay vào việc. Người trẻ lứa tuổi thanh thiếu niên có nhiều mơ tưởng ước vọng tốt đẹp. Nhưng họ cũng có nhiều do dự ngại ngùng.

Những do dự ngại ngùng làm họ chùn bước, nhất là khi họ phải đối diện với một bên là tiếng Gọi đi làm việc truyền giáo cho niềm tin đạo giáo, một bên là cám dỗ chống lại hay một mời gọi nào sống dễ dãi thích thú hơn…

Ðức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo đệ nhị, vị giáo hoàng của giới trẻ ngày nay đã tâm tình cùng họ: „ Tin Mừng Thánh Luca tả lại một cảnh gặp gỡ: Phía đàng bên kia là một đám tang. Người ta đang rước quan tài con trai của một góa phụ ra nghĩa trang. Một bên khác ngược chiều có Chúa Giêsu đang đi với các Tông đồ. Họ đang nghe Chúa Giêsu nói truyện…

Cha nghĩ, ngày nay cũng có đám tang như như vậy dọc đường, như ngày xưa ở đường phố bên Na-im. Ðó là trường hợp:

Khi các con lâm vào cảnh thất vọng, hồ nghi.

Khi các con bị chói lòa bởi những hình ảnh ảo tưởng của một xã hội tiêu thụ lôi cuốn vào con đường xa sự tốt lành chân thật, mà đi theo con đường xấu xa tội lỗi.

Khi những khuyến dụ nổi lên trong các con: tất cả đều đồng dạng, đều chỉ là bề mặt trôi nổi. Vì những sự xấu xa tội lỗi và đau khổ trong thế giới làm các con hồ nghi tình yêu thương và sự hiện diện của Chúa giữa con người.

Khi các con luôn hằng khao khát mong chờ đi tìm nguồn suối nước làm thỏa mãn cơn khát từ trong tâm hồn và một tình yêu chân chính trong lành. Nhưng các con lại không tìm gặp được. Vì những cảm giác hỗn độn nổi lên trong đời sống ngăn cản các con.

Chính trong giây phút đó Chúa Giêsu đến với mỗi người các con, như Người ngày xưa đã đến với người thanh niên thành Na-im. Ngài nói với các con lời thúc đẩy đánh thức: Hãy đứng dậy!

Cha mời gọi các con tiếp nhận lời mời gọi này, như lời thúc dục phấn chấn tinh thần đời sống các con!“ (Cùng các Bạn Trẻ ở Bern, Thụy sĩ, Expo 2004)

3. Điểm dấu chỉ

3.1. Nhận ra ơn Gọi của mình

Hai Bạn Trẻ nam nữ yêu nhau. Vì họ bắt gặp được tần số làn sóng của nhau.

Với ơn Gọi từ trời cao cũng thế.

Nhiều bạn đã đọc tìm ra ơn Gọi tu trì qua sự giáo dục trong gia đình, qua gương sáng sống đạo đức tình người của cha mẹ mình, qua gương đời sống của một linh mục, của một nữ tu hay một thầy dòng, mà họ đã gặp gỡ hay cùng trải qua trong đời sống; qua lời nói gợi ý của thầy dậy hay một người nào đó, qua lời kinh câu hát trong nhà thờ, qua cùng sinh hoạt hội đoàn trong xứ đạo, qua một bài báo hay chương sách đã đọc nói về Thiên Chúa về con người, về lòng bác ái vị tha của những vị Thánh cao cả, hay của những người có lòng xả kỷ hy sinh đời sống cho con người đau khổ bất hạnh…

Làn sóng Tiếng Gọi của Chúa từ trời cao rất đa dạng, và luôn hằng phát tỏa đến mọi tâm hồn sẵn sàng đáp trả: Vâng con đây. Xin Chúa cứ nói!

Ðức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô đã tâm tình cùng các Bạn Trẻ về nhận ra Ơn Gọi như sau:

„ Các con đừng ngần ngại đáp trả lại tiếng Chúa gọi! Ngài đang chờ đợi câu trả lời của các con. Trong sách Xuất hành (Xh 3,1-6,9) nói về việc Thiên Chúa kêu gọi, trước hết Ngài thức tỉnh lòng con người, Ngài đang có mặt giữa bụi gai đang cháy rực.

Nếu chúng ta khởi sự chỉ cho Ngài ý thích của chúng ta, Ngài sẽ gọi chúng ta đích danh.

Nếu câu trả lời của chúng ta chắc chắn qủa quyết, như ngày xưa Mose đã nói với Thiên Chúa: Này con đây! (XH 3,4), Ngài sẽ nói chỉ cho rõ ràng hơn, như ngày xưa Ngài đã nói với Mose về hoàn cảnh thương tâm, về tình yêu của Ngài với dân Do Thái đang lâm vào hòan cảnh khốn khó hoạn nạn.

Dần dần Ngài sẽ soi lòng mở trí chúng ta khám phá ra cách này cách khác tiếng gọi của Ngài: Cha muốn sai con đi!

Thông thường sự lo âu sợ hãi làm đời sống trở nên bất an và gây khó khăn cho quyết định nghe theo tiếng Ngài gọi. Những khi gặp như thế, các con nhớ tới lời hứa của Chúa: „Con đừng sợ!Cha luôn hằng cùng đồng hành bên con.“ (Xh 3,12).

Mỗi Ơn Gọi là một kinh nghiệm của từng cá nhân về lời Chúa hứa: Con đừng sợ! Cha luôn hằng cùng đồng hành bên con“. Những lời này thấm nhập và tạo niềm xác tín vào tận tâm hồn mỗi người. Với cha, lời này có sức mạnh lôi cuốn thuyết phục đời cha rất nhiều.

Như chúng ta thấy đó, mỗi Ơn Gọi làm tông đồ cho Chúa nảy sinh từ lòng tin tưởng vào lời của Chúa và bao gồm việc sai đi để loan báo lời Chúa.

Có những người đã biết ngôn ngữ của Tin mừng. Có những người chưa biết đến ngôn ngữ đó. Như trường hợp ngôn ngữ Ơn gọi làm tông đồ thừa sai. Lời Chúa với một số người còn xa lạ. Vì họ chưa nghe nói đến bao giờ. Ðó là điều có thể khó khăn. Nhưng người đi làm việc Tông đồ truyền giáo biết rằng, họ không một mình. Lời Chúa hứa với họ: „ Cha luôn hằng cùng đồng hành bên con“.

Cha cầu nguyện hằng ngày cho các Bạn trẻ Công giáo trên thế giới biết lắng nghe tiếng Chúa kêu Gọi, và sẵn sàng trả lời, như lời trong Thánh vịnh: Lạy Chúa, số mạng con chính Ngài nắm giữ. ..Con luôn nhớ có Chúa trước mặt, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ“ (Tv 16, 5.8.)“ (Bài giảng với giới trẻ ở Manila 1995)

3.2. Ơn Gọi đi tu nhà Dòng

Ðời sống có ý nghĩa gì? Có một khuôn mẫu nào cho đời sống không?

Các Bạn Trẻ cũng đã có lần nghe nói hoặc đã từng nói chuyện với một Nữ Tu hay một cha dòng mang áo dòng nâu, đen hay trắng nào đó…Tôi chắc qua cuộc gặp gỡ với những người tu trì như thế, các Bạn cũng có thể đã suy nghĩ về câu hỏi ở trên.

Các Nữ tu hay các Nam tu sĩ là những người nghe theo tiếng Gọi vào sống chung trong một nhà Dòng, như Dòng Ðaminh, Dòng Phan-xi-cô, Dòng Tên, Dòng lo việc truyền giáo, Dòng Mến Thánh Gía, Dòng Ursuline, Dòng Nữ tử Bác ái Thánh Vinh-Sơn, dòng Ngôi Lời…

Nhà Dòng là gia đình của họ. Họ dấn thân suốt đời cho nhà Dòng. Và nhà Dòng lo cho cuộc sống của họ lúc còn sống cũng như lúc qua đời; lúc khoẻ mạnh còn trẻ, cũng như lúc yếu đau tuổi gìa. Họ sống theo tôn chỉ:

- Ðời sống khó nghè : mọi sự là của chung

- Nếp sống vâng lời trung thành với nhà Dòng : không theo ý riêng mình,

- Và đời sống thanh tịnh không lập gia đình : nhà Dòng là gia đình của mình.

là khuôn mẫu cho đời sống. Khuôn mẫu đời sống đó lẽ dĩ nhiên đặt trên nền tảng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.

Với nhiều Bạn Trẻ đó là lý tưởng!

Ðúng vậy. Nhưng đó là điều hiện thực đã có từ hàng mấy trăm năm nay trong đời sống Giáo hội công giáo khắp nơi trên thế giới.

Với nhiều Bạn Trẻ đó cũng là điều khó và có vẻ xa lạ cao vời!

Chính như vậy. Nhưng không phải là điều không có thể không làm được. Vì từ ngàn năm nay trong Giáo Hội luôn có những tâm hồn quảng đại nghe theo tiếng gọi, sống dân thân trong các nhà Dòng tu viện. Và các nhà Dòng có cuộc sống phát triển không những chỉ về mặt đạo đức tâm linh. Nhưng còn cả trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật, khoa học, giáo dục học đường, bác ái lo con người, tới mức cao vượt được kính trọng nổi tiếng trong xã hội, như Dòng Tên, Dòng Ðaminh, Dòng Thánh Benedicto, Dòng Bác ái thừa sai của Mẹ Á Thánh Terexa…

Phải chăng những người như thế sống trong mơ tưởng xa rời thực tế đời sống ?

Không phải thế đâu. Dám mơ ước sống dấn thân về một đời sống xa lạ cao vời không là hoang đường tưởng tượng. Nhưng là lối sống hướng về ngày mai, về điều tốt đẹp ngay lành trong sáng. Họ kiên nhẫn nỗ lực hy sinh với tâm hồn vui tươi rộng mở mong đạt được điều trông chờ như tiếng Gọi hối thúc họ. Và điều đó không thể đạt được bằng sức mạnh, bằng tài năng trí tuệ, nhưng bằng tinh thần đơn sơ chân thành!

David Ben Gurion tâm sự: » Người nào không tin vào điều lạ thường, họ không biết đến thực tại! ».

3.3. Một hình ảnh ơn gọi linh mục sống giữa dòng đời 

Thiên Chúa khi kêu gọi Tiên Tri Giêrêmia đã nói với Ông: Con đừng nói, con còn trẻ! Cha sai con đi đâu, con cứ đi; Cha bảo con nói gì, con cứ nói. Con đừng sợ, vì Cha hằng ở cùng con để cứu giúp con ( Gr 1, 7) Làm việc cho niềm tin và cùng sống niềm tin là bổn phận căn bản. Nhưng để thực hành bổn phận đó, linh mục cần đến sự cộng tác tiếp tay của người mọi người. Linh mục không sống thay niềm tin cho ai, và cũng không thể bắt người khác sống như mình được. Hình ảnh mà tôi thấy sống động cùng nói lên được ý nghĩa đời sống linh mục là hình ảnh bác tài xế lái xe buýt.

Bác tài xế lái xe buýt chuyên chở hành khác từ trạm này đến trạm khác. Bác có trách nhiệm giữ cho xe được an toàn. Và xe dành cho mọi người. Bác lái xe đưa họ đi đến bệnh viện, ra chợ, đi nhà thờ, đến trường học, đến công viên vườn chơi giải trí, đưa đi du lịch tham quan thắng cảnh, rồi đưa họ trở về nhà.

Họ cần bác và bác làm công việc cùng đồng hành đó với niềm vui.

Linh mục cũng thế. Trong Hội Thánh nơi các xứ đạo, các giáo đoàn ông là người được tín nhiệm trao cho nhiệm vụ cùng dân Thiên Chúa sống làm nhân chứng niềm tin tình yêu của Chúa. Ông cùng đồng hành với mọi người muốn đến với niềm tin vào Thiên Chúa.

Khi họ có tâm sự vui buồn thắc mắc. Họ đến với ông. Và ông là người lắng nghe họ.

Khi họ cần đến sự trợ giúp của Chúa qua dấu chỉ của các phép Bí Tích. Ông là người được Chúa và Hội Thánh uỷ thác ban cho họ.

Khi họ cần lời an ủi cho tâm hồn. Ông là người bạn nói chuyện với họ.

Người tín hữu có niềm tin vào Thiên Chúa. Nhưng họ cần linh mục, là người hướng dẫn và cùng sống thực hành niềm tin với. Như Bác tài xế chạy xe từ trạm này tới trạm khác đón khách và đổ khách. Linh mục đón tiếp và tìm đến thăm nom người cần đến lời an ủi trợ giúp, không phân biệt giầu nghèo, sang hèn lớn bé, trẻ con người lớn, nam hay nữ, bệnh tật hay khoẻ mạnh.Và sự hiện diện của ông giữa dân chúng là dấu chứng của niềm tin: Thiên Chúa hằng cùng đồng hành với con người. Tôi không dám nói tất cả các linh mục từ ngày lãnh chức linh mục là đã đỗ “Bằng lái xe buýt” như các bác tài xế xe buýt đâu. Nhưng niềm tin, tâm hồn rộng mở, lòng phấn khởi trung thành sống cho niềm tin,và sẵn sàng cùng đồng hành với những người đi tìm niềm tin nơi linh mục, có khác chi “Bằng lái xe buýt” của một bác tài xế đâu! Xe buýt khi chạy cần phải có xăng nhớt. Bác tài xế hằng canh chừng để xe lúc nào cũng có đủ xăng nhớt cần thiết. Sự trợ giúp của Thiên Chúa là “dầu xăng” cho niềm tin của chính linh mục và cho mọi người. Đó là đời sống liên kết hiệp thông với Đấng là nguồn sự sống, để đổ xăng dầu cho tâm hồn. Tôi không dám nói linh mục là người phải có năng khiếu thu hút quần chúng. Nhưng một linh mục có được, do Chúa ban cho, khả năng có sức lôi cuốn tập họp mọi người lại. Nhất là gây được hào khí niềm vui phấn khởi nơi các người trẻ, trong các buổi lễ nghi thờ phượng Chúa, cắt nghĩa về giáo lý đức tin, là điều tốt, hữu ích và rất đáng quý chuộng.

Mỗi người đều được Thiên Chúa dựng nên và ban cho một khả năng đặc biệt, không ai giống ai. Đó là tài nguyên quý báu tiềm tàng nơi mỗi người. Tài nguyên này cần phải được khuyến khích đem ra sử dụng vào công việc trình bày tin mừng của Chúa, và thu tập con người về với đạo giáo niềm tin. Linh mục không phải là Thiên Thần, cũng không phải là siêu nhân, và cũng không thuộc vào hàng khanh tướng sang trọng thần thánh, như người ta vẫn lầm tưởng và thêu dệt ca hát tung hô trong các bài hát quen thuộc, nhất là ở bên quê nhà Việtnam vào thời kỳ những thập niên năm 50., 60.70. của thế kỷ trước.

Không, ông vẫn còn là con người với sở trường và sở đoản, với mặt nhân đức và mặt yếu đuối tội lỗi.

Ông vẫn còn là con người bất toàn về mọi mặt. Chính điểm yếu đuối tội lỗi của con người ông làm nên một phần nhân cách sự sống đời ông. Vì xưa nay có ai là con người hoàn toàn đâu.

Đời ông có niềm vui hạnh phúc và mang được niềm vui hạnh phúc đến cho người khác, khi chính cuộc sống niềm tin vào Thiên Chúa của ông không trở thành xa lạ. Nhưng là nhân chứng cho niềm tin và cùng đồng hành với mọi người.

Ở những xứ truyền giáo, như Mẹ Giáo Hội ở Việtnam, các giám mục, các linh mục. các Tu sĩ nam nữ, không chỉ có bổn phận chính là lo gìn giữ lửa thiêng liêng đức tin vào Chúa, xây dựng ngôi nhà đức tin trong tâm hồn người tín hữu Chúa Giêsu Kitô trong xứ đạo, trong nhà Dòng. Nhưng các ngài còn có lo lắng việc xây dựng Thánh đường, nhà Dòng, chủng viện, nhà giáo lý chung, nhà giữ xương tro người qúa cố, nhà mồ côi, có nơi cả cất nhà giúp cho người nghèo nữa...

Những công việc này góp phần rất lớn vào việc sống đức tin, việc nối lửa cho đời, cùng góp phần vào việc xây dựng hội nhập văn hóa dân tộc.

Những việc này thật đáng hoan nghênh. Xin ngả mũ cúi chào nói lên tâm tình cám ơn và cùng chung tay góp sức vào.

3.4. Một vài chứng từ về ơn Gọi ra đi làm thợ trên cánh đồng truyền giáo.

1. Bạn Peter Rieve, người Ðức

Trong cuộc gặp gỡ các giám mục, linh mục, chủng sinh thần học, dịp Ðại Hội Giới Trẻ thế giới ngày 19.08.2005 ở Köln với đức thánh cha Benedicto 16., bạn Peter Rieve, một ứng sinh linh mục, đã thố lộ tâm tình về bước đường ơn Gọi của mình:

“….Tôi là một thanh niên lớn lên trong một xứ đạo có những sinh hoạt sầm uất. Tôi ngay từ nhỏ đã là một cậu giúp lễ, rồi vào ca đoàn nhà thờ hát lễ, tham gia sinh hoạt thanh thiếu niên ở xứ đạo. Bây giờ tôi đang là sinh viên ứng sinh linh mục theo học thần học ở tổng giáo phận Köln…Trước khi học ra trường trung học với bằng Tú tài, tôi đã có nghĩ đến ơn Gọi làm việc cho đạo giáo niềm tin. Nhưng lúc đó tôi không thể quyết định theo con đường ơn Gọi làm linh mục đó được. Tôi đã vào đại học theo học ngành kỹ sư và đã tốt nghiệp thành công cấp bậc Tiến sĩ. Tôi vào làm việc đúng ngành nghề chuyên môn là một kỹ sư và dần dần tôi cùng với một người bạn khác thành lập một hãng xưởng riêng. Công việc hãng xưởng trôi chảy. Thời gian làm việc kể là thành công kéo dài trên dưới 10 năm trời.

Càng ngày tôi càng suy nghĩ về đời sống mình và thêm thắc mắc nghi vấn về con đường tôi đang đi: Tôi sống làm việc như thế này để cho ai, cho đích điểm gì? Thiên Chúa muốn gì nơi đời sống tôi? Những câu thắc mắc này luôn luôn quay đi trở lại trong tâm trí tôi. Và càng ngày tôi càng cảm nhận ra chút ánh sáng ý Thiên Chúa muốn gì nơi tôi. Phải chăng Ngài muốn cho tôi một con đường sống khác!

Và dần dần với thời gian con đường ơn Gọi từ từ mở ra cho tôi!

Nhưng dẫu vậy thắc mắc khác lại đến xâm chiếm tâm trí tôi: Bây giờ bỏ nghề nghiệp đang kiếm ra nhiều tiền bạc, danh vọng, có bảo đảm lúc này và sau này, để bước sang con đường sống mới, để bắc nhịp cầu mới khác…như thế có đúng, hợp tình hợp lý không?

Với ân đức của Thiên Chúa, tôi đã tìm thấy câu trả lời cho mình. Và từ hai năm nay tôi trở thành ứng sinh linh mục của tổng giáo phận Köln. Lòng tin tưởng vào Chúa dẫn đường đồng hành trong đời sống giúp tôi can đảm và niềm vui dấn thân cho Ơn Gọi.”

Chín chắn, xác tín và can đảm hơn, tưởng ít có tâm hồn như vậy!

2. Cha sở Felix

Cũng trong dịp gặp gỡ ở Köln, ngày 19.08.2005, linh mục Felix, một cha sở bên nước Kasachtan thuộc Liên bang xô Viết cũ, đã nói về ơn Gọi trở thành linh mục của mình:

“ Kính thưa đức thánh cha,

Con là một linh mục sinh ra lớn lên ở vùng nhà quê đất nước Kasachtan. Ðức tin vào Thiên Chúa do cha mẹ, ông bà của con đã gieo trồng, ghi khắc đậm nét nơi con, trong thời kỳ khó khăn bị theo dõi, nếu sống trung thành theo niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô và vào Hội Thánh Công giáo.

Khi con còn nhỏ. Bà nội con đã dậy con cách cầu nguyện cùng Chúa Giêsu Kitô. Ở nhà con học kinh, học cầu nguyện. Nhưng đi đến trường học, con bị mất niềm tin vào Chúa. Vào thời kỳ cộng sản liên bang sô-viết người ta hỏi con: Bà nội con đã học mấy năm ở trường học? Con trả lời là hai năm.

Họ nói với con: Nghe đây bạn nhỏ, bây giờ bạn học nhiều năm hơn bà nội của bạn rồi. Bạn bỏ cách xa bà nội bạn rất nhiều. Bạn biết nhiều hơn bà nội và như vậy bạn không cần phải tin vào Thiên Chúa làm chi nữa!”

Sự độc đoán đó đã phá hủy đức tin của con. Con lớn dần trong thế giới thành người vô thần. Con đã trở thành người lính trong quân đội Sô viết. Trong thời gian này con nhìn thấy nhiều cảnh đè nén bất công, không còn biết đếm xỉa, để ý gì đến con người ngay giữa những bạn lính đồng đội với nhau...

Con buồn và thất vọng. Từ lúc đó con bắt đầu suy nghĩ về đời sống của mình.

Nhân ngày về thăm nhà, gặp lại cha mẹ ông bà. Con kể cho ông bà nội nghe những gì con thấy và những gì con suy nghĩ. Bà nội con nhìn con nói: Con ơi, con phải bắt đầu cầu nguyện lại đi thôi! Thiên Chúa tình yêu sẽ giúp con”.

Những lời chân thành đó của bà nội con khác nào như một ân đức giúp soi sáng tâm trí con lúc đó. Con bắt đầu viết lại kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng Maria học thuộc lòng và cùng cầu nguyện với bà nội con.

Trở về đơn vị làm nhiệm vụ. Nhưng lúc nào con cũng đọc nhẩm lại những lời kinh đó. Và từ từ con cảm nghiệm tận trong thâm tâm sự hiện diện của Chúa bên con, rồi có tiếng thì thầm trong tâm hồn con: Hãy tin tưởng nơi Cha!

Sau khi mãn hạn đi lính, con trở về nhà bằng an. Từ lúc đó con cầu nguyện lần chuỗi mân côi nhiều và bắt đầu đọc sách Kinh Thánh. Ðức tin của con vào Thiên Chúa được củng cố thêm và sau hai năm con đã tìm thấy Ơn Gọi con đường làm linh mục…”

Chân thành đơn sơ, tràn đầy lòng khiêm cung và chan chứa lòng tin tưởng như cha sở Felix, thật hiếm có!

3. Ðức Thánh Cha Benedicto XVI. của chúng ta

Ngày 19.04.2005 sau khi được chọn bầu là Giáo hoàng của Giáo hội, đức thánh cha mới Benedicto 16. bước ra bao lơn cửa sổ đền thờ Thánh Phero chào mừng tòan dân Thiên Chúa:

“Anh chị em thân mến,

Sau vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vĩ đại của chúng ta, các đức Hồng Y đã chọn tôi, một người thợ làm công khiêm hạ trong vườn nho của Thiên Chúa.

Tôi xác tín, Thiên Chúa biết rõ phải làm như thế nào và phải hành động như thế nào, ngay cả khi thiếu thốn những dụng cụ. Và tôi đặc biệt tin tưởng vào những lời cầu nguyện của anh chị em. Trong niềm vui của Chúa Phục Sinh, và với niềm tin tưởng vào vào sự giúp đỡ muôn đời của Ngài, chúng ta hãy tiến bước, hãy chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ trợ giúp. Và Ðức Maria, Mẹ dấu yêu của Ngài, luôn đứng bên cạnh chúng ta. Xin chân thành Cám ơn tất cả anh chị em."

Tràn đầy tâm tình tin tưởng đạo đức và chân thành chí thiết tình người hơn, khi nói về ơn Gọi của mình như thế, tưởng khó có thể diễn tả hơn được nữa, như đức Thánh cha Benedicto XVI. của chúng ta.

Mẹ Giáo Hội được Chúa thành lập sống làm chứng cho Ngài giữa trần gian với và cho con người. Mỗi thời đại, mỗi nơi khung cảnh xã hội địa lý, mỗi nền văn hóa dân tộc, có những thách đố đòi hỏi riêng.

Những thách đố đòi hỏi đó giúp Giáo Hội sống thích nghi, phát triển vươn lên, và cùng giúp cộng đoàn dân Chúa trên cánh đồng rao truyền Tin mừng. 



LM. Nguyễn Ngọc Long6/9/2007

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét