Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Người tu sĩ sống đức trong sạch và khiết tịnh



In
Có một cậu bé được vị ẩn sĩ đưa lên núi từ thuở nhỏ. Ngày ngày tu hành học đạo, xa tránh cuộc sống trần gian. Cho đến ngày kia, cậu bé trở thành một thanh niên khỏe mạnh và cường tráng. Vị ẩn sĩ mới quyết định đem cậu ta xuống núi để thử thách.  
Cuộc sống phàm tục có nhiều điều mới lạ khiến cậu ta hết sức ngạc nhiên và thích thú. Gặp bất cứ điều gì, cậu ta cũng ngắm nghía và hỏi han thầy mình.
       Trên đường về, gặp mấy cô gái đang cấy lúa cất tiếng cười trong trẻo, cậu ta liền hỏi:
       - Thưa thầy, cái gì thế ?
       Vị ẩn sĩ ngước nhìn và thấy mấy chiếc nón các cô đang đội, liền ôn tồn trả lời:
       - Ồ, đó chỉ là mấy chiếc nón mà thôi con ạ.
       Về đến núi, tự nhiên cậu ta đâm ra ngẩn ngơ như người mất hồn. Thấy vậy, vị ẩn sĩ mới hỏi:
       - Con đau bệnh hay sao ?
       Cậu ta buồn bã trả lời:
       - Chẳng biết tại sao con nhớ mấy chiếc nón ấy quá, con thương mấy chiếc nón ấy lắm.
       Câu chuyện dí dỏm ấy muốn nói lên một sự thật, đó là nam và nữ, trai và gái thường lôi cuốn và hấp dẫn lẫn nhau. Sự kiện này là điều hết sức tự nhiên và bình thường, như ca dao vốn diễn tả:
       - Mình về, mình nhớ ta chăng ?
         Ta về, ta nhớ hàm răng mình cười.
       Từ sự lôi cuốn và hấp dẫn ấy mới nảy sinh ra tình yêu, để rồi kết thúc bằng cuộc sống hôn nhân, trong đó hai vợ chồng được Thiên Chúa mời gọi tham dự vào tình yêu quyền năng sáng tạo của Ngài.
       Thế nhưng ngày nay, người ta đã lạm dụng khả năng tính dục mà Thiên Chúa đã trao ban. Khắp nơi trên thế giới, con số những người ly dị cũng như phá thai mỗi ngày một gia tăng, đẩy gia đình vào một cơn khủng hoảng trầm trọng. Người ta cổ võ cho những cuộc tình cùng phái tính, những kiểu sống bệnh hoạn…Phải chăng những giá trị luân lý và đạo đức đang dần dần bị mai một ?
       Đi tới đâu, chúng ta cũng thấy nhan nhản những sách báo, phim ảnh và quảng cáo mang tính cách đồi trụy và khiêu dâm. Thân xác người phụ nữ trở nên như một món hàng được mời chào để đổi chác và mua bán. Phải chăng xã hội đang bùng nổ về tính dục ? Phải chăng bầu khí chúng ta thở hút đã bị ô nhiễm nặng nề ? Phải chăng nói tới đức trong sạch và khiết tịnh là một cái gì lỗi thời và…xưa rồi Diễm ơi!
       Ngay cả trong giới các linh mục và tu sĩ, những ý niệm về hai nhân đức trên cũng đã bị sói mòn và mất dần ý nghĩa nguyên thủy của chúng. Ở bên Mỹ, vụ lạm dụng tình dục của các linh mục và tu sĩ đã là một “gương mù gương xấu”, làm cho Giáo hội phải xất bất xang bang. Còn ở Việt Nam, một vị Giám mục phụ trách về chủng viện, Đức Cha Nguyễn Bình Tĩnh, cũng đã phải than phiền:
       “Vì cởi mở với đời, Linh mục ngày nay rất dễ tiếp xúc với nữ giới. Xu hướng sống tiện nghi thoải mái cũng dễ kéo theo xu hướng tìm vui chơi khoái lạc, nhất là khi các ngài còn có quan niệm phóng khoáng về đòi hỏi của đời độc thân.
        Vì thế, cũng có những Linh mục ngày nay cùng đoàn nữ giới đi tắm biển, đi trại hè…không còn là điều chướng tai gai mắt nữa.
        Có vị còn coi bồ bịch với nữ giới là hợp tình hợp lý. Những phim ảnh lõa lồ, những sách báo khiêu dâm không còn là cấm địa đối với một số vị.
        Giáo dân và chính cả Linh mục không còn dị ứng nữa khi thấy một Linh mục có con mà vãn ngang nhiên làm mục vụ.”
       Thế nhưng, người môn đệ của Đức Kitô, dấn thân vào nếp sống tu trì, không được trôi theo dòng chảy, trái lại phải đi ngược với những trào lưu trên  bằng cách thực thi đức trong sạch và khiết tịnh.
       Như vậy, sống trong sạch và khiết tịnh phải chăng là sự ngược đời thứ hai mà người tu sĩ cần phải tuân giữ trong cuộc sống của mình ? Vậy trong sạch và khiết tịnh là gì ?  
TRONG SẠCH VÀ KHIẾT TỊNH THEO CÁI NHÌN CỦA CHÚA 
       Hai chữ “trong sạch” ở đây không được hiểu theo nghĩa hẹp, nói tới việc giữ phép vệ sinh nơi thân xác, chẳng hạn mỗi buổi sáng khi thức dậy phải lấy nước đánh răng và rửa mặt, mỗi ngày phải tắm rửa và kỳ cọ cho sạch sẽ, râu tóc phải cho tươm tất và áo quần phải cho gọn ghẽ:
       - Đói cho sạch, rách cho thơm…
       Cũng không được hiểu theo nghĩa rộng,  nói tới tình trạng tâm hồn không vướng mắc tội lỗi.
       Trái lại, phải được hiểu theo một nghĩa đặc biệt. Với nghĩa đặc biệt này thì trong sạch là nhân đức giúp chúng ta xa tránh những vui thú thể xác bất chính, không được phép. Cao điểm của đức trong sạch chính là đức khiết tịnh, hoàn toàn xa tránh những vui thú xác thịt, kể cả những vui thú chính đáng và được phép, bằng việc tự nguyện khước từ hôn nhân.
       Tự bản chất, nhân đức trong sạch cho chúng ta thấy rõ sự trổi vượt và chiến thắng của tinh thần trên vật chất, của linh hồn trên thân xác. Chính vì thế, chúng ta thường gọi hai nhân đức này là nhân đức thiên thần, vì nó làm cho chúng ta trở nên giống như các thiên thần ở trên trời.
       Qua bài giảng trên núi, Chúa Giêsu cũng đã xác quyết:
        “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5,8).
       Kinh nghiệm thường ngày cho hay: phần đông con người thời nay mất đức tin, không phải vì thiếu hiểu biết về Thiên Chúa, nhưng vì đã sống sa đọa, thiếu trong sạch. Điều đó đã trở nên một sự thật tại các nước Âu Mỹ: với những tiện nghi vật chất, với những hưởng thụ dễ dãi, người ta dần dần xa lìa và chôn vùi niềm tin của mình.
       Chính vì thế, Đức Kitô đã đánh giá cao hai nhân đức này, bởi vì chính Ngài đã được sinh ra bởi một người mẹ đồng trinh và cha nuôi của Ngài là một người hoàn toàn trong sạch. Hơn thế nữa, chính bản thân Ngài cũng đã luôn sống đức khiết tịnh tuyệt đối nhất. Nhân đức này chiếu tỏa rạng ngời trong cuộc sống của Ngài, đến nỗi những kẻ thù địch không bao giờ dám lăng nhục Ngài về vấn đề này. Thực vậy, Ngài có rất nhiều kẻ thù địch, họ căm ghét Ngài và vu cáo cho Ngài những tội tày trời, nhưng không bao giờ họ dám tấn công Ngài trong lãnh vực này.
       Suốt dọc cuộc đời, Ngài luôn qui hướng về Cha trên trời, cũng như dồn mọi cố gắng cho việc cứu rỗi nhân loại. Tình yêu đối với Chúa Cha và tình yêu đối với nhân loại đã thúc bách Ngài nhập thể. Trọn thời gian nơi dương thế, trái tim Ngài chỉ đập vì tình yêu đó. Và chúng ta có thể nói được rằng: tình yêu đó chính là hơi thở của Ngài, tình yêu đó đã hướng dẫn từng bước Ngài đi, từng lời Ngài nói và từng việc Ngài làm. Chính tình yêu đó đã dẫn Ngài tới đỉnh Canvê, hy sinh mạng sống mình qua cái chết trên thập giá để mưu cầu lợi ích cho toàn thể nhân loại.
       Vì thế đối với người môn đệ, tấm gương của Ngài về đức khiết tịnh phải là một lời mời gọi tuy âm thầm nhưng lại vô cùng mãnh liệt, để bắt chước Ngài  thực thi nhân đức này trong nếp sống tu trì. 
LỜI MỜI GỌI TỰ NGUYỆN SỐNG KHIẾT TỊNH 
       Khi bọn Biệt phái hỏi về vấn đề ly dị, Chúa Giêsu đã xác nhận hôn nhân là một giao ước bất khả phân ly, do Thiên Chúa ấn định ngay từ lúc ban đầu:
        "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ", và Người đã phán: "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt." Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly." (Mt 19,4-6).
       Lời xác quyết của Chúa là cho các tông đồ chưng hửng, bởi vì các ông đã quen với thói tục rẫy vợ bỏ chồng. Các ông liền thưa lên cùng Chúa:
        "Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn." (Mt 19,10).
       Nhân cơ hội này, Ngài đã dạy cho các ông một bài học cao cả, nói với các ông một lời chân thành và ngỏ cùng các ông một mời gọi tha thiết.  Thực vậy, trong xã hội, chúng ta thấy có những kẻ từ chối hôn nhân vì một lý do tự nhiên chẳng hạn như họ đang đầu tư cuộc đời vào một lý tưởng phải theo đuổi hay vào một công trình khoa học phải nghiên cứu…Có những kẻ từ chối hôn nhân vì bị cưỡng bức, bởi họ không thể kết hôn được cũng như không hội đủ những điều kiện cần thiết như sức khỏe…để tạo dựng một mái gia đình hạnh phúc. Có những kẻ từ chối hôn nhân vì muốn lẩn tránh những hy sinh, những trách nhiệm mà những người sống trong bậc vợ chồng phải gánh chịu…Trong khi đó, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ tình nguyện từ bỏ vĩnh viễn việc kết hôn, với một lý do duy nhất, đó là vì Chúa và vì Nước Trời.
       Đúng thế, các môn đệ của Chúa không phải chỉ  cho hạnh phúc của bản thân mình, cho phần rỗi của cá nhân mình, cho sự hoàn thiện của phần riêng mình, trái lại họ còn phải yêu thương tha nhân, tìm kiếm lợi ích cho tha nhân cũng như đặc biệt lo đến hạnh phúc đời đời của tha nhân.
       Họ có thể thực hiện mục đích ấy một cách nhiều hơn và tốt hơn,  nếu họ biết thoát ly mọi liên hệ gia đình, hầu dấn thân trọn vẹn cho tha nhân. Nói khác đi: người có tâm hồn trong sạch và thực thi đức khiết tịnh sẽ được hoàn toàn tự do và bình an, nhất là được thành tâm kính mến Chúa. Họ có thể dành tất cả nghị lực cũng như thời gian để phụng sự Chúa và giúp đỡ tha nhân. Trong khi đó, những người sống đời hôn nhân, phải dành phần lớn nghị lực và thời gian cho vợ con và gia đình của mình.
       Vì thế, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ từ bỏ hoàn toàn và dứt khoát việc kết hôn để có thể hoạt động hữu hiệu hơn, hăng say hơn, nhiệt thành hơn cho lợi ích của Nước Trời.
       Tuy nhiên để có được một tâm hồn trong sạch và sống trọn vẹn đức khiết tịnh, chúng ta cần phải có hai điều kiện: 
       Điều kiện thứ nhất, đó là sự trợ giúp của ơn Chúa. 
       Thực vậy, muốn từ khước hôn nhân để được nên hoàn thiện thiêng liêng, cũng như để hy sinh trọn vẹn cho hoạt động của Nước Thiên Chúa, chứ không tìm lợi lộc trần gian, thì không thể dùng những lý luận của loài người hay những nghị lực nghèo nàn của bản thân, trái lại rất cần phải có ơn Chúa trợ giúp đặc biệt, bởi vì thân phận của người vốn yếu đuối và giòn mỏng. Nói cách khác, rất cần phải có ơn Chúa gọi.
       Công đồng Vaticanô đã xác quyết như sau:
        “Đức khiết tịnh vì Nước Trời (Mt 19,12), mà các tu sĩ khấn giữ, phải được quí trọng như một ân huệ cao cả của ơn thánh”. (DT 12).
       Chúa Giêsu cũng cho chúng ta thấy rõ điều ấy qua câu trả lời  sau đây:
        "Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu.
        Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu." (Mt 19,10-12). 
        Điều kiện thứ hai, đó là thiện chí và lòng quảng đại. 
       Chúa Giêsu đã kêu gọi thiện chí và lòng quảng đại của chúng ta khi Ngài nói:
        - Ai hiểu được thì hiểu.(Mt 19,12).
       Chỉ có những người nhận được ánh sáng ân sủng mới có thể thấu hiểu những lợi ích thiêng liêng của đức khiết tịnh, thế nhưng lại có hàng ngàn lý do ngăn cản không cho họ chọn bậc sống ấy. Vì thế, chúng ta cần phải có thiện chí và lòng quảng đại để can đảm bước đi theo sự soi dẫn của ân sủng, cũng như đáp lại lời mời gọi của Chúa.
       Kinh nghiệm cho thấy khi chọn đời sống khiết tịnh, chúng ta có thể được thúc đẩy bởi những lý do mang tính cách nhân loại để khước từ hôn nhân, nhưng nếu chúng ta thật lòng bước theo Chúa, thì lý do khiến chúng ta quyết định phải là những lý do siêu nhiên, đó là để được trở nên hoàn thiện và hiến trọn cuộc đời cho Nước Chúa, như lời Chúa đã nói:
        -  Lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. (Mt 19,12). 
ĐỨC KHIẾT TỊNH CỦA NGƯỜI TU SĨ 
       Từ những điều vừa trình bày, chúng ta đi vào lời khấn khiết tịnh của người tu sĩ và chúng ta có thể định nghĩa: Khấn khiết tịnh có nghĩa là thánh hiến cho Thiên Chúa khả năng yêu thương của riêng mình, bằng cách tự nguyện khước từ hôn nhân để đạt tới sự thánh hóa bản thân và mưu cầu lợi ích cho tha nhân một cách dễ dàng và hữu hiệu hơn.
       Khi kết hôn, người ta ký kết một giao ước bất khả phân ly với kẻ họ yêu. Qua giao ước ấy, người ta dành cho nhau tất cả khả năng yêu thương của mình, người ta trao cho nhau thân xác và tâm hồn mình. Người này có quyền trên thân xác và tâm hồn của người kia. Còn người tu sĩ,  khi tuyên hứa lời khấn khiết tịnh, chúng ta ký kết một giao ước vĩnh viễn với Thiên Chúa, dâng hiến cho Ngài tất cả khả năng yêu thương của chúng ta, nghĩa là tất cả những gì có thể sử dụng để yêu thương một thụ tạo bằng cả trái tim, theo bản năng của con người.
       Và như vậy, kể từ lúc tuyên khấn, kể từ lúc dâng hiến cho Thiên Chúa khả năng ấy, thì tất cả những gì trong tâm hồn và thân xác chúng ta, khả dĩ có thể được sử dụng để yêu thương, đều thuộc về Thiên Chúa và chúng ta có bổn phận phải tôn trọng.
       Trước hết, chúng ta phải bảo vệ và phát huy khả năng yêu thương của mình, bởi vì không gì có thể hủy diệt được khả năng ấy. Nếu chúng ta tìm cách bóp nghẹt khả năng ấy, là chúng ta đã lỗi phạm. Càng có khả năng yêu thương và càng yêu thương thật sự, thì càng chứng tỏ mình là con người đích thực.
       Dĩ nhiên, một khi khả năng yêu thương đã được thánh hiến cho Thiên Chúa, thì khả năng ấy phải thuộc về Ngài và chỉ được sử dụng để phụng sự và làm vinh danh Ngài mà thôi. Thế nhưng, chúng ta phụng sự  và làm vinh danh Ngài như thế nào ?
       Tôi xin thưa: chúng ta phụng sự và làm vinh danh Ngài khi sử dụng khả năng yêu thương để thánh hóa bản thân và mưu cầu lợi ích cho người khác. Công đồng Vaticanô II cũng đã xác nhận như sau:
        “Đức khiết tịnh giải thoát lòng con người cách đặc biệt (x 1Cor 7,32-35) để ngày càng kính mến Chúa và yêu thương mọi người cách nồng nàn hơn.” (DT 12).
       Có một liên hệ mật thiết giữa khả năng yêu thương và sự thánh hóa bản thân: càng trở nên trọn lành thì càng kính mến Thiên Chúa nhiều hơn. Ai tiến  tới mức độ kính mến Thiên Chúa cao nhất thì cũng đạt được mức độ trọn lành cao nhất.
       Như vậy, việc dâng hiến khả năng yêu thương cho Thiên Chúa để không gắn bó và quyến luyến với riêng một thụ tạo, chắc chắn sẽ hỗ trợ cho lòng kính mến Thiên Chúa và cho việc tiến bước trên con đường trọn lành.
       Và như chúng ta đã thấy: không thể tách biệt lòng kính mến Thiên Chúa ra khỏi tình yêu thương anh em, vì đây chỉ là một tình yêu duy nhất, một nhân đức duy nhất: Đức mến có đối tượng là Thiên Chúa, nhưng cũng phải trở lại trên tha nhân, như thánh Gioan đã khẳng định:
        “Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.”  (1Ga 4,20-21).
       Vì thế, chúng ta không thể kính mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương anh em, không ước muốn cho họ được những sự tốt lành và không cố gắng mưu cầu lợi ích thiêng liêng cũng như vật chất cho họ. Chúng ta không thể nào tăng trưởng trong tình mến đối với Thiên Chúa, mà  lại không tăng trưởng trong tình yêu đối với tha thân.
       Người tu sĩ tuyên hứa lời khấn khiết tịnh để có thể kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân một cách dễ dàng và hữu hiệu hơn, đồng thời tránh đi những chướng ngại vật cản ngăn không cho tình yêu này được phát triển, lớn mạnh và đạt tới mức độ hoàn thiện.
       Một khi đã tiến triển trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta cũng tiến triển trên con đường trọn lành. Đó là những mục đích chúng ta theo đuổi và đó cũng là những hậu quả nhân đức khiết tịnh đem lại nếu chúng ta thực thi nhân đức này trong cuộc sống.
       Chúa Giêsu đã chỉ rõ cho các môn đệ điều ấy khi Ngài khuyên các ông sống khiết tịnh vì Nước trời.
       Thánh Phaolô cũng đã nêu lên những mục đích của đức khiết tịnh khi nói chúng ta phải thánh hóa cả thân xác lẫn tâm hồn để chỉ lo việc của Chúa. Lời khuyên của vị thánh tông đồ dân ngoại được ghi lại như sau:
        “Về vấn đề độc thân, tôi không có chỉ thị nào của Chúa, nhưng tôi chỉ khuyên nhủ anh em với tư cách là người -nhờ Chúa thương- đáng được anh em tín nhiệm. Vậy tôi nghĩ rằng: vì những nỗi thống khổ hiện tại, ở vậy là điều tốt. Phải, tôi nghĩ rằng đối với người ta, như thế là tốt. Bạn đã kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng tìm cách gỡ ra. Bạn chưa kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng lo kiếm vợ. Nhưng nếu bạn cưới vợ, thì cũng chẳng có tội gì. Và nếu người con gái lấy chồng, thì cũng chẳng có tội gì. Tuy nhiên, những người ấy sẽ tự chuốc lấy những nỗi gian truân khốn khổ. Mà tôi, tôi muốn cho anh em thoát khỏi điều đó. Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả, kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi. Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng. Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.” (1Cr 7,25-30). 
       KẾT LUẬN 
       Để kết luận, tôi xin kể lại một mẩu chuyện nho nhỏ:
       Có hai vị sư, một già và một trẻ, sau một ngày khất thực xin ăn, đang cất bước trở về chùa. Trên con đường trở về này có một đoạn lầy lội. Hai vị sư nhìn thấy một cô gái vừa trẻ lại vừa đẹp đang loay hoay bấm từng bước một giữa đám bùn đen. Áo quần lòa xòa. Giày dép lỉnh kỉnh. Đường sá trơn trượt. Cô gái té lên ngã xuống nhiều lần.
       Trước tình cảnh ấy, vị sư trẻ đã nhanh chân chạy tới và bế cô gái qua khỏi đoạn đường khó khăn ấy. Sau đó, hai vị sư tiếp tục bước đi trong thinh lặng.
       Về tới chùa, vị sự già mới nói với vị sư trẻ rằng:
       - Chúng ta là những người tu hành, không được phép bế cô gái như thế để băng qua quãng sình lầy.
       Thế nhưng, vị sư trẻ đã trả lời:
       - Thưa thầy, con đã để cô gái ấy lại trên đường sau quãng sình lầy. Còn thầy, sao thầy lại mang cô gái ấy về tận đây, nơi cửa chùa này.
       Câu chuyện trên làm tôi nhớ tới lời Chúa đã phán:
        - Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5,8).
        Lời chúc phúc của Chúa, phải chăng cũng chính là sự ngược đời mà người tu sĩ cần phải thực thi và sống trong suốt cả cuộc đời của mình.
 Người Sông Trà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét