Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Tìm hiểu về Thánh Tâm Chúa Giêsu



1. Gần đây, có người tìm được tấm ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu, phần dưới trái tim Chúa đang chảy máu, người này xin Đức Hồng Y cho phép phổ biến tấm ảnh ấy. Đức Hồng y cho phép với điều kiện in thêm câu này trên ảnh:“Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả” (Người có trái tim ở bên ngoài, bên trong lại không có tim) .

Cuối tháng 3-2007, Đức Hồng Y đi thăm Nhật và biết được câu truyện các Thánh tử đạo Nhật. Truyện kể hai ông quan chịu trách nhiệm bắt giam những người Công Giáo cuối thế kỷ 16, khi tịch biên tài sản của họ, phát hiện trong đó có ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu. Một trong hai ông quan đặt tấm ảnh Thánh Tâm Chúa trên bàn làm việc và suy nghĩ suốt đêm: Tại sao người trong ảnh có trái tim ở ngoài? Hôm sau ông có kết luận và viết: “Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả” (Người có trái tim ở bên ngoài, bên trong lại không có tim). ám chỉ người chỉ lo và yêu thương người khác mà không lo cho chính mình). Đó chính là đặc tính của Thánh Tâm Chúa.

Chúng ta hãy tìm hiểu hai chữ “Thánh Tâm”.

2. Nghĩa chữ Thánh Tâm:

2.1. Thánh: chữ Hán có hai chữ là 聖 và 清. Trong từ Thánh Tâm, thánh là chữ 聖. Chữ thánh (聖) có nhiều nghĩa. Liên quan đến từ Thánh Tâm thì là những nghĩa sau: (*1) Thánh, chỉ những gì thuộc về Đức Chúa và các đấng thiêng liêng, ví dụ: Thánh giáo, Thánh ý. (2) Thánh cũng có nghĩa mầu nhiệm, tốt đẹp hoàn toàn, vd.: Thánh đức.

2.2. Tâm: có hai chữ Hán là 心 và 芯, ở đây là chữ 心, chữ tâm 心 là chữ tượng hình, kiểu viết tiểu triện có hình trái tim (♥), còn kiểu viết khải thư 心 thì ở trên có ba dấu tượng trưng ba cái cuống, ở dưới là túi chứa máu.

Chữ tâm (心) có rất nhiều nghĩa: (dt) (1) Trái tim, cơ quan tuần hoàn của con người và động vật có lưng, vd. tâm tạng; (2) Trái với vật, ý thức của con người; (3) Ý chí; (4) Lòng yên tĩnh, vd. tâm bình khí hoà; (5) Căn nguyên của đạo (*2); (6) Chính giữa, vd. viên tâm; trọng tâm; (7) Một trong hai mươi tám tinh tú; (8) Danh từ Phật giáo, trái với sắc, Phật giáo coi những vật thể có hình dáng mà con người cảm giác được, gọi là sắc, những gì thuộc lĩnh vực tinh thần, gọi là tâm (*3); (9) Tư tưởng, bộ não, người xưa ngộ nhận tâm là cơ quan tư duy, nên cơ quan tư tưởng, các tình trạng tư tưởng và tình cảm đều gọi là tâm, vd. tâm cảnh, tâm địa; (10) Phần giữa của thực vật, vd. hoa tâm; (11) Bản tính; (12) Lương tâm, vd. tâm tính; (13) Cái gai; (14) Hình trái tim (♥), tượng trưng cho tình yêu. (đt) (15) Tính toán trong lòng, vd. tâm tính; (16) Quyết đấu trong lòng, vd. tâm chiến.

2.3. Thánh Tâm (聖心) còn gọi là "Rất Thánh Trái Tim" nghĩa là trái tim thuộc về Đức Chúa (hoặc Đấng thiêng liêng).

Nơi nhiều dân tộc, tâm (hay trái tim) vừa để chỉ trái tim bằng thịt nhưng cũng nói lên một điều gì gồm tóm cả con người, cho dù chỉ dưới một khía cạnh nào đó (cũng như những danh từ khác, chẳng hạn: đầu, bụng, lòng dạ, tay mặt...). Chẳng hạn, với người Á đông, trái tim diển tả tình cảm và tư tưởng của con người, mà tình cảm của con người có thất tình lục dục. Thất tình (bảy thứ tình cảm) của con người theo Nho giáo là: hỷ (vui), nộ (giận), ai (buồn sầu), cụ (sợ), ái (yêu), ố (ghét), dục (ước muốn); theo Phật giáo là: hỷ, nộ, ưu (lo nghĩ), cụ, ái, tăng (ghét), dục. Thất tình của Nho giáo và Phật giáo tuy không hoàn toàn giống nhau, nhưng đều có ái. Ái là tình yêu thương. Trái tim có nghĩa là trung tâm thật sự và sâu kín nhất của con người (nội tâm), nó gồm tóm cá tính cụ thể của con người hướng dẫn mọi hành động ý thức hay vô thức của con người, là yếu tính đồng nhất cách tự nhiên và tượng trưng cho mọi tập quán khác nhau của con người, nhờ đó chúng có một ý nghĩa tối hậu.

Như thế trái tim tượng trưng cho toàn thể con người như là nguồn mạch tạo nên cuộc sống của mình. Lời kêu xin: "Hỡi con, hãy cho Cha trái tim của con" (Cn 23,26) có nghĩa là: "Hãy cho Cha cả con người của con".

Vậy, khi nói về Thánh Tâm Chúa Giêsu là chúng ta luôn luôn hiểu ngầm cả con người Chúa Kitô. Hơn nữa, chúng ta cốt yếu để ý đến chính con người, vì trái tim có nghĩa là phương tiện hoặc là trung tâm điểm của con người. Đây là lý do tại sao Hội Thánh không muốn trưng bày công khai trái tim như thể của Chúa Kitô bằng ảnh tượng mà không có cả con người Chúa Kitô (Trong việc thờ kính riêng tư có thể được phép trưng bày như thế nếu không bất tiện).

Trái tim không nhất thiết là tình yêu, vì trong trường hợp người gian ác, thâm tâm họ đâu có thể là tình thương. Nhưng nếu một người đầy tình yêu đối với tha nhân và đối với Thiên Chúa thì thâm tâm người ấy được gọi rất đúng là tình yêu như trong trường hợp về Chúa Giêsu.

Trái tim bằng thịt không phải là hình ảnh (image) nhưng là tượng trưng (symbol) của "trái tim" theo nghĩa vừa nói ở trên. Không phải là hình ảnh, vì "trái tim" là thâm tâm của con người, nó bao hàm tất cả tính tình của con người, nhất là thuộc lãnh vực tâm linh và vì thế không thể trình bày cách đúng đắn bằng hình ảnh được. Đó là biểu tượng tự nhiên (không phải theo ý riêng hay tập quán), vì tất cả tính tình của con người có ảnh hưởng một cách nào đó đều được cảm thấy và được sống nơi trái tim vật lý của con người. Vì trái tim bằng thịt chỉ là tượng trưng, chứ không phải là hình ảnh, nên không cần phải trình bày thật đúng vật lý một cách tỉ mỉ, nhưng ta có thể thêm bớt (chẳng hạn thêm mão gai có thánh giá ở trên, có lửa bừng cháy...), và cũng có thể đặt nó ngay giữa lồng ngực (*4).

3. Việc tôn thờ Thánh Tâm:

Khi tôn thờ Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa, Hội Thánh tôn thờ cả thiên tính lẫn nhân tính của Người, và mọi phần thân thể của Chúa Kitô cũng đáng phượng thờ như nhân tính Người vậy. Tuy nhiên, trong thực hành, Hội Thánh chỉ cho phép tôn thờ cách minh định một phần chi thể nào nếu nó có vẻ cao đẹp đặc biệt hay có lý do đặc biệt để tôn kính cách minh định. Vì thế, Hội Thánh tôn thờ cách minh định Bửu Huyết Chúa Kitô, Thánh Tâm Chúa Giêsu; nhưng kết án một ít việc tôn thờ (thí dụ: tôn thờ linh hồn, hai cánh tay, đầu Chúa Kitô) hoặc chỉ làm thinh cho tôn thờ thôi (chẳng hạn đối với Thánh Nhan Chúa Kitô)...

Việc tôn thờ Thánh Tâm là nòng cốt của Công giáo như các ĐGH Piô XI và Piô XII đã nói: "Tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu là điểm cốt yếu của đạo chúng ta (summa religionis nostrae)"(*5).

Thực vậy, trong việc tôn thờ này đức tin Kitô giáo vẫn nguyên tuyền vì nó đưa con người tới Chúa Ba Ngôi nhờ sự hợp nhất với Chúa Kitô, Đấng Trung Gian.Việc tôn thờ này có thể nhằm tình yêu cứu chuộc như đối tượng chính, nhưng nó không loại bỏ tình yêu mà Chúa Kitô vinh hiển đã tỏ ra và còn tỏ ra mãi mãi, vì tình yêu này là phần bổ túc thiết yếu của tình yêu cứu chuộc. Đồng thời chúng ta cũng phải để ý: tình yêu của chúng ta đối với Chúa Kitô và với Thiên Chúa phải cốt yếu là tình yêu bị đóng đinh của Chúa Kitô được biểu tượng bằng trái tim Người thì thật hợp lý. Tình yêu bị đóng đinh ấy trước hết được kích động nơi cá nhân nhưng nó không có tính cách "cá nhân chủ nghĩa", vì tình yêu được kích động trong việc tôn thờ này cũng có tính cách tông đồ (được sai đi) như tình yêu của Chúa Kitô, Đấng mà việc tôn thờ Thánh Tâm hướng đến. Hơn nữa, việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu kêu mời chúng ta bắt chước Người.

Việc hoàn toàn tận hiến cho trái tim Chúa Giêsu có hiệu lực mạnh nhất để thúc đẩy ta yêu mến Chúa Kitô. Vì thế, thánh nữ Magarita và chân phúc Claudio đã tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. ĐGH Lêo XIII đã dâng hiến toàn thể nhân loại cho Thánh Tâm Chúa (*6) và hàng năm việc hiến dâng đó được lặp lại vào ngày Lễ Chúa Kitô Vua. Hiến dâng cho Thánh Tâm Chúa vì trong Thánh Tâm Chúa chúng ta tìm được tình yêu thúc đẩy chúng ta yêu mến Chúa và tận hiến hoàn toàn cho tha nhân.

Nên dùng từ Thánh Tâm để diễn tả tình yêu của Chúa là rất hay, và câu nói của ông quan người Nhật cũng rất đúng:

“Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả”.

---------------

Chú thích:

(*1) X. “Bài Giảng Chúa Nhật” số 05-2006, tr. 93 và số 05-2007, tr. 105.

(*2) “Tâm tức đạo, đạo tức Thiên, tri tâm tất tri đạo tri Thiên: Tâm là đạo, đạo là Trời, biết tâm tất biết đạo và biết Trời”, lời của Vương Dương Minh (1472-1529, Trung Quốc). Đây là vấn đề triết học rất sâu rộng, phải có một bài riêng để bàn về vấn đề này.

(*3) Phật giáo cho tâm là chủ của mọi hoạt động tinh thần của con người, bao hàm cả ý (năng lực suy nghĩ, phân biệt với năng lực hành động) và thức (năng lực phân biệt đối với các hiện tượng), vd. “Ba ngàn thế giới ở trong một mối nghĩ của tâm”.

(*4) Phần này và phần sau viết theo A. Drexel, Ngôi Lời Nhập Thể Cứu Chuộc, GHHV Piô X, Đà Lạt, 1975.

(*5) ĐGH Piô XI, Thông điệp Miserentissimus Redemptor, ngày 08/05/1928 và ĐGH Piô XII, Thông điệp Haurietis Aquas, 15/05/1956.

(* 6) ĐGH Lêô XIII, Thông điệp Annum Sacrum, 25/05/1899.

Tài liệu tham khảo:

1. Cao Thụ Phan, Hình Am Nghĩa Tổng Hợp Đại Tự Điển, Đài Loan, 1971.

2. Phan Văn Các,Từ Điển Hán Việt, Viện Ngôn Ngữ Học, nxb. TP.HCM, 2001.

3. Châu Hà, Quốc Ngữ Hoạt Dụng Từ Điển, Nxb Ngũ Nam, Đài Loan, 2004.

4. Lm. Antôn Trần Văn Kiệm, Giúp Đọc Nôm Và Hán Việt, nxb. Đà Nẵng, 2004.

5. Viện Ngôn Ngữ Học, Từ Điển Tiếng Việt, nxb. Đà Nẵng, 2005.

6. La Trúc Phong, Hán Ngữ Đại Từ Điển, nxb. Thế kỷ, Thượng Hải, 2003.

7. Lý Lạc Nghị, Tìm Về Cội Nguồn Chữ Hán, nxb. Thế Giới, 1997.

8. A. Drexel, Ngôi Lời Nhập Thể Cứu Chuộc, GHHV Piô X, Đà Lạt, 1975.
JB Cù Trung Nhân11/19/2007 
http://vietcatholic.com/News/Html/49117.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét