Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Nhà truyền giáo kể chuyện Chúa Giêsu như thế nào?

Vấn đề thứ ba chúng ta cùng chia sẻ là cách kể câu chuyện về Chúa Giêsu. Có người kể chuyện Giêsu như kể chuyện cổ tích Tấm Cám chỉ để ru ngủ trẻ thơ, đưa chúng vào một thiên đàng tưởng tượng trong khi Ðức Giêsu là chuyện thật, người thật, việc thật (x. Hồng y Paul Poupard, Sứ điệp trong Ðại hội Truyền giáo Châu Á, Văn kiện, tr. 54). Có người lại kể chuyện Giêsu như kể chuyện về anh hùng lịch sử Trần Hưng Ðạo hay về Tổng thống đương nhiệm Obama của Hoa Kỳ, dù chính người kể chẳng gặp và người nghe chẳng thấy, trong khi Ðức Giêsu là một người đang sống hôm qua, hôm nay và mãi mãi đến muôn đời, Người ở giữa chúng ta và ở trong chúng ta. Có người lại muốn kể câu chuyện về Ðức Giêsu với cử chỉ cường điệu và lời lẽ trang trọng như một diễn viên hay một nhà hùng biện trước đám đông để mong thuyết phục quần chúng và đón nhận những tràng pháo tay tán thưởng cho mình trong khi Giêsu chỉ muốn ta dùng những lời lẽ đơn thành để tạo sự hiệp thông giữa người kể và người nghe. Vậy chúng ta phải nói gì và nói như thế nào về Chúa Giêsu? 
Có lẽ ta sẽ tìm thấy câu trả lời qua chính lời dạy của Chúa Giêsu: "Lúc đó Thánh Thần sẽ cho anh em biết phải nói gì và nói như thế nào" (x. Lc 12,11-12; Mc 13,11), cũng như qua những bài giảng đầu tiên của Thánh Phêrô và các Tông đồ sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống được ghi lại trong sách Công vụ Tông đồ: 1,14-36; 2,11-26; 4,8-12; 13,16-42; 22,1-21; 26,1-23. Chúng ta có thể tóm tắt mấy điểm cơ bản về cách kể chuyện Giêsu sau đây:
1. Tập trung vào Chúa Giêsu
Các Tông đồ chỉ nói về Chúa Giêsu, về những gì liên quan đến Chúa Giêsu, về kinh nghiệm của mình với Chúa Giêsu. Họ không lo đi tìm kiến thức của người đời, cũng không quan tâm đến người nghe vui hay buồn khi nghe chuyện Giêsu. Họ kể lại trung thực tất cả những gì Thánh Thần thôi thúc họ nói, kể cả những kinh nghiệm đau thương như của Phêrô khi chối bỏ Giêsu, hay của Phaolô khi bách hại Kitô hữu.
Nhiều anh em linh mục chúng tôi rất lo khi đến ngày Chủ Nhật vì không biết chuẩn bị bài giảng thế nào cho tín hữu có thể đón nhận và sống Lời Chúa. Linh mục càng ở lâu trong một xứ đạo với các bài Kinh Thánh trở đi trở lại 3 năm một lần càng không biết giảng giải ra sao. Không lẽ năm nào cũng lấy lại bài giảng cũ?! Có linh mục vào mạng Internet, lấy một loạt các Bài giảng Chủ nhật của nhiều tác giả rồi tái chế bằng cách cắt dán mỗi bài một đoạn thành bài giảng của mình. Có người lại đi tìm các câu chuyện ngắn có ý nghĩa ở trong các sách báo để minh hoạ cho đề tài muốn giảng. Người khác lại nghĩ đến Lời Chúa là tin mừng, tin vui nên đưa cả những chuyện tiếu lâm vào để gây tiếng cười cho các thính giả và giờ giảng lễ trở thành một cuộc tấu hài. Có linh mục nghĩ rằng cần phải nói thật ngắn gọn, rõ ràng, bài giảng chỉ cần kéo dài chừng 5-7 phút, thánh lễ càng ngắn càng thu hút được nhiều tín hữu dự lễ nhưng thực tế lại dạy chúng tôi rằng càng thu ngắn bài giảng càng làm mất đi tính cách hấp dẫn kỳ lạ trong câu chuyện Giêsu!
Chúng ta không có chất liệu để nói về Ðức Giêsu trước hết chỉ vì chúng ta chưa gặp được Người nên chưa xác tín rằng Người đang sống và đang kể chuyện của Người qua lời lẽ của ta. Ta chỉ mới nói được lời của con người chứ chưa nói được lời của Thiên Chúa, nên câu chuyện không có sức biến đổi và thần hoá người nghe. Tại sao? Tại vì ta mới chỉ thở được khí tự nhiên nên lời ta chỉ là những âm thanh vang đến những đôi tai người phàm. Khi thở được Thần Khí, lời loan báo Tin Mừng của ta mới trở thành Lời Chúa và có sức cứu độ muôn loài.
2. Kể bằng ngôn ngữ tình yêu
Câu chuyện Giêsu là một chuyện tình nên phải kể bằng ngôn ngữ của tình yêu. Ðó là tiếng nói của những gì mang lại tích cực, tốt đẹp, hy vọng cho mọi người mọi vật; tiếng nói của sự thật và sự sống, của niềm tin và hy vọng, của thánh thiện và ân sủng, của tự do, công lý và hoà bình. Vì tình yêu là tất cả những thứ đó và còn hơn thế nữa.
Thiên Chúa là tình yêu, và để thể hiện mình, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài là Ngôi Lời đến với chúng ta (x. Ga 3,16), làm người để cứu độ chúng ta. Người con đó là Chúa Giêsu. Khi kể về Chúa Giêsu, nhà truyền giáo phải bộc lộ được tình yêu này trong ánh mắt, lời nói, nụ cười và toàn thể con người như một chứng nhân của tình yêu, nhất là thành những hành động cụ thể cho những con người yếu kém, bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài lề xã hội hôm nay: "Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng những việc làm" (1 Ga 3,18). Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã trình bày cách kể chuyện này trong Thông điệp đầu tiên của ngài: Deus Caritas est (Thiên Chúa là Tình Yêu).
Người tín hữu ngày nay nói rất nhiều đến "bác ái", có nghĩa là "yêu rộng", "yêu quảng đại" và người đời càng nói nhiều hơn đến "tình yêu" nhưng nhiều người lại không tìm được nội dung của điều mình muốn nói. Chỉ có Chúa Giêsu là tình yêu cụ thể, thiết thực của Thiên Chúa mới có thể giúp tất cả chúng ta cảm nghiệm được giá trị cao cả của tình yêu và xây dựng được một nền văn minh tình yêu thực sự cho thế giới hôm nay.
3. Kể bằng mọi mặt của đời sống
Khi yêu nhau, người ta muốn diễn tả tình cảm không chỉ bằng lời mà còn sử dụng mọi phương tiện vật chất cũng như tinh thần để bộc lộ mình và liên kết với nhau. Những lần trao gửi quà tặng, thư từ, nhắn tin qua mạng, diễn tả bằng bài hát, lời thơ, tranh vẽ và cả những giây phút yên lặng bên nhau hay nhớ về nhau đều là những cách kể chuyện tình cho nhau nghe.
Nhà truyền giáo ngày nay, tuỳ theo ân sủng Chúa ban, có thể kể về Chúa Giêsu bằng nhiều cách thức. Nếu là thi sĩ, ta hãy làm thơ về Giêsu. Là nhạc sĩ, ca sĩ, ta có thể sáng tác và hát những bài hát về Giêsu, có thể cuốn hút hàng trăm ngàn bạn trẻ vì ta sáng tác, ta hát bằng Thần Khí của Thiên Chúa. Là nhà nghiên cứu, ta sẽ dùng tình yêu của Giêsu để xua tan sự lãnh đạm cứng nhắc của vật chất và khám phá ra muôn điều kỳ diệu trong thiên nhiên như Giêsu đã từng ra lệnh cho gió yên, biển lặng, bánh cá hoá nhiều# Như thế, người kể chuyện Giêsu không phải là lúc nào cũng nhắc tên Giêsu trên môi miệng nhưng lại diễn tả Người qua mọi lĩnh vực của đời sống vì Giêsu là tất cả và ở trong muôn loài (x. Ga 1,3; 16; 1 Cr 13,12; 15,28).
4. Kể qua Giáo Hội
Câu chuyện Giêsu còn đang được tiếp tục kể qua Giáo Hội là Nhiệm Thể Người (x. Hồng  Y P. Poupard, Sứ điệp, Kể chuyện Giêsu ở châu Á, FABC-Oe xuất bản, India, 2007, tr. 55). Ðức Giêsu đã kêu gọi những ai Người muốn (x. Mt 10,1-42; Mc 3,13) và sai họ đi khắp nơi, đến với muôn dân để kể lại câu chuyện của Người (x. Mt 28,19tt; Mc 16,15tt; Sắc lệnh Ad Gentes, số 5). Vì thế, câu chuyện Chúa Giêsu được tiếp tục kể qua hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. Tất cả anh chị em chúng ta đang có mặt ở đây đều được mời gọi tham gia.
Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng, trước khi là câu chuyện riêng tư của từng người thì Giêsu đã là câu chuyện của một tập thể, một cộng đồng gồm những người tin yêu Ðức Giêsu, đó là Giáo Hội, là thân thể mầu nhiệm của Người. Vì thế, muốn kể cho rõ ràng, đúng đắn và sống động, chúng ta được mời gọi cộng tác và liên kết với nhau.
Ðức cha Micae Hoàng Ðức Oanh với Uỷ ban Loan báo Tin Mừng đã tổ chức Hội thảo về Truyền giáo từ ngày 23 đến 25-3-2009 tại Sài Gòn, và đã thấy rằng cần phải có sự kết hợp hài hoà cũng như phối hợp chặt chẽ giữa các uỷ ban khác nhau của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam như: Uỷ ban Truyền thông, Bác ái Xã hội, Văn hoá, Giáo lý Ðức tin, Linh mục - Chủng sinh, Tu sĩ... thì công cuộc loan báo Tin Mừng mới đạt được kết quả tốt đẹp (x. Ðc. Micae Hoàng Ðức Oanh, Thư gửi Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, ngày 16-4-2009).
5. Kể chuyện Chúa Giêsu
Nói đến Tin Mừng, đến Lời Chúa, thường chúng ta nghĩ ngay đến cuốn Thánh Kinh, đến những câu văn, chữ viết trong sách đó chứ ít khi nghĩ đến Ngôi Lời sống động mà mình phải tìm gặp, yêu thương và giới thiệu cho người khác.
Tôi nhớ cách đây hơn 10 năm, trong lần giảng tĩnh tâm hằng năm cho các nữ tu dòng Nữ Vương Hoà Bình ở Buôn Ma Thuột, cha sở Nhà thờ Chính toà mời tôi đến nói chuyện về việc loan báo Tin Mừng cho hơn 100 giáo lý viên, gồm các chủng sinh, nữ tu và một ít tín hữu giáo dân. Tôi đưa ra một trường hợp:
- Thí dụ như các bạn gặp một người phụ nữ dân tộc thiểu số đang cho con bú thì câu Tin Mừng nào thích hợp nhất để loan báo trong trường hợp này?
Nhiều cánh tay giơ lên, một tu sĩ trả lời:
- Ðó là câu: "Phúc cho dạ đã cưu mang Người và vú đã cho Người bú" (Lc 11,27).
- Các bạn có đồng ý với câu trả lời này không?
- Hầu như không có ai phản đối hay đưa ra một câu nào khác.
- Các bạn thử tưởng tượng xem người phụ nữ đó nghĩ gì: Ðột ngột gặp một người lạ đứng trước mặt mình và nói một câu như thế, thì chỉ có thể là một người điên khùng nào đó vừa ra từ Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn) hay Nhà thương Biên Hoà mà thôi!
Vậy mà nhiều người chúng ta thường loan báo Tin Mừng theo cách đó. Có phải các giờ học Kinh Thánh với những kiểu chú giải Lời Chúa khác nhau đã làm chúng ta quên mất Giêsu là Ngôi Lời sống động?!
Trong trường hợp này, tôi sẽ nói với người phụ nữ:
"Chị ơi, chị bế cháu nằm ngửa như thế sẽ làm cháu bị ọc sữa và vú chị bị đau. Chị nên bế cháu thẳng hơn và đừng áp chặt bầu vú vào mặt cháu để cháu dễ thở". Ðó là "Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô theo Antôn Nguyễn Ngọc Sơn!".
Vâng, các bạn đừng cười nhạo, cho tôi là phạm thượng, vì chỉ có một Tin Mừng duy nhất của Ðức Giêsu, nhưng có hàng triệu người viết và rao giảng khác nhau. Không phải chỉ theo Matthêu, Marcô, Luca, Gioan mà còn theo Nguyễn Văn X, Trần Thị Y... Lời nào của chúng ta được Thần Khí Tình Yêu thúc đẩy nói nhân danh Ðức Giêsu thì đều là Tin Mừng, đều mang lại niềm vui, sức khoẻ, bình an và ơn cứu độ đến cho mọi người. Thánh Gioan đã kết thúc Tin Mừng bằng một câu rất hay cho trường hợp này: "Còn có nhiều điều khác Ðức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một thì tôi thiết nghĩ cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra" (Ga 21,25). Chúng ta đang tiếp tục trở thành tác giả Tin Mừng, nhất là trở thành Tin Mừng sống động của Ðức Kitô.

Kết Luận
Câu chuyện về Chúa Giêsu là một chuyện dài diễn ra trong suốt đời sống của nhà truyền giáo mà chúng ta không thể kể hết ở đây. Câu chuyện có lẽ vẫn còn tiếp tục cả ở trên thiêng đàng, dù lúc ấy ta được nhìn tận mắt Người Yêu tuyệt vời của mình! Ðiều chia sẻ với các bạn hôm nay chỉ là một đoạn rất nhỏ để góp vào câu chuyện của tất cả chúng ta, dù lời kể của tôi còn nhiều lúng túng. Cầu chúc các bạn trở thành những người kể chuyện tuyệt vời về Chúa Giêsu và cho Chúa Giêsu.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tháng 5-2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét